Hiệu quả tích cực từ việc đưa trò chơi dân gian vào trường học

Cập nhật, 14:58, Thứ Hai, 18/11/2019 (GMT+7)

 

Trò chơi dân gian, hoạt động tập thể giúp học sinh phấn chấn hơn trong học tập.  Ảnh: VINH HIỂN
Trò chơi dân gian, hoạt động tập thể giúp học sinh phấn chấn hơn trong học tập. Ảnh: VINH HIỂN

Vĩnh Long nằm giữa trung tâm ĐBSCL, nơi giao lưu và cũng là điểm hội tụ nét văn hóa truyền thống giữa các vùng miền- đặc biệt các trò chơi dân gian. Từ xa xưa, trò chơi dân gian gắn kết với người dân nơi đây từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành.

Thuở bé, chúng ta được giáo dục qua các trò chơi đồng dao bao gồm hát và vận động. Lời hát rèn luyện ngôn ngữ, trò chơi nhằm phát triển vận động ở trẻ nhỏ dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, ông bà hoặc thầy cô là chính.

Lớn hơn một chút, ngoài các trò chơi được hướng dẫn thì một phần rất quan trọng là chúng ta tự mài mò tìm kiếm cho mình các trò chơi thích hợp, phần lớn là bắt chước lẫn nhau, rủ các bạn cùng lớp hoặc cùng xóm chơi chung. Trò chơi dân gian mãi là hành trang theo suốt cuộc đời con người, dù ở đâu, làm gì mỗi khi nhắc về nó chúng ta lại rưng rưng một hoài niệm.

Trò chơi dân gian có một đặc điểm rất quan trọng là phần lớn các trò chơi diễn ra ngoài trời, luôn gắn bó trẻ với môi trường tự nhiên, đưa các em hòa đồng với thiên nhiên, hòa đồng với mối quan hệ tác động qua lại giữa các thành tố trong môi trường, giúp các em hiểu biết thiên nhiên sâu sắc, từ đó càng yêu quý thiên nhiên hơn.

Các em được vận động, được thư giãn, vệ sinh cho đôi mắt, chạy nhảy, nô đùa, reo hò sẽ làm tinh thần sảng khoái và phấn chấn rất nhiều. Trò chơi dân gian giúp cho các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết...

Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt hơn.

Hiện nay, trước hiện tượng công nghệ thông tin bùng nổ, học sinh bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử; trong đó có nhiều trò chơi bạo lực gây những hậu quả về sức khỏe, tinh thần. Đáng báo động nhất là tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhiều, hậu quả thật khó lường, trong đó có sự tác động từ các trò chơi bạo lực.

Hiện tượng trẻ em sùng bái các nhân vật siêu nhân, diễn trò đấu đá, thích gây sự ngày càng nhiều. Ngoài giờ học, một số học sinh thường chơi game, nghe nhạc, xem ti vi... Có nhiều em quá mê game nên quên cả học, quên ăn uống, nhiều em nghiện game bỏ học, sinh ra các thói hư tật xấu và cả tệ nạn xã hội.

Ngồi chơi game và xem ti vi lâu quá sẽ ảnh hưởng đến đôi mắt, phần lớn các em bị cận thị hoặc loạn thị rất sớm do mắt ít được điều tiết cũng như đôi mắt ít được nghỉ ngơi. Hậu quả ngồi chơi lâu không vận động làm cho các em dễ bị dị tật như lệch vai và vẹo cột sống, gù lưng và kể cả béo phì và cơ thể phát triển mất cân đối…

Để văn hóa truyền thống thấm nhuần vào tâm hồn trẻ thơ, không có cách nào hay hơn là áp dụng trò chơi dân gian vào trường học. Sự kết hợp giữa các trò chơi dân gian, trò chơi có tính trí tuệ trong giải toán, trò chơi có tính ứng xử trên cơ sở xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sẽ giúp các em được ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức về lịch sử dân tộc, văn hóa dân gian…

Các trò chơi dân gian được triển khai trong trường học thường đơn giản, dễ chơi, học sinh dễ hòa nhập vào cuộc chơi nên việc phổ biến rộng rãi các trò chơi dân gian đến các đối tượng học sinh là rất khả thi. 

Một ưu thế của trò chơi dân gian chính là ở chỗ nó có thể phù hợp với tất cả những ai muốn chơi. Không bao giờ trò chơi dân gian quy định số người chơi nhất định. Vì vậy phải thường xuyên khuyến khích, động viên tất cả các em tham gia chơi càng đông càng vui. Trong khi chơi, mọi em đều bình đẳng như nhau.

Nếu em nào ích kỷ, chơi không đúng luật chơi, chen lấn các bạn khác sẽ bị tập thể phê bình, loại trừ bằng cách không cho chơi chung, từ đó giáo dục các em tính kỷ luật, kỷ cương, tự trọng và trung thực, qua đó tinh thần tập thể của các trẻ được nâng lên.

Đối với học sinh, trò chơi dân gian là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, là nguồn sữa nuôi dưỡng thế giới tinh thần, là nhịp cầu nối tâm thức các em với mọi bài học về cuộc sống xã hội bởi vì nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với các em.

Trò chơi dân gian rất đa dạng và phong phú, điều quan trọng là người chơi luôn luôn sáng tạo để trò chơi luôn mới mẻ hấp dẫn, phù hợp ngữ cảnh nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống như từ bịt mắt bắt dê, chúng ta chuyển sang bịt mắt đập nồi, bịt mắt đập heo đất, bịt mắt đi tìm kho báu, bịt mắt vượt qua chướng ngại vật,…

Trò chơi dân gian của Việt Nam khá đa dạng, từ những trò chơi có tính chất vận động đến những trò chơi đòi hỏi trí tuệ. Trong đó các trò chơi có tính vận động và có sự tham gia của đông người như kéo co, nhảy bao bố, nhảy dây tập thể giúp học sinh tăng cường sức khỏe, thể chất, phát huy tính đoàn kết... thường thu hút hơn đối với học sinh trung học.

Xét về góc độ giáo dục, trò chơi dân gian có thể chia thành 4 nhóm:

Loại trò chơi vận động như tập tầm vông, dung dăng dung dẻ, lò cò, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, trốn kiếm, đá gà, đá cầu, đá bóng, nhảy dây, nhảy cao, kéo co, đánh đáo, chọi lon… giúp tăng cường sức khỏe, thể chất cho học sinh.

Loại trò chơi học tập, điển hình là chơi cờ lá, cờ lật, ô ăn quan, cờ ca rô, cờ tướng, xếp hình, giải câu đố, chơi chữ… giúp phát triển trí tuệ, rèn luyện khả năng phán đoán của trẻ em, dạy cho học sinh biết quan sát, tính toán.

Loại trò chơi sáng tạo là những trò chơi mà học sinh có thể tự làm nên những đồ vật bằng vật liệu trong thiên nhiên như làm chong chóng bằng lá dừa; nặn con trâu bằng đất sét; xếp lá dừa thành con châu chấu, chong chóng, kèn lá, thuyền buồm; đan nón, đan áo từ lá dừa; làm lồng đèn, ống thụt… hay chỉ với hòn đất nặn, các em có thể tạo thành các hình hoa, quả hay con vật, vật dụng, nặn tượng...

Những trò chơi này giúp trẻ khéo tay, phát huy sáng kiến, năng khiếu thẩm mỹ cần thiết cho hiện tại và cả tương lai sau này. Trò chơi chong chóng, sáo diều giúp các em thấy rằng, con người có thể lợi dụng sức gió, nguồn năng lượng tự nhiên trong cuộc sống. Cùng với đó, tiếng sáo diều vi vu ngân lên trong trẻo, ngước lên trời cao với những cánh diều no gió cho thấy một khung cảnh thật thanh bình, từ đó có thể giáo dục tình cảm yêu quê hương, tôn trọng những gì mình đang có.

Loại trò chơi mô phỏng là những trò chơi mà trẻ bắt chước các hoạt động như làm nhà, nấu ăn, mua bán, làm thầy, làm thợ… Trong khi chơi, học sinh thi nhau xem ai làm đúng, làm đẹp, làm nhanh hơn và thật sự hóa thân, nhập vai. Nhờ đó, trẻ học được cách ứng xử, các kỹ năng trong cuộc sống sau này.

Để phát huy giá trị truyền thống của trò chơi dân gian, cần có nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ. Trước hết, phải kể đến vai trò của cán bộ Đoàn, Đội- những người được đào tạo khá bài bản về kỹ năng tổ chức các trò chơi tập thể, trong đó có trò chơi dân gian. Kế đến là giáo viên mầm non vì phần lớn chương trình dạy mầm non là “học mà chơi và chơi mà học”, trong đó trò chơi đồng dao là điểm nhấn rất ấn tượng đối với lứa tuổi mầm non. Cán bộ quản lý và giáo viên cần phải am hiểu để hoạch định kế hoạch hoặc trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp tổ chức trò chơi dân gian trong nhà trường.

Để làm cho các em thực sự yêu thích các trò chơi dân gian, những người quản trò phải lựa chọn trò chơi hợp lý, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm riêng của học sinh trường mình. Không nên chỉ phổ biến suông mà cần khéo léo biến trò chơi thành các cuộc thi nhỏ mang tính chất vô tư, hồn nhiên, không căng thẳng và có sự động viên, khích lệ kịp thời.

Trò chơi dân gian dễ tổ chức, dễ chơi, không tốn kém lại mang nhiều ý nghĩa thiết thực nhưng không phải trường nào, lớp nào cũng áp dụng nó một cách hiệu quả. Vấn đề ở chỗ, do khoảng cách lịch sử khá lớn, nên các em học sinh chưa thực sự hiểu hết được ý nghĩa của các trò chơi. Nếu người tổ chức không khéo dễ dẫn đến tình trạng nhàm chán, không tạo được hứng thú cho các em học sinh. Kéo theo hệ quả, tổ chức nhiều trò chơi mà các em không nhiệt tình tham gia, cổ vũ.

Khi trò chơi dân gian được đưa vào nhà trường thì tự thân nó đã có tính mục đích nhưng không đơn thuần dừng lại ở mục đích giải trí. Trò chơi đưa vào nhà trường phải chọn lọc, đảm bảo tính giáo dục, an toàn, vệ sinh. Ví dụ, trò chơi đánh đu, đánh chỏng, phóng phi tiêu… rất nguy hiểm và không phù hợp với nhà trường.

Tốt nhất là nhà trường nên lựa chọn các trò chơi mang tính cộng đồng, nhất là trò chơi có các bài hát đồng dao. Không chỉ sôi động mà còn nâng cao nhận thức về văn học. Một điều nữa là không phải trò chơi nào học sinh cũng chơi được mà phải có thầy cô tổ chức hướng dẫn, làm sao trong giờ nghỉ các em chơi được nhiều trò hơn.

Cuối cùng, khi đưa trò chơi dân gian vào lớp học phải lưu ý tới đối tượng học sinh, tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất cho phép của nhà trường, đảm bảo an toàn cho học sinh, tạo không khí thoải mái và không hề gây áp lực cho các em.

Trong thời gian qua, hưởng ứng các trò chơi dân gian đang và sẽ đồng hành cùng học sinh đến từng ngõ phố, từng làng quê. Hy vọng rằng, trong những năm học tiếp theo, trò chơi dân gian vẫn sẽ tiếp tục là món ăn tinh thần giúp học sinh có nhiều hứng thú khi đi học, để mỗi ngày đến lớp, đến trường là một ngày vui, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa mang tính thể thao, trí tuệ trong các trò chơi dân gian.

Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT Vĩnh Long sẽ tổ chức tiếp những chuyên đề giới thiệu, phổ biến các trò chơi dân gian cho giáo viên theo từng cấp học để giáo viên có cẩm nang tổ chức trò chơi dân gian nhất định, từ đó truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh chơi.

Đề tài “Sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian tỉnh Vĩnh Long” do Sở GD-ĐT Vĩnh Long chủ trì đã sưu tập trên 100 trò chơi dân gian phổ biến nhất tại địa phương. Đây là nguồn tư liệu quan trọng và cần thiết để các trường lựa chọn và thiết kế các hoạt động phù hợp tại các đơn vị.

Các trò chơi được lựa chọn áp dụng trong thực tế cần phải đảm bảo các tiêu chí cần thiết do những người có chuyên môn thẩm định như: an toàn, tiết kiệm, nhẹ nhàng, có ý nghĩa giáo dục. Tiếp tục duy trì phong trào sưu tầm các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi học sinh để tìm ra cái mới mẻ và sáng tạo của người chơi.

Đồng thời, tổ chức các cuộc thi các trò chơi dân gian giữa các trường với nhau, tạo không khí vui tươi và để ngày càng có nhiều học sinh có cơ hội tiếp cận với các trò chơi dân gian bổ ích, lý thú. Việc phổ biến, nhân rộng các trò chơi dân gian trong các trường học không chỉ giúp học sinh có được không gian, thời gian vui chơi lành mạnh, bổ ích mà còn góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD-ĐT phát động trong thời gian qua..

Tổ chức chơi các trò chơi dân gian là phương tiện giúp các em phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, mở rộng nhận thức, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.

Qua đó, góp phần giáo dục các em về truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đem lại một không khí mới, làm cho trường học rộn ràng hơn, vui vẻ hơn, sôi động hơn trong những buổi học chính khóa và ngoại khóa và qua đó cũng hướng học sinh đến nét đẹp chân- thiện- mỹ.

 Đưa trò chơi dân gian vào trường học ngoài mang lại cho học sinh niềm vui, giúp các em tiếp cận được những nét đẹp trong văn hóa dân tộc mà còn để rèn luyện cho các em kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, hỗ trợ.

Học sinh có thể chơi không giỏi nhưng các em phải vui và hào hứng, có như thế, mới giúp các em phát triển toàn diện thể chất và tâm hồn. Với sự phối kết hợp từ nhiều phía, trò chơi dân gian sẽ trở thành món ăn tinh thần giúp học sinh hứng thú khi đi học, để mỗi ngày đến lớp, đến trường thật sự là một ngày vui.

THU NGUYỆT