Ghi dấu chiến công Mương Khai- Hiệp Hòa

Cập nhật, 06:24, Thứ Bảy, 09/11/2019 (GMT+7)

Trong hồi ký của cố Trung tướng Nguyễn Đệ- Tư lệnh Quân khu 9, người trực tiếp chỉ huy 2 trận đánh ở Mương Khai- Hiệp Hòa (huyện Trà Ôn)- có ghi: “Đây là trận đánh lớn, thắng to, bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất vùng ĐBSCL, vô hiệu hóa kế hoạch bình định trên tuyến sông Mang Thít…”

Chiến công hiển hách của Tiểu đoàn 306 và quân dân 2 xã Hiệp Hòa, Hòa Bình được tôn vinh và nhắc nhở mãi con cháu đời sau về đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Chú Nguyễn Viết Khoa- Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 57- kể câu chuyện về nơi ghi dấu chiến công lớn nhất của huyện Trà Ôn.
Chú Nguyễn Viết Khoa- Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 57- kể câu chuyện về nơi ghi dấu chiến công lớn nhất của huyện Trà Ôn.

Chiến công lớn nhất của quân, dân huyện Trà Ôn

Mương Khai- Hiệp Hòa là địa danh nơi diễn ra trận đánh năm 1967 tại vàm Mương Khai thuộc ấp Hồi Lộc (xã Xuân Hiệp) và tại ấp Hiệp Hòa (xã Hòa Bình) của huyện Trà Ôn trong cuộc kháng chiến chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Vào đêm 25/3/1967, dưới sự chỉ đạo của Quân khu, Tiểu đoàn 306 tiến công, tập kích cụm quân thủy bộ của Sư đoàn 9 chính quyền Sài Gòn tại vàm Mương Khai, đánh chìm 8 tàu sắt, diệt trên 200 tên địch, thu hơn 100 súng các loại, cơ bản tiêu diệt Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 16 và giang đoàn tàu địch trên sông Mương Khai.

Rạng sáng 26/3/1967, đơn vị của ta lui về xã Hòa Bình phòng ngự đánh địch phản kích. Đúng như dự tính, khoảng 6 giờ sáng địch cho đoàn máy bay trực thăng vũ trang và L19 tập trung quần đảo bắn phá địa phận xã Hòa Bình, sau đó đổ quân 2 Trung đoàn 15 và 16 của Sư đoàn 9, càn tổng lực vào căn cứ đóng quân của ta ở ấp Hiệp Hòa (xã Hòa Bình).

Suốt một ngày chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã đánh bại 6 đợt đổ quân và đẩy lùi 8 đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa, bắn rơi 9 máy bay trực thăng, bắn bị thương 3 chiếc khác và diệt trên 600 tên địch.

Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa là trận đánh tiêu biểu và sự thất bại nặng nề của Sư đoàn 9 chính quyền Sài Gòn ở ĐBSCL. Chiến thuật “trực thăng vận” và “hạm đội nhỏ trên sông” của địch bị quân và dân Trà Ôn bẻ gãy. Đã góp phần đánh bại gọng kìm “tìm diệt và bình định” của Mỹ năm 1965- 1967.

Chú Nguyễn Văn Xe- du kích dẫn đường ở xã kể lại: Hòa Bình là xã bưng biền, lầy lội, cây cỏ chằng chịt. Tinh thần đồng lòng và yêu nước của chiến sĩ, của dân địa phương là động lực lớn nhất để quân ta chiến đấu và chiến thắng.

Chú nói: “Chỗ Bưng Sẫm muốn đi ra đi vô phải chờ nước lớn để đi xuồng, thời ấy khá lắm mới có cặp chèo. Ai nuôi chứa cán bộ thì bị tịch thu hết tài sản, từng con bò, con heo… vậy mà dân mình đều đồng lòng, hổng sợ”.

Chú Nguyễn An Ninh năm nay đã 70 tuổi, vẫn nhớ in giây phút sinh tử ở Hiệp Hòa: “Năm đó tui mới 18 tuổi, công tác bên tiểu đội thông tin, chưa từng thấy trận nào ác liệt như vậy, chiếc máy bay địch bị chúng ta bắn rơi cách tui chưa đầy 100m.

Mười mấy anh em chiến đấu ngay cạnh tui, chỉ một mình tui còn sống. Trận địa dài khoảng 1km, đánh từ sáng sớm, 12 giờ trưa đến 5- 6 giờ chiều cuộc chiến càng quyết liệt, gần 80 chiến sĩ và đồng bào thương vong. Cây cỏ tiêu điều, không một gốc cây nào không trúng bom, đạn, rốc két. Cây mít xác xơ đến hổng nhận ra được cây gì…”

Một công trình để ghi nhớ và tôn vinh

Công trình Bia Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa được xây dựng vào năm 2003 tại ấp Ngãi Hòa nhằm lưu lại chiến công vang dội của quân và dân Vĩnh Long nói chung, ở 2 xã Xuân Hiệp và Hòa Bình nói riêng. Đến năm 2018, công trình được cải tạo và nâng cấp như hiện nay.

Nơi đây trở thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho các trường học; nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống của các ban ngành đoàn thể và du khách.

Chú Nguyễn Viết Khoa- Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 57- kể lại câu chuyện kháng chiến và xúc động nói: “Điều đặc biệt mà nhiều nơi không làm được, đó tại di tích vào ngày 26/3 hàng năm, cựu chiến binh Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3 bộ binh, Sư đoàn 330, Quân khu 9, lãnh đạo huyện và các ban ngành… lại tụ họp về để kỷ niệm ngày chiến thắng, tưởng nhớ những anh em đã ngã xuống”.

Để di tích có điều kiện bảo tồn, phát huy, để nhiều người biết đến chiến công Mương Khai- Hiệp Hòa hơn nữa, một hội thảo vừa được tổ chức với đại biểu là lãnh đạo huyện Trà Ôn qua các thời kỳ, đại diện ngành văn hóa, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 306, các vị cao niên ở địa phương… đóng góp, bổ sung nhiều tư liệu quý báu về lịch sử xã Hòa Bình, diễn biến trận đánh tiêu diệt tàu sắt địch ở vàm Mương Khai và trận đánh chống địch càn quét bằng trực thăng vận ở ấp Hiệp Hòa để hoàn chỉnh hồ sơ di tích trình UBND tỉnh quyết định công nhận Bia Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa là di tích lịch sử văn hóa.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Ôn Lê Thanh Vũ cho biết, Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa ghi dấu chiến công, là niềm tự hào của quân và dân Trà Ôn.

52 năm trôi qua, đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho người trẻ và thế hệ đời sau có trách nhiệm giữ gìn, quan tâm, chăm sóc di tích.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, hiện công trình Bia Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa đang trình xem xét là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Thời gian tới, cần phải đầu tư thực hiện bộ phim tư liệu, các bài viết… để có cơ sở khoa học vững chắc nâng tầm nơi đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, phát huy giá trị và bảo tồn di tích tốt hơn.

Ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Vĩnh Long- đề nghị: Thời gian tới, cần đầu tư nâng cấp đoạn đường đan vào di tích vì hư hỏng và khá hẹp, 2 chiếc xe máy chạy ngược chiều phải “né” nhau. Việc cho các em học sinh đến di tích không chỉ đơn thuần quét dọn mà cần nhất là để các em được thầy cô kể những câu chuyện về chiến công của cha ông mà tự hào về vùng đất này, học tập thật tốt để xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

 

 

Bia Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa tọa lạc tại ấp Ngãi Hòa (xã Hòa Bình- Trà Ôn).