Những tầng trầm tích văn hóa ở Vĩnh Long

Cập nhật, 05:26, Thứ Ba, 29/10/2019 (GMT+7)

Vĩnh Long nằm ở “rìa mép” về phía Đông của nền văn hóa cổ Óc Eo- vương quốc Phù Nam; nhưng lại chứa đựng những di chỉ khảo cổ thuộc loại độc nhất vô nhị của cả khu vực Đông Nam Á.

Trên nền văn hóa lịch sử cổ xưa đó, đã chồng chất lên những lớp văn hóa mới; tựa như phù sa bồi lắng nên một gia tài đồ sộ để lại cho hậu thế những bảo vật vô giá.

Và đó cũng là những thách thức của sự khám phá không ngừng nghỉ; để trả lời cho hai vấn đề lớn: Vì sao tập trung dày đặc trên vùng đất này những lớp trầm tích lịch sử, văn hóa đa dạng, độc đáo đến vậy và như thế nào mà người dân Vĩnh Long qua những biến động của lịch sử, đã bảo vệ, giữ gìn được những bảo vật, những di sản mà nhiều nơi khác không làm được?

Kỳ 1: Vĩnh Long “góp mặt” buổi bình minh vùng đất Nam Bộ

Ngay từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, về phía hạ nguồn dòng sông Cổ Chiên thuộc địa phận huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), đã hình thành một trung tâm đô thị là Thành Mới thuộc nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam.

Những bảo vật phát hiện là những chứng cứ khoa học, cho phép hình dung về diện mạo của sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa cổ này trên vùng đất giồng thuộc các xã Trung Hiệp và Trung Hiếu (Vũng Liêm).

Lãnh đạo tỉnh tại buổi giới thiệu tượng Vishnu.
Lãnh đạo tỉnh tại buổi giới thiệu tượng Vishnu.

“Lời đố” từ cổ vật

Nền văn hóa Óc Eo thuộc vương quốc Phù Nam, trải rộng trên khắp vùng Tây Nam Bộ kéo dài đến một số địa bàn Đông Nam Bộ, cùng một số nước Đông Nam Á; nhưng trung tâm trong suốt quá trình hình thành cho đến suy tàn vẫn là vùng núi Ba Thê (Tri Tôn, An Giang).

Những di chỉ phát hiện ở Vũng Liêm cũng không dày đặc, rõ ràng như vùng Gò Tháp (Đồng Tháp) và một số nơi khác, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- thì:

Qua những đợt thám sát và khai quật những năm 2000 ở Vũng Liêm, cho thấy phương pháp xác định C14 và trong báo cáo khoa học chính xác là người Phù Nam đã sinh sống trong khu vực Thành Mới ở gò Cây Me (ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp) và giáp ấp Bình Thạnh (xã Trung Hiếu) từ trước thế kỷ I kéo dài đến thế kỷ VII. Dân cư ở khoảng thời gian dài, đặc biệt là ngoài di chỉ cư trú còn có di chỉ đền thờ, di chỉ thành quách”.

Vấn đề đặt ra là trong cả khu vực Đông Nam Á- nơi đã từng thuộc vương quốc Phù Nam, chỉ duy nhất phát hiện tượng nữ thần Saraswati ở Vũng Liêm mà chưa được tìm thấy ở cả khu vực Đông Nam Á.

Tượng nữ thần Saraswati được ông Lê Văn Thông (Ấp 3, xã Hòa Thạnh- Tam Bình) phát hiện và trục vớt trong quá trình khai thác cát trên sông Cổ Chiên- một nhánh sông Tiền, đoạn qua xã Trung Thành Đông (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) vào tháng 11/2016.

Sau khi phát hiện pho tượng, ông Lê Văn Thông đã ủy thác pho tượng cho Đại đức Thích Đức Hiền- trụ trì chùa Phước An (ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) để thờ tự và Đại đức Thích Đức Hiền đã hiến tặng tượng nữ thần cho Bảo tàng Vĩnh Long quản lý và nghiên cứu.

Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định hiện vật đến từ TP Hồ Chí Minh, tượng nữ thần Saraswati cao 140cm, thân tượng cao 113cm làm từ đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ VI- VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Đây là tượng quý và lạ, chưa tìm thấy ở Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, cho rằng: “Tượng nữ thần Saraswati lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam là một tư liệu lịch sử đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam Bộ cũng như lịch sử Việt Nam.

Hiện vật đã phản ánh được sự hội tụ, kết tinh trong lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam, Ấn Độ và Đông Nam Á; hiện vật cũng góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử du nhập của văn hóa, tôn giáo Ấn Độ vào Việt Nam”.

Tượng nữ thần Saraswati ở Vũng Liêm là một tư liệu khoa học mà nhiều ngành khoa học khác nhau có thể tiếp cận nghiên cứu như: lịch sử, khảo cổ học, văn hóa học, tôn giáo học, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ…

Đến bảo vật quốc gia đầu tiên của Vĩnh Long

Tượng Thần Vishnu được công nhân của Doanh nghiệp tư nhân Lê Hoàng phát hiện khi đào đất với độ sâu 1,2m, thi công phần móng của cụm hoạt động văn hóa xã Trung Ngãi (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) vào ngày 12/7/2002 trong tư thế đứng cùng với nhiều hiện vật bằng đồng (đã bị vỡ).

Ngày 18/7/2002, ông Lê Hùng Tiến- chủ Doanh nghiệp tư nhân Lê Hoàng bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định hiện vật đến từ TP Hồ Chí Minh, tượng nữ thần Saraswati cao 140cm, thân tượng cao 113cm làm từ đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ VI- VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Đây là tượng quý và lạ, chưa tìm thấy ở Đông Nam Á.

Tượng Thần Vishnu tạo tác bằng đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ VI- VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Tượng được tạc ở tư thế đứng thẳng trên một bệ trơn, hình chữ nhật có chiều dài 33cm, rộng 17cm, độ dày 4cm. Tượng cao 102cm và nặng 41kg.

Tượng có nghệ thuật tạo hình đẹp và quý hiếm. Một số chi tiết của tượng tạo nên nét đặc trưng riêng, không bắt gặp ở các tượng khác.

Nét đặc trưng thể hiện qua các yếu tố như: chóp mũ của tượng có khắc hình hoa sen với nhiều cánh lớn, nhỏ xen kẽ nhau, y phục có nếp cuộn của “dohti” được buộc và thả tự nhiên, kéo dài với những nếp gợn, nhún ở gần bệ tượng rất sinh động.

Tượng Vishnu ở Vũng Liêm là một tư liệu lịch sử đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam Bộ cũng như lịch sử Việt Nam.

Đây được xem là một kiệt tác văn hóa thể hiện ở chất liệu đá và kiểu dáng theo phong cách của tượng Vishnu ở Óc Eo.

Ngày 24/12/2018, Tượng Vishnu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là bảo vật quốc gia đầu tiên ở Vĩnh Long.

Từ lớp trầm tích văn hóa cổ xưa nhất phát hiện trên địa bàn Vĩnh Long, tiếp nối lịch sử là những lớp văn hóa Thủy Chân Lạp và sau đó là Long Hồ dinh được hình thành trong công cuộc khai phá vùng đất phương Nam của người Việt.

Vì vậy, di vật chồng lên nhau như những lớp “phù sa văn hóa” bồi lắng trên vùng đất lịch sử này. Cái hay là những thế hệ người dân Vĩnh Long đã truyền nối nhau bảo vệ, giữ gìn được rất nhiều di sản quý báu qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, như TS Trần Hồng Liên- Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ- đặt vấn đề: “Cái đặc biệt là vì sao người dân Vĩnh Long đã bảo tồn được nhiều di sản quý giá mà những nơi khác không làm được?”

 

Tượng Vishnu ở Vũng Liêm là một tư liệu lịch sử đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam Bộ cũng như lịch sử Việt Nam. Đây được xem là một kiệt tác văn hóa thể hiện ở chất liệu đá và kiểu dáng theo phong cách của tượng Vishnu ở Óc Eo.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THƯ