Du xuân đi lễ hội Lăng Ông

Cập nhật, 05:22, Thứ Ba, 12/02/2019 (GMT+7)

Hàng năm vào ngày mùng 3, mùng 4 tháng Giêng, bà con các nơi về Trà Ôn du xuân và tham dự lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763-1820). Tết Kỷ Hợi 2019 là giỗ lần thứ 199 của Thống chế điều bát.

Mùng 3 mùng 4 tháng Giêng, tại Trà Ôn diễn ra lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế điều bát.
Mùng 3 mùng 4 tháng Giêng, tại Trà Ôn diễn ra lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế điều bát.

Ông Nguyễn Văn Tồn tên thật là Thạch Duồng, là người Khmer, quê làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Thuở nhỏ, ông theo Chúa Nguyễn, hết lòng tận tụy trung thành nên được cho chuyển làm cai đội và cho phép chuyển sang mang “quốc thích”.

Năm Gia Long thứ nhất (1802), ông được thăng cai cơ, trấn giữ đồn Trà Ôn (thuộc Trấn Giang) kiêm quản phủ Trà Vinh và Măng Thít (thuộc Vĩnh Trấn).

Biểu diễn nhạc ngũ âm...
Biểu diễn nhạc ngũ âm...

Ông có công giúp nhà Nguyễn dẹp loạn ở biên giới Tây Nam. Năm Gia Long thứ 7 (1808) và năm Gia Long thứ 10 (1811), 2 lần ông được triệu về kinh để nhận ban thưởng và được thăng Thống chế, tước Dung Ngọc Hầu.

Công đức lớn của ông là giúp dân vùng Trà Ôn, Mang Thít, Trà Vinh khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng. Năm 1819, ông được Thoại Ngọc Hầu phân công đốc thúc dân phu đào kinh Vĩnh Tế.

Do lao tâm lao lực, ông bị bệnh, mất đầu năm Canh Thìn (1820). Triều đình cử người đến ban cấp, điếu phúng. Ông được truy tặng Tiền quân Thống chế, được táng theo nghi lễ triều đình. Sau đó, triều đình còn cấp mộ phu, lo việc, từ đường.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, vào mùa hè năm Canh Thìn (1820), nước ta bị một trận dịch lớn chết hàng vạn người. Đầu tiên, trận dịch bắt đầu từ Trấn Tây, lan qua Nam Bộ rồi lan ra tận Thừa Thiên.

Trong lúc nguy ngập này, ông được người dân địa phương xem là một vị thần linh bảo hộ. Ông còn được người dân địa phương xem là một vị Tiền hiền (người Hoa xem ông như ông Bổn ở địa phương).

Và múa trống Sa dăm của đồng bào Khmer tại lễ hội.
Và múa trống Sa dăm của đồng bào Khmer tại lễ hội.

Hiện nay, lăng và mộ phần Tiền quân Thống chế Điều bát cùng phu nhân ở tại ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn.

Phần mộ Thống chế Điều bát và phu nhân làm theo kiểu song hồn, nằm phía sau lăng. Hàng năm, tại Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn có các ngày lễ: giỗ Tiền quân phu nhân (16, 17/2 âm lịch); giỗ Phó soái Nguyễn An, giỗ Tiền hiền và Hậu hiền (20/12 âm lịch).

Nhưng ngày lễ quan trọng nhất là ngày giỗ quan Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn vào ngày mùng 3 mùng 4 tháng Giêng.

Trong các ngày này, hàng ngàn người Việt, Hoa, Khmer vùng Trà Ôn, Cầu Kè, Trà Vinh, Sóc Trăng về dự lễ giỗ Thống chế điều bát, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, mang ý nghĩa là lễ cầu phước vào những ngày đầu xuân.

Lễ giỗ nhưng cũng có đầy đủ các nghi tiết như: túc yết, chánh tế, tế Tiền hiền và Hậu hiền, xây chầu, đại bội, hát bội. Bà con người Hoa du xuân, dự lễ tổ chức múa lân. Bà con người Khmer trình diễn nhạc ngũ âm, múa trống sa dăm...

Quan Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn trở thành vị phúc thần của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer tại Trà Ôn. Lăng Tiền quân Thống chế Điều bát được xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia năm 1996.

Theo ông Trần Văn Bảy- Ban quản lý Di tích Lăng Ông, Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn là người dân tộc, thành ra lễ giỗ bắt đầu thì phải rước các sư sãi chùa Khmer về tụng kinh cầu quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi.

Người Hoa trình diễn nét văn hóa của đồng bào mình thể hiện sự gắn kết của 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer.
Người Hoa trình diễn nét văn hóa của đồng bào mình thể hiện sự gắn kết của 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer.

Lễ giỗ ông hàng năm hồi nào giờ không đổi, phù hợp với tinh thần vui tươi phấn khởi, gắn kết các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Người dân các nơi tề tựu về lễ giỗ cúng ông, chiêm bái cầu nguyện, chơi các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, coi múa lân, xem hát bội...

Ông Lý Minh Chiến- Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ- cho biết kế hoạch mừng Đảng mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 gắn liền với lễ hội Lăng Ông, địa phương phối hợp ngành huyện và Ban quản lý Di tích Lăng Ông tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, trò chơi dân gian tạo sân chơi, không khí lễ hội đặc sắc cho người dân thưởng lãm.

Theo ông, năm nay lượng du khách đến Lăng Ông tham quan, cúng viếng, coi hát bội, cổ vũ hội thao đông hơn các năm trước.

Thi đấu bóng chuyền, tết này là năm thứ 3 đơn vị xã Tân Mỹ tham gia hội thao mừng Đảng mừng Xuân gắn với lễ hội Lăng Ông. Phạm Văn Ngoan- đội bóng chuyền xã Tân Mỹ- cho biết: “Em rất phấn khích khi ở đây có sân chơi này cho anh em trong huyện giao lưu học hỏi, rèn luyện sức khỏe và cùng để tưởng nhớ các bậc tiền nhân”.

Trai tráng các xã về chơi trò chơi dân gian...
Trai tráng các xã về chơi trò chơi dân gian...

Lần đầu cùng các bạn đến du xuân tại lễ hội Lăng Ông, đôi bạn trẻ Minh Nhựt và Yến Nhi đến từ Vĩnh Long vui trong bỡ ngỡ. Minh Nhựt nói: “Đầu năm mong ước bản thân và gia đình được nhiều may mắn”. Yến Nhi cũng rất vui với không khí lễ hội: “Mong mọi người năm mới vui vẻ, khỏe mạnh, còn với bản thân thì sẽ có mong ước cho riêng mình”.

Bao năm qua, lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát đầu xuân là dịp để người dân Trà Ôn và quanh vùng về vui xuân đón tết, tưởng nhớ công ơn của tiền nhân có công cai quản, khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng và được xem là vị phúc thần chở che, gắn kết.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN