Chuyện phiếm ngày xuân

Ông trộm"!

Cập nhật, 17:21, Thứ Bảy, 09/02/2019 (GMT+7)

Hồi nhỏ, những ngày cận Tết Nguyên đán, để đỡ sợ ma khi phải ngồi canh nồi bánh tét sau nhà, chị Hai tôi thường lôi kéo chúng tôi vây quanh chị bằng những chuyện ma và chuyện “ông trộm”. Chuyện nào nghe cũng sợ đến nỗi chẳng dám ngồi xa nhau! Lạ là gọi kẻ trộm đến bằng… ông và cũng vì rất sợ ma nên đứa nào cũng vảnh tai nghe!

Những khạp da lu xưa dùng hỗ trợ móng tường nhà và chống trộm được đào lên để dùng vào việc khác.
Những khạp da lu xưa dùng hỗ trợ móng tường nhà và chống trộm được đào lên để dùng vào việc khác.

Ăn trộm xưa

Sách xưa viết, thần Bạch Mi ở bên Tàu (Trung Hoa) có thân hình to lớn, râu dài, đặc biệt là có lông mi trắng là tổ nghề chung của phường trộm cướp, ca kỹ và ăn mày.

Chuyện này khi lan truyền tới xứ ta thì các tên trộm cũng coi ông ấy là tổ nghề. “Nghề” ăn trộm là nghề chân truyền, chỉ truyền cho con trai và con rể chứ không truyền cho con gái. Nhập nghề phải cúng gà và uống rượu thề có pha máu gà rồi theo thầy cũng là cha ngay trong đêm đó để học nghề.

Ăn trộm ngày xưa chia cấp bậc hẳn hoi: Nhập môn là cấp “lôi” chỉ theo cảnh giới cho sư phụ. Năm sau được thăng cấp “điện” được dạy lý thuyết về ẩn thân (trốn), độn thổ (đào đất), leo rào, khuân đồ ra.

Một năm sau nữa mới được thực hành các môn học vừa kể và được dạy thêm phép bấm độn xem ngày xui tháng hạn để hành nghề. Khoảng thời gian học nghề đó tùy thuộc từng người, có người phải mất 2- 3 năm mới được công nhận và cho thăng cấp “phong”.

Người nào không được thăng cấp này thì phải giải nghệ hay chỉ còn nước đi ăn mày… Nếu đạt được cấp “phong” phải thực hiện 99 vụ trộm mà an toàn thì mới được thi thăng cấp “hỏa”. Người thi phải nhập vào một nhà để trộm, đợi lúc hắn vào xong sư phụ sẽ la lớn “Có trộm!”.

Nếu chạy thoát thì mới đạt. Từ cấp này, người đó được lập bàn thờ tổ và thu nhận đệ tử, nếu lỡ vận thì có thể làm thầy bói…

Từ cấp “hỏa”, nếu muốn thăng cấp buộc phải thi bằng việc thực hiện 99 vụ trộm thành công để lên cấp “sơn”, sau đó tuần tự là các cấp “thủy, thổ và mộc”, ở mỗi cấp cũng phải nghiêm túc thi tương tự như vậy. Ở cấp “mộc”, tên trộm bắt đầu học thêm võ thuật và có quyền xưng danh.

Ngày xưa, kẻ trộm phải đến các nhà từ khá giả trở lên mới có cái để mà trộm. Các nhà này, thường kín cổng cao tường, kẻ trộm muốn đột nhập vào nhà thì cách phổ biến nhất là đào tường hay khoét vách, nên cụm từ này còn được dùng để chỉ nghề trộm.

Vì vậy, ngày ấy dưới các vách bên ngoài chủ nhà hay chôn khít nhau các khạp da lu có thành rất dày được đục đáy bên trong chứa đất để vừa hỗ trợ móng vừa chống trộm đào hang chui vào nhà.

Có một chuyện vui về nghề trộm: Đêm đó, có một tên trộm đào xong cái hang dưới chân tường để vào một nhà nọ. Do tên trộm lúc đào có lỡ gây ra tiếng động nên chủ nhà thức giấc cầm cây rình tại đó.

Tên trộm chẳng hay biết gì nhưng vốn là tay có nghề nên trước khi chui vào nhà hắn lấy một cái nồi đất dứ dứ vào trong hang, trời tối chủ nhà thấy loáng thoáng tưởng đâu là đầu kẻ trộm giáng cho một cây. Chiếc nồi vỡ tan tành, tên trộm hết hồn nhưng trước khi thoát thân còn kịp la “xí hụt”!

Câu cuối của chuyện này chắc người kể thêm thắt cho vui, nhưng chuyện cô tôi kể là chuyện có thật: Lần đó, còn khoảng hơn 10 ngày gì đó là đến Tết năm 1950, ông bà nội tôi có việc đi xa nên việc giữ nhà giao cho 2 người cô.

Chị em họ dù qua cái “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” nhưng đều rất sợ ma, mà nhất là sợ “ông trộm”. Trời xui đất khiến đêm đó kẻ trộm rình nhà. Họ phát hiện được là nhờ lo sợ đủ điều không ngủ được nên hay lén nhìn kẽ vách ván ra bên ngoài. Quá sợ, 2 bà cô tôi cố thủ trong… mùng!

Bà cô nhỏ còn có sáng kiến là xịt hộp quẹt cây cho cháy gần hết que mới quăng xuống đất để ngầm báo cho tên trộm biết chủ nhà còn… thức!

Hộp quẹt hết, dưới ánh trăng lờ nhờ, họ thấy rõ tên trộm ngoan cố vẫn thập thò trong bụi chuối bên hông nhà gần buồng ngủ. May là khi 2 bà cô tôi ôm nhau run bần bật thì cái giường ngủ cũ kỹ bổng sút mộng sập một cái rầm. Bấy giờ tên trộm mới chịu chào thua!

Hồi ấy, nhiều người quê tôi còn tin rằng đêm 30 tết là đêm kẻ trộm thường ra nghề. Họ đem các chiếc rế kê nồi để vào những nơi mà họ nghi tên trộm có thể đến khi vào được nhà.

Theo họ kẻ trộm mà gặp mấy cái rế vào ngày đó coi như quanh năm sẽ bị “khoanh tay rế” chẳng mần ăn gì được! Cũng có một chuyện tiếu lâm đầy ẩn ý về nghề trộm như vầy:

Một cô gái tìm đến một tên trộm nổi tiếng xin thọ giáo, thầy trộm nhìn phớt qua cô rồi phán: Nghề trộm không dạy cho con gái, nhưng có loại trộm mà người nữ không cần học vẫn làm được là “trộm chồng”. Trộm chồng người ta là mức cao nhất của nghề trộm đó nghe!

Chị tôi còn kể rằng cái thời cô tôi gặp trộm kể trên, có một bọn mà trộm chẳng ra trộm mà cướp thì chưa đến, đó là “bối”. Hồi đó dân bên bờ Đông của cù lao Quới Thiện (Vũng Liêm) đi chợ tết thì hay chèo xuồng qua chợ Bang Tra hay chợ Cái Mơn (thuộc Bến Tre) ở bên kia sông cái.

Đi chợ tết, có bà háo hức đi sớm, đến nơi trời còn tối nên lấy giỏ tiền lót đầu cho chắc ăn vừa đề phòng trộm vừa có gối ngủ tạm chờ sáng. Đang thiêm thiếp bỗng nghe tiếng la “ăn trộm”, phản xạ tự nhiên bà ấy choàng ngồi dậy thì ai đó lẹ làng rút mất chiếc “gối”.

Thì ra đó là mánh của các tên bối, khi xác định được con mồi thì bày ra chuyện như thế để lừa nạn nhân. Thấy chúng đó nhưng sức các bà làm sao bơi xuồng đuổi theo cho kịp…

Ăn trộm nay

Nếu các bậc thầy ăn trộm thời xưa sống dậy chắc đều phải lắc đầu chậc lưỡi khi nhìn những kẻ kế tục mình hiện nay.

Chúng chẳng thờ thần Bạch Mi, chẳng ai phân cấp bậc hay có tên trộm nào đó xưng danh như ngày xưa, nhưng đêm cũng như ngày, thứ gì chủ nhân không thường xuyên để mắt tới chúng đều có thể làm cho… bốc hơi, dù đó là xe máy, xe hơi, kể cả tủ sắt để trong nhà, trụ ATM trước cửa các ngân hàng,…

Ranh ma là bọn “ăn trộm vặt” thường trộm nhỏ dưới 2 triệu đồng để theo luật khó mà vào tù, nếu không bị bắt nhiều lần cho đến bọn trộm táo tợn mà báo chí gọi là “siêu trộm” đi xe du lịch thuê, ngủ khách sạn để làm các vố lớn liên tỉnh.

Về độ lão luyện thì có không ít tên trộm coi chuyện trổ nóc nhà lầu nhiều tầng để vào nhà là chuyện thường ngày hay như có một tên trộm gái mới 22 tuổi ở một tỉnh miền Tây coi các loại khóa khó đều là đồ dở hơi, chỉ cần vài giây là mở xong tất.

Hài hước không ai hơn tên trộm mà mọi người gọi là “ma nhớt” ở Long An, khi hành nghề thì thoa nhớt khắp người cho trơn tuột như con lươn làm bó tay các người vây bắt, công an mật phục phải đem theo nùi giẻ mới tóm được hắn.

Có một loại trộm ngày xưa không nghe nói mà nay đâu cũng có và ai cũng ghét cay ghét đắng là trộm… chó. Các tên này lỡ sa cơ thì no đòn do bị các người vây bắt đánh bề hội đồng, có khi cái mạng sống chẳng còn và xe máy hành nghề thường bị đốt cháy rụi.

Còn chuyện “lạc hậu” trong giới trộm phải dành cho một tên trộm ở quận Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Nhà hắn có thờ ông tổ ăn trộm. Sau ngày giải phóng, biết trộm là xấu nên giải nghệ nhưng hàng năm vẫn phải làm vài vụ, không phải nhớ nghề mà để không bị “bề trên” quở phạt vì đã làm trái với lời thề khi nhập môn.

Công an địa phương phải giải thích ông tổ ấy ở tuốt bên Tàu, anh ta mắc mớ gì thờ, từ đó anh ta mới bỏ nghề luôn.

Cũng như xưa, ngày nay cũng có loại trộm “ngoại hạng” so với bảng xếp hạng xưa. Đó là những cán bộ thoái hóa biến chất có chức có quyền. Chúng âm thầm hay cấu kết nhau trộm công quỹ làm nghèo đất nước. Bọn này, đã góp phần làm ra “quốc nạn” mà xã hội đang lên án và chúng đã, đang, sẽ bị pháp luật trừng trị.l

Bài, ảnh: TRUNG TÍN