Thở đúng, cười đủ để khỏe vui

Cập nhật, 05:58, Chủ Nhật, 13/01/2019 (GMT+7)

Ai cũng mong có được sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, thái độ sống lạc quan, tích cực. Theo bác sĩ Hồ Nhật Quang- Giám đốc Công ty Đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí (TP Cần Thơ), chuyên gia huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Thế hệ trẻ (thuộc Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam), để thực sự khỏe vui thì mỗi người cần rèn luyện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, trong đó cần thở và cười “có chất lượng”.

Mọi người cười vui vẻ trong buổi tập yoga cười tại Quảng trường TP Vĩnh Long.
Mọi người cười vui vẻ trong buổi tập yoga cười tại Quảng trường TP Vĩnh Long.

Nhân dịp xuân về, dành thời gian “định vị” lại hơi thở, nụ cười của chính mình và chọn cách ứng xử phù hợp để càng khỏe vui hơn trong năm mới, năm mới nữa…

Ai đang thở sai, cười thiếu?

Chớm xuân, gió lồng lộng thổi mang cái dịu mát từ sông Tiền tỏa khắp phố phường. Quảng trường TP Vĩnh Long có một buổi sáng thứ sáu thật đặc biệt.

Những tiếng vỗ tay, tiếng hô vang “rất tốt, rất tốt, de de de” và những tràng cười nghiêng ngả, sảng khoái… của hơn 100 người thuộc CLB Yoga Lan Anh, các đội dưỡng sinh và cả người đi bộ tập thể dục hàng ngày xúm xít lại. Đây là lần đầu tiên bác sĩ Hồ Nhật Quang mang yoga cười đến với Vĩnh Long.

Anh cho biết, ý nghĩa cốt lõi của yoga cười là giúp mọi người cười một cách tự nhiên thoải mái, không cần có lý do…

Ban đầu là những bài tập cơ bản về vận động chuyển sang những bài tập vui hoho haha cho hơi thở. Khi mọi người tập quen thì sẽ là những bài nâng cao, gắn liền với cuộc sống sao cho “mình biết và vui vẻ với chuyện mình làm”.

Liên tục vận động và cười không ngớt suốt buổi tập kéo dài hơn 60 phút nhưng cô Nguyễn Thị Hoạt (65 tuổi, ở Phường 2- TP Vĩnh Long) vui vẻ: “Không mệt mà còn thấy khỏe ra. Trước nay tôi không biết cười hết sức, hít thở sâu lại sảng khoái như vậy”.

Thật ra, thở và cười vốn thuộc về bản năng của mỗi người từ sơ sinh nên ít ai nghĩ rằng mình có thể đang thở sai, cười chưa đủ. Theo anh Hồ Nhật Quang, bé sơ sinh thở đúng: thở bằng bụng, thở gắng sức. Hít thở bụng thì cơ hoành hoạt động.

Khi hít vào cơ hoành hạ xuống tăng dung tích phổi để lấy nhiều oxy, nội tạng bên trong bị đẩy ra ngoài nên bụng phình ra. Khi thở ra, cơ hoành ép phổi lên trên, làm nhỏ phổi lại để tống CO2 ra nhiều hơn, các cơ quan bị hút vào nên bụng xẹp xuống.

Thở như vậy mới đủ, mới khỏe. Tuy nhiên, ngày càng lớn, không ít trường hợp ít tập thể dục, ít làm việc gắng sức… nên dần dần không thở bụng nữa- chuyển qua thở ngực. Thở như vậy chỉ đủ sống chớ không đủ khỏe.

Mặt khác, công việc nhiều dẫn đến áp lực, dễ cáu gắt, giận dữ- hơi thở càng ngắn. Ngay thời điểm đó, oxy không vô nhiều, CO2 sinh ra nhiều lại không biết cách thải ra nên cơ thể dư CO2.

Tế bào không có oxy sẽ chết hoặc sẽ biến thành tế bào sống không cần oxy trong môi trường axit (tức là tế bào ung thư). Như vậy, cơ bản sức khỏe thể chất không đủ đáp ứng công việc, căng thẳng ở các độ tuổi xuất hiện ngày càng nhiều, chưa kể nhiều bệnh có thể phát sinh.

Trong khi đó, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người phó mặc nụ cười cho sự “may rủi”. “Hên hên trong ngày có gì vui thì cười. Mà cười cái hì, ngày cười vài ba lần là không đủ. Nếu không có gì vui thì cả ngày không cười. Cứ buồn buồn, lo lo, mệt mệt”.

Thật ra, cười đủ là cười từ tâm, cười lớn, cười rung cả người (chớ không phải chỉ cơ mặt)... Cười thường xuyên các cơ sẽ hoạt động, nhất là cơ hoành.

Những người đầy năng lượng làm việc từ sáng tới chiều vẫn khỏe do oxy “bơm” vô bộ não và cơ thể đầy đủ. Như vậy, người làm việc bị hụt hơi không phải do công việc nhiều mà do không biết cách điều phối hơi thở, nụ cười.

Thở đúng tốt cho sức khỏe thể chất, cười đủ tốt cho sức khỏe tinh thần. Nụ cười và hơi thở gắn liền với nhau. Cười càng nhiều, càng lâu, càng lớn thải CO2 càng nhiều, oxy vô nhiều. Hô hấp tốt thì hệ tim mạch tốt vì khí huyết lưu thông…

Tập thể dục cho… tinh thần

Cũng tham gia buổi tập yoga cười tại quảng trường, cô Cao Thị Mỹ Dung (71 tuổi, ở TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Ngoài tập để khỏe, tôi cũng muốn tinh thần luôn thoải mái nhưng không biết nên tập gì? Hôm nay tập yoga cười thấy rất vui, đầu óc nhẹ nhàng”.

Theo bác sĩ Hồ Nhật Quang, mọi người đều cần một tinh thần thoải mái trong cơ thể cường tráng. Tuy nhiên, hiện nhiều người chỉ tập trung rèn luyện sức khỏe thể chất bởi đó là phần nhìn thấy được.

Nhưng như vậy chưa đủ bởi sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến 70- 80%. Có thể hình dung thân thể là nhà, tâm trí là những thành viên trong nhà. Nếu không tân trang thì nhà xấu và xuống cấp.

Ngược lại, nhà được trang hoàng lộng lẫy nhưng các thành viên cứ hằn học với nhau thì trạng thái buồn bã, căng thẳng sẽ xuất hiện.

Trong khi, căng thẳng tác động đến sinh lý, cảm xúc, cách nghĩ và cả hành vi. Cho nên, để sống hạnh phúc trong nhà đẹp, phải thường xuyên chăm chút bên ngoài lẫn bên trong.

Tại sao nhiều người thấy mình làm việc quá nhiều mà thời gian dành cho bản thân quá ít? Là do họ không kiểm soát được thời gian, bị cuốn theo công việc. Để cân bằng, mỗi người cần “thể hiện trách nhiệm đối với bản thân”.

Theo đó, cần lên kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể cho công việc ở chỗ làm lẫn việc ở nhà. Bên cạnh, không sử dụng điện thoại, vào mạng xã hội quá nhiều…

Thay vào đó, nên tham gia các hoạt động cộng đồng, các CLB đội nhóm... để tương tác nhiều hơn, vui vẻ hơn.

Đối với những người quá bận rộn thì ít nhất dành cho bản thân khoảng 30- 60 phút/ngày để làm việc gì đó mang tính thư giãn (một trạng thái thả lỏng về tâm trí và cả cơ thể, khác với giải trí). Có thể chọn những bài tập, liệu pháp thư giãn về tinh thần hoặc đơn giản chỉ là… không làm gì hết.

Còn đối với các bà mẹ hay lo lắng, như một số bà mẹ ở nông thôn ít khi đọc sách thì khi xem ti vi nên chọn những bộ phim, những chương trình cung cấp kiến thức về chăm sóc bản thân, gia đình…

Không nhất thiết phải tập thể dục mà có thể làm việc nhà, vận động nhiều hơn. Như vậy, cơ thể sẽ tiết ra hormone hạnh phúc và cảm thấy vui hơn.

Tóm lại, để có tinh thần thoải mái trong cơ thể cường tráng, cần rèn luyện sức khỏe thể chất và cần đặc biệt quan tâm rèn luyện, làm phong phú đời sống tinh thần.

Trong đó, bên cạnh luyện tập để thở đúng thì cần cười nhiều, cười đủ để tinh thần thoải mái, sống tích cực. “Hình dung sáng thức dậy chưa có gì để cười nhưng khi đánh răng, nhìn vô gương, nở nụ cười với chính mình- ngay khoảnh khắc đó chúng ta sẽ thấy rất khác”- anh Hồ Nhật Quang vui vẻ nói.

Cô Nguyễn Thị Sáu (77 tuổi, ở Phường 2- TP Vĩnh Long)

Không phải cuộc sống đủ đầy về vật chất mới có quyền sống lạc quan mà quan trọng là do cách nghĩ của mình. Riêng tôi, ngoài tập dưỡng sinh hàng ngày, tôi còn tập thiền, suy nghĩ đơn giản, dễ buông bỏ, dễ tha thứ trước những việc diễn ra trong đời…

Bác sĩ Hồ Nhật Quang

Cuộc sống luôn luôn vận động thay đổi thì mình phải làm sao cho nội lực- cảm xúc, tư duy của mình tốt hơn để mình dự đoán được, có tầm nhìn xa hơn... Nguyên tắc để chủ động hơn trong cuộc sống là: phải thay đổi trước sự thay đổi.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THÚY QUYÊN