Tản mạn

Nhớ góc cầu ao

Cập nhật, 05:59, Chủ Nhật, 13/01/2019 (GMT+7)

Đã lâu lắm rồi tôi chưa được thưởng thức cảm giác ngồi bệt xuống thềm cầu, dựa lưng vào thân dừa nước, bỏ mặc đôi chân trần trong làn nước mát lành.

Cảnh sắc làng quê thật thanh bình, yên ả. Vài ba con lìm kìm vờn quanh, chực rỉa. Mấy cây bần già vươn mình đâm rễ ngược cho đám ốc bươu bám đặc xung quanh. Góc cầu ao có còn đó như ngày nào?

Đó là góc cầu ao bắc ra con xẻo nhỏ sau hè nhà nội. Đã bao nhiêu năm, nội tôi vẫn giữ nguyên góc cầu ao như vậy. Nội bảo cứ để đó cho con cháu về có chỗ rửa tay chân.

Nói thì nói vậy thôi chứ tôi hiểu, nội muốn giữ góc cầu ao vì nơi đó lưu đầy những kỷ niệm thân thương ngày nào.

Nội kể cũng nhờ cái cầu ao này mà ông bây thoát chết: “Năm đó, ổng được đơn vị cho về thăm nhà nhưng bị bọn ác ôn chỉ điểm. Nửa đêm, lính kéo đến đầy nhà. Nghe chó sủa rân, tiếng chân người thình thịch, bà nhanh trí ra hiệu, ông lách lẹ ra cửa sau hụp xuống cầu ao.

Bọn lính cũng định ra cầu ao lùng sục, nhưng gió thốc nước con xẻo bốc lên lạnh ngắt. Hàng dừa nước gặp thời khua xào xạc. Bọn lính rợn người, ngó nghiêng đại khái rồi rút lui.

Rồi! Cũng từ cái cầu ao này, thằng Hai đến thằng Út tập tành cùng con nước. Đứa ôm bập dừa, đứa ôm thân chuối đập đùng đùng. Nhớ mà tội nghiệp con Ba bị hụt chân mấy lần vẫn quyết tâm để biết lội.

Mạnh mẽ vậy chứ đến ngày chuẩn bị theo chồng, con Ba lại len lén ra cầu ao ngồi khóc. Con Ba thương nội, thương mấy đứa em không nỡ cất bước theo chồng”…

Còn, còn nhiều nữa những câu chuyện của nội gắn liền với hình ảnh chiếc cầu ao.… Ai cũng bảo nông thôn Việt Nam giờ quá nhiều thay đổi nên thành ra cầu ao, bến nước, lũy tre ngày càng hiếm hoi.

Riêng đối với tôi, không cần phải đi đến tận chân trời góc biển, cũng chẳng cần “search” hình ảnh ở Google mới có thể chạm vào góc quê.

Bởi ở đó- quê nội- vẫn còn đấy chiếc cầu ao, cái khạp mẻ, mảnh gáo dừa bên hàng dừa nước chạy dài theo con xẻo. Mọi thứ rất gần. Chỉ cần thương, nhớ và về sẽ thấy… Nội ơi! Con sẽ về thăm nội để được ngồi nơi chiếc cầu ao nghe nội kể chuyện năm nào.

DIỄM KIỀU