Độc đáo chùa Xà Tón

Cập nhật, 13:14, Thứ Sáu, 19/10/2018 (GMT+7)

Chùa Xà Tón (thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn, An Giang) có hơn 300 năm tuổi. Ngôi chùa có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp và là nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Khmer An Giang.

Giữa thị trấn Tri Tôn náo nhiệt, chùa Xà Tón vẫn nằm bề thế, uy nghiêm ngay vị trí trung tâm. Ngôi chùa đại diện cho văn hóa tinh thần của ĐBDTTS Khmer này đã tồn tại hơn 300 năm.

Tương truyền, từ thời Bảy Núi vẫn còn là vùng rừng rậm, hoang vu, ít người lui tới. Trên những ngọn cây, từng đàn khỉ nối đuôi nhau chuyền cành, chúng dạn dĩ chọc ghẹo, níu kéo người qua đường. Thuở ấy, lũ khỉ hoang thường xuyên vào chùa, nhà dân, thân thiện như khỉ nhà.

Có lẽ vì vậy mà hình ảnh khỉ truyền cành đã trở nên quá thân thuộc nên chùa mới có tên là Xvayton (trong tiếng Khmer, “xvay” là khỉ, còn “ton” là đeo, níu kéo).

Về sau, nhiều người đọc chạy là Xà Tón. Đến nay, chùa Xà Tón còn tồn tại nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ đến cả trăm năm, nơi gắn với hình ảnh lũ khỉ truyền cành.

Khuôn viên chùa Xà Tón
Khuôn viên chùa Xà Tón

Sãi cả chùa Xà Tón Chau Pholly cho biết, nghe các sư sãi lớn tuổi kể lại chùa Xà Tón ban đầu được che dựng đơn sơ bằng lá và gỗ núi trên nền đất thấp. Sau đó, nhà chùa và nhân dân quanh vùng ra sức đào 1 cái hồ ở phía trước để lấy đất tôn cao nền chùa.

Nền chùa đắp cao được xây bằng đá xanh, vôi, ô dước. Sau này, chùa được khởi công xây dựng kiên cố bằng gạch ngói, cột bằng gỗ và được tu bổ nhiều lần cho đến diện mạo ngày nay.

Giống như các chùa Khmer khác ở ĐBSCL, chùa Xà Tón có quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất, như: cổng chùa, tường rào, chính điện, các dãy nhà tăng, nhà thiêu, những tháp để cốt...

Toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chính điện, được xây dựng ở vị trí trung tâm và nền cao hơn so với các công trình khác.

Chính điện chùa Xà Tón được xây theo hướng đông tây, mái chính có cấu trúc tam cấp, lợp ngói màu đỏ, xanh, vàng đặc sắc.

Ở 4 góc nóc mái chính điện được trang trí hình tượng thần rắn Naga uốn cong. Chính điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc, trang trí của ĐBDTTS Khmer với những bức bích họa được vẽ kín các mặt tường. Nội dung chủ yếu của những bức bích họa này là kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.

Trên gian thờ giữa chính điện là nhiều tượng Phật Thích Ca được đúc, chạm, khắc rất đẹp ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi…

Chung quanh ngôi chính điện là các tháp nhỏ, đẹp đẽ dùng để lưu giữ hài cốt ở chùa sau khi đã hỏa táng. Trên các đỉnh tháp nhỏ này được chạm hình thần Bayon 4 mặt. Phía trước chùa có hồ lớn, ngoài việc làm đẹp, hồ còn là nơi trữ nước sinh hoạt mùa khô.

Chùa Xà Tón được xem như một biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của ĐBDTTS Khmer với những đặc điểm kiến trúc hết sức độc đáo và đặc sắc trong kho tàng di sản kiến trúc chùa Khmer ở ĐBSCL.

Vì vậy, ngày 12-12-1986, chùa Xà Tón được Bộ Văn hóa công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Cổng chùa Xà Tón
Cổng chùa Xà Tón

Ngoài giá trị kiến trúc, chùa Xà Tón còn là nơi lưu giữ trên 100 bộ kinh ghi trên lá. Đây được xem loại thư tịch cổ, là báu vật quý hiếm có giá trị về văn hóa - nghệ thuật mang đậm nét truyền thống trong quy trình làm sách cổ của người Khmer vùng ĐBSCL.

Mỗi bộ sách được lưu giữ, bảo tồn trong chùa không chỉ phục vụ cho việc truyền đạt kinh Phật, mà thông qua những câu chuyện dân gian, những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca… góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, giáo dục luân thường đạo lý cho các phật tử trong cộng đồng phum, sóc.

Đồng thời, qua những bộ sách lá đã góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng mẹ đẻ của ĐBDTTS Khmer vùng Bảy Núi. Năm 2006, chùa Xà Tón được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất Việt Nam”.

Chùa Xà Tón cũng như nhiều chùa Khmer khác có vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, văn hóa - nghệ thuật, xã hội trong đời sống tinh thần của ĐBDTTS Khmer.

Chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là trung tâm văn hóa, nơi gìn giữ những phong tục, tập quán, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền…

Đây là tài sản quý giá không chỉ đối với ĐBDTTS Khmer, mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Theo TTMT