Đắm mình vào không gian văn hóa cồng chiêng

Cập nhật, 13:09, Thứ Ba, 31/07/2018 (GMT+7)

Lần đầu tiên tôi được tiếp cận những chiếc cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên vào năm 1995, trong tour du lịch bụi xuyên Việt.

Sau đó, khá nhiều lần được trở lại mảnh đất hùng vĩ này để được đắm mình trong những đêm hội diễn tràn ngập âm thanh trầm bổng rộn ràng, bên những chóe rượu cần đặc biệt nhất, những điệu nhảy, bước chân vừa đủ chếnh choáng hơi men.

Múa cồng chiêng mừng lúa mới.
Múa cồng chiêng mừng lúa mới.

Tuy nhiên, tại đêm lễ hội văn hóa cồng chiêng năm 2017 tại Đăk Lăk, tôi mới thật sự được hiểu rõ hơn, được thưởng thức khá trọn vẹn nét đẹp văn hóa đặc sắc này qua những bài thuyết minh và cuộc hội tụ đầy đủ những nghệ nhân, cùng các đoàn cồng chiêng xuất sắc nhất đại diện của 5 tỉnh Tây Nguyên.

Trong những lần du lịch về vùng đất Tây Nguyên vào thăm các buôn làng, vào những ngày thường cồng chiêng được treo ở nơi trang trọng trong nhà và người dân nơi đây rất tự hào khi khoe những chiếc cồng chiêng của mình với khách.

Ngoài những chóe rượu quý, thì việc sở hữu càng nhiều chiếc cồng chiêng thể hiện quyền lực, sự giàu có của một gia đình, bởi đây được xem là tài sản quý giá.

Người ta tôn trọng những chiếc cồng chiêng như đại diện của các vị thần, do đó chỉ được phép sử dụng vào những dịp lễ hội quan trọng của buôn làng.

Đối với người Tây Nguyên họ quan niệm đằng sau mỗi chiếc cồng chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao.

Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những chóe rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo.

Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên đậm chất sử thi vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.

UNESSCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Ba Na, Xê Đăng, M’ Nông, Cơ Ho, Rơ Măm, Ê Đê, Gia Rai...

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.

Trong quan niệm, tâm linh người Tây Nguyên, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng- là phương tiện giao tiếp giữa con người với thế giới siêu nhiên...

Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu,... hay trong một buổi nghe khan (nghệ nhân kể khan) đều phải có tiếng cồng chiêng như là thứ để nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.

Lễ hội cồng chiêng bên những chóe rượu cần.
Lễ hội cồng chiêng bên những chóe rượu cần.

Đa số các tộc người, cồng chiêng là nhạc cụ dành riêng cho nam giới. Đó là trường hợp của các tộc người như Gia Rai, Ê Đê Kpah, Ba Na, Xơ Đăng, Brâu, Cơ Ho...

Song, có những tộc người thì cả nam lẫn nữ đều có thể sử dụng, như Mạ, M’Nông. Riêng một số ít tộc người như Ê Đê Bih thì chỉ có nữ giới mới được chơi cồng chiêng.

Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Từ chủng loại, phương pháp kích âm, biên chế và thang âm cho đến hệ thống bài bản và nghệ thuật diễn tấu, chúng ta sẽ bắt gặp những gì của một dãi nghệ thuật đa diện từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều, từ đơn tuyến đến đa tuyến...

Trong đó bảo lưu cả những lớp cắt lịch sử của tiến trình phát triển âm nhạc từ thời kỳ sơ khai; ở đây, mọi giá trị nghệ thuật đều nằm trong mối quan hệ tương đồng và dị biệt, xác định cá tính vùng miền của nghệ thuật.

Và, với sự phong phú, độc đáo và đa dạng từ toàn bộ đến từng phần, đã khẳng định vị trí đặc biệt của cồng chiêng Tây Nguyên trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. 

Âm nhạc của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác.

Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, những người dân dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện tuyệt vời. 

Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ.

Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là “tiếng nói” của con người và của thần linh theo quan niệm “vạn vật hữu linh”.

Vì một số lý do Lễ hội cồng chiêng 2018 đã lỡ hẹn vào tháng 5 vừa qua, theo dự định sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Những người yêu mãnh đất, con người và văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng đang chờ mong mùa lễ hội tới để cùng về đây và được đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ngày nay, nhiều nơi đưa loại hình văn hóa này vào khai thác du lịch nên du khách dễ dàng có điều kiện tiếp cận; tuy nhiên, nếu có duyên may về thăm vùng đất này đúng vào những ngày lễ hội quan trọng chúng ta sẽ được thưởng thức và cảm nhận thật nhất hồn cốt, sự quyến rũ đặc biệt của không gian văn hóa đặc sắc này.

Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20- 60cm, loại cực đại từ 90- 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2- 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18- 20 chiếc.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG