Chuyện làng văn nghệ

Ông quan... học dở hát hay

Cập nhật, 10:25, Chủ Nhật, 10/06/2018 (GMT+7)

Đào Tấn ra đời năm 1846, mất năm 1908 quê Bình Định, đỗ cử nhân năm 1867, từng là tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An- Hà Tĩnh). Là Thượng thư Bộ công, ông còn là tác giả nhiều vở tuồng góp phần không nhỏ vào bộ môn tuồng ở Trung Trung Bộ.

Một lần ông đang làm quan ở Quảng Ngãi, sau đêm thức trắng soạn vở tuồng “Vạn bảo trình tường”, thì sáng sớm người lính hầu vào bẩm:

- Bẩm quan lớn, nguy to rồi ạ!

Đào Tấn ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao? Cái gì nguy to?

Người lính bình tĩnh rồi thưa:

- Bẩm, ngoài cổng dinh, không hiểu có tên nào xấc xược dám làm đôi câu đối...

- Câu đối thế nào?

- Bẩm một bên có chữ “Hát hay”, bên kia có chữ “Học dở”; ý chừng chê quan lớn chỉ mê tuồng hát mà không chăm làm quan. Xin phép quan lớn cho con ra xóa đi và cho truy tìm kẻ phạm thượng...

Đào Tấn cười lớn:

- Cứ để đó. Không được xóa.

Nói xong, ông lại cặm cụi trên chồng bản thảo vừa xong, coi như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi đó, dân chúng đã xúm đông đảo quanh đôi câu đối “xấc xược” kia.

Sáng hôm sau, nhân dân còn ngạc nhiên hơn, vì chính chỗ cổng dinh đó, có 2 câu đối rất hay và rất hài:

Hát hay chính kép Quy Nhơn thiệt

Học dở làm quan Quảng Ngãi chơi.

Và mọi người đều vui vẻ, vì ai cũng đoán ra chính đêm qua, quan đã tự tay viết đôi câu đối này, chỉ thêm mỗi vế mấy chữ mà đổi cả nội dung. Ai cũng phục trí thông minh và nhất là tài chơi chữ của Đào Tấn, một bậc “phụ mẫu chi dân” nhưng lại... nghệ sĩ.

LÊ HỒNG THIỆN