Trò chuyện cùng "Thị Hến"- Thanh Kim Huệ

Cập nhật, 19:33, Thứ Năm, 31/05/2018 (GMT+7)

Ngao Sò Ốc Hến (NSOH) là một tuồng tích dân gian nổi tiếng được chuyển thể thành phim, ca kịch, cải lương.. nói chung có rất nhiều phiên bản. Nhưng phiên bản cải lương của soạn giả Nguyễn Thành Châu do NSUT Thanh Kim Huệ (TKH) thủ vai Thị Hến là thành công nhất. Không chỉ riêng Thị Hến, mà hầu hết các nhân vật như Quan Huyện, Trùm Sò, Bói Ngao, Cua, Ốc, Thầy Đề, Cô Năm, thầy Bảy…đều xuất sắc trong việc lột tả được tính cách của mình. 

Đã 36 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên ra mắt năm 1982, tiếng khóc Trùm Sò trong huyện đường và giọng nói ỏng ẹo, đong đưa của cô Năm bóng vẫn làm khán giả không thể nhịn cười mỗi khi nghe lại… và đặc biệt nàng Hến vẫn luôn được khán giả nhắc đến và gọi tên mỗi khi Thị Hến (NSUT Thanh Kim Huệ) xuất hiện trước khán giả.

PV Báo Vĩnh Long có cuộc trò chuyện cùng NSUT Thanh Kim Huệ xung quanh vai Thị Hến đã được nghệ sĩ thể hiện rất thành công.

NSUT Thanh Kim Huệ và NSUT Thanh Điền trong trích đoạn “Ngao Sò Ốc Hến”.
NSUT Thanh Kim Huệ và NSUT Thanh Điền trong trích đoạn “Ngao Sò Ốc Hến”.

- PV: Có thể nói NSOH là vở cải lương, vở hài kinh điển nhất trong nghệ thuật cải lương Việt Nam. Nghệ sĩ đã đảm nhận vai chính trong vở hài kịch này (Thị Hến), ấn tượng của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đối với vai này là gì?

- NSUT Thanh Kim Huệ: Ban đầu đây không phải là vở hài mà là vở chèo chính kịch của miền Bắc, sau đó soạn giả Nguyễn Thành Châu chuyển thành cải lương. Lúc đầu nghệ sĩ Thành Được và Phượng Liên thủ 2 vai Quan Huyện và Thị Hến (thuộc vai chính diện), sau này Thanh Kim Huệ-Thanh Điền đảm nhận 2 vai này và chuyển thành hài kịch được khán giả yêu thích.

Thật ra ban đầu chúng tôi chưa nghĩ mình sẽ diễn theo dạng hài nhưng thấy phản ứng của khán giả rất tốt nên đã chuyển sang hài kịch cộng với những sáng tạo của riêng anh chị em nghệ sĩ dành cho vở diễn này, từ đó NSOH trở nên đa sắc hơn.

- PV: Sự đón nhận của bà con lúc bấy giờ đối với vở diễn này thế nào, thưa nghệ sĩ?

- NSUT Thanh Kim Huệ (cười): Lúc đầu mới nhận vai này Thanh Kim Huệ rất lo lắng vì xưa nay mình chỉ đóng vai mùi, hiền lành, khóc lóc …vì đào chính thì phải diễn những vai như thế.

Tuy nhiên trong lòng thì vẫn rất thích vì bản thân Thanh Kim Huệ cũng rất thích diễn các vai vui vẻ, lẵng (đào lẵng) nhưng chưa có dịp nào để thể hiện, do đó bắt gặp vai Thị Hến này Thanh Kim Huệ thích lắm.

Thú thật, mình cũng lo không biết diễn thế nào cho khán giả chấp nhận và suy nghĩ, cố tìm ra những động tác diễn mới, phù hợp với tính cách nhân vật.

Thanh Kim Huệ nghiên cứu kịch bản và hiểu ra một điều, Thị Hến chỉ lẵng lơ với Quan Huyện, quan lại chứ thật ra cô ta là người đoan chính, người tốt. Vì bị bọn cường hào ác bá vu khống cô Hến chưa chấp đồ gian nhưng thật ra thì không phải thế.

Khi đã nắm được ý nghĩa kịch bản, Thanh Kim Huệ mới tìm cách diễn làm sao cho khán giả thấy được Thị Hến chỉ lẵng lơ với ông Huyện mê gái nhưng sợ vợ và bọn quan lại nhưng Thị Hến là người đoan chính, là người chị tốt, có trách nhiệm với 2 em (Cua và Ốc).

Sau đó Thanh Kim Huệ mới nghĩ ra cách diễn mới phù hợp với từng phân đoạn và từng nhân vật, thí dụ như cái tay phải như thế nào, uốn éo, điệu đà ra làm sao, kế tiếp là dáng đi, kiểu đứng, cái hất đầu, lắc mông…trước từng nhân vật mà mình đối diện.

Ngay cả trong cách nói chuyện cũng vậy, đối với Quan Huyện thì nói thều thào, ẻo lã, nhỏng nhẽo để khiêu gợi “lòng dê” của ông quan này.

Còn ca thì ca theo tâm trạng lúc đó, ca hơi dài, lúc ngân nga, lúc ngắt nhịp, nhấn nhá, kéo dài, dồn dập, sinh động, chu ngoa, khôn khéo…

Khán giả yêu thích Thanh Kim Huệ ở vai diễn này vì họ phát hiện ra Thanh Kim Huệ với một hình tượng hoàn toàn mới  so với cô Lan trong vở Lan và Điệp trước đây (cười).

- PV: Và cũng từ đó khi đi diễn ở vùng sâu, vùng xa thì bà con không chỉ gọi chị là nghệ sĩ Thanh Kim Huệ mà gọi là Thị Hến?

- Thanh Kim Huệ (cười lớn): Đúng vậy, không chỉ lúc đó mà ngay cả cho tới bây giờ trên 30 năm rồi đi diễn ở nơi nào từ miền Tây cho đến miền Trung, khi gặp thì bà con vẫn nhắc và kêu “Thị Hến! Thị Hến kìa”, Thanh Kim Huệ cảm thấy rất hạnh phúc vì vai Thị Hến đã ăn sâu vào tiềm thức và gắn liền với đời sống của bà con.

Vui nhất là bà con lúc nào cũng yêu cầu Thanh Kim Huệ và Thanh Điền hát 1 lớp ngắn ngắn trong vở này. Thanh Kim Huệ sẵn sàng hát phục vụ sự yêu mến của bà con.

Thật sự Thanh Kim Huệ không nghĩ vở diễn này lại sống dai như thế, còn nhớ vở này được triển khai thực hiện khoảng năm 1982-1983 cho đến nay đã diễn trên 1000 suất. Cho thấy NSOH là một vở hài kịch có sức sống lâu bền trong lòng khán giả.

- PV: Còn đối với những người bạn diễn như Thanh Điền (Quan Huyện), Giang Châu (Trùm Sò) thì họ đã hỗ trợ cho “Thị Hến” như thế nào?

-  NSUT Thanh Kim Huệ: Một vở diễn thành công lúc nào cũng đều có sự ăn ý trong ê kíp làm việc, phải có sự đồng bộ, hiểu ý, nhịp nhàng, quăng bắt với nhau, hai nghệ sĩ Thanh Điền và Giang Châu đã hỗ trợ Thanh Kim Huệ rất nhiều trong nhân vật này.

Từ cái liếc mắt đưa tình với Quan Huyện hay cái hấy mắt với Trùm Sò… tất cả đều ăn khớp với nhau. Đó chính là sự sáng tạo của diễn viên, khi anh hay chị này quăng ra thì người bạn diễn phải biết bắt. 

Ví dụ như trong kịch bản không có màn Trùm Sò lạy và quỳ lên quỳ xuống như thế mà đó là sáng tạo của anh Giang Châu, anh Thanh Điền mới thêm vào “thấy tướng lạy thấy ghét” vậy mà khán giả lại cười ồ lên. Hay đoạn Trùm Sò “cương thêm” khóc bằng kèn lá sau đó quan Huyện hứng chí “cương theo” và nói “ai chết ở đây mà mày thổi kèn lá” (cười).

Nói chung sự ăn ý trong diễn xuất của người nghệ sĩ rất quan trọng vì điều này tạo nên một lớp diễn gắn chặt với nhau.

Lúc đó lớp diễn ấy đang tạo nên một luồng cảm xúc do đó khán giả sẽ theo dõi từ động tác, cử chỉ, ánh mắt của của Thị Hến, họ để ý từng cái lắc mông, hất hàm khi Thị Hến đi qua mặt Trùm Sò thì bắt buộc ngay thời điểm đó Thanh Kim Huệ cũng phải tạo cảm hứng, sáng tạo động tác diễn của mình cho ăn ý với mạch cảm xúc đó. Từ những động tác, phối hợp nhịp nhàng này đã tạo tiếng cười cho khán giả.

Và lớp Quan Huyện xử án cũng là lớp diễn mà Thanh Kim Huệ và Thanh Điền vẫn hay diễn lại cho bà con xem khi đi diễn các nơi.

NSUT Thanh Kim Huệ và NSUT Thanh Điền cặp đôi bạn diễn “ăn ý” trong kịch bản cải lương và ngoài đời.
NSUT Thanh Kim Huệ và NSUT Thanh Điền cặp đôi bạn diễn “ăn ý” trong kịch bản cải lương và ngoài đời.

- PV: Nghệ sĩ có kỷ niệm nào đáng nhớ từ vai diễn này?

- NSUT Thanh Kim Huệ: Kỷ niệm đáng nhớ và sâu sắc thì không nhưng điều đọng lại trong Thanh Kim Huệ nhiều nhất đó là tình cảm của bà con dành cho vai Thị Hến quá lớn.

Khán giả hâm mộ Thanh Kim Huệ từ vai diễn này sau 2 vai Lan và Hà Trang, bà con cứ nghĩ mình không thể nào diễn được vai này vì đây là nhân vật quá mới mẻ, với tính cách hoàn toàn khác với những vai chính kịch, buồn thương số phận mà Thanh Kim Huệ đã thủ diễn trước đây.

Có khán giả đã hết sức ngỡ ngàng và bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự lột xác của Thanh Kim Huệ trong vai Thị Hến.

- PV: NSUT Thanh Kim Huệ nhắn gửi gì đến bà con Vĩnh Long nói riêng và những ai yêu mến Thanh Kim Huệ, yêu mến Thị Hến nói chung?

- NSUT Thanh Kim Huệ: Thanh Kim Huệ mong rằng bà con Vĩnh Long và bà con yêu mến cải lương gần xa mãi mãi yêu mến hình ảnh Thanh Kim Huệ qua vai Lan hoặc vai Thị Hến, cái tên Thanh Kim Huệ mãi mãi gắn liền với tên Thị Hến và Lan. Thanh Kim Huệ cũng mong rằng tình cảm này luôn giữ mãi và Thanh Kim Huệ hứa sẽ luôn cố gắng giữ cho mình hình tượng trong sáng ấy trong lòng người mộ điệu.

- PV:  Trân trọng cảm ơn NSUT Thanh Kim Huệ đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này.

HỒ VĂN (thực hiện)