Ngày hội văn hóa- thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long lần 8

Mở ra không gian mới cho văn hóa truyền thống

Cập nhật, 05:05, Thứ Ba, 17/04/2018 (GMT+7)

 

Nét văn hóa lễ cưới truyền thống của người Khmer qua hoạt cảnh “Hoa cau ngày cưới” do học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh thể hiện.
Nét văn hóa lễ cưới truyền thống của người Khmer qua hoạt cảnh “Hoa cau ngày cưới” do học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh thể hiện.

Chol Chnam Thmay (Tết mừng năm mới) của đồng bào Khmer năm 2018 vào các ngày 14, 15, 16/4 dương lịch và cũng đúng vào chu kỳ 2 năm của Ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long lần thứ 8, được tổ chức trong 2 ngày 13, 14/4 tại chùa Cần Thay (xã Tân Mỹ- Trà Ôn).

Ý nghĩa lớn nhất của những ngày hội chính là tạo cơ hội để tôn vinh nghệ thuật truyền thống, hội tụ những lớp nghệ sĩ trẻ cùng những nghệ nhân cao niên phô diễn vốn quý của nền văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer.

Từ đây, mở ra một không gian rộng lớn hơn trong sự giao thoa hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc anh em trên mảnh đất Nam Bộ này.

Ẩm thực là mối giao hòa giữa người và đất

Thực đơn đạt giải nhất với món chủ lực bún nước lèo của đội Vũng Liêm.
Thực đơn đạt giải nhất với món chủ lực bún nước lèo của đội Vũng Liêm.

Văn hóa chính là cái hồn cốt, tinh hoa tạo nên nét đặc trưng, sự khác biệt giữa các cộng đồng, dân tộc. Trong đó, ẩm thực chính là sự khởi nguồn xa xưa nhất với vai trò “định vị”, chỉ dẫn địa lý cho nguồn gốc lịch sử cả nền văn hóa; bởi nó luôn gắn liền với những đặc tính, đặc điểm của một vùng đất.

Do đó, người Kinh cũng như đồng bào Khmer ở châu thổ ĐBSCL này, qua hàng trăm năm đã tạo nên một nền ẩm thực “đệ nhất mắm”, bởi thuở xưa cá tôm xứ này nhiều lắm, không cách gì ăn hết được.

Riêng mắm Pò hóc của bà con Khmer, mà đến nay vẫn còn rất nhiều người hiểu sai, do chưa thực sự thưởng thức được thứ mắm chính gốc, cùng sự biến tấu của nó tạo nên cái hương vị truyền thống trong hầu hết các món ăn của người Khmer.

Mắm Pò hóc chính là thể hiện sự hòa hợp tuyệt vời giữa con người và đất đai, sự sáng tạo và kinh nghiệm qua bao đời tích tụ mà làm nên món ăn đậm đà, tinh tế đến vậy.

Chính hội thi ẩm thực là dịp để các nghệ nhân ẩm thực Khmer “lên tiếng” và chinh phục mọi người.

Nhiều đội thể hiện món mắm vào các thực đơn khác nhau; đặc biệt, có sự cải biến nhẹ nhàng từ hình thức, đến hương vị là cho mắm có “đời sống” hiện đại hơn, có thể hiện diện trong các thực đơn ở các nhà hàng sang trọng, nhưng mắm vẫn giữ “linh hồn mắm”.

Mỗi một bàn ăn khi được dọn lên, mọi người cảm nhận như một bản hòa tấu của sắc màu, hương vị đậm đà của ẩm thực rất đặc trưng của đồng bào Khmer.

Đội TX Bình Minh hướng đến việc trang trí tôn lên vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi của các loại rau củ đặc sản địa phương.

Đội Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh thì hướng đến việc xây dựng bữa ăn vừa truyền thống, vừa hiện đại nổi bật với món Num Say Khya Lpeuo (như bánh plan chế biến từ nguyên liệu bí đỏ), hay món ốc hấp khóm chấm cơm mẻ rất lạ miệng. Với đội Tam Bình, đó là sự quyến rũ với mùi hương đặc biệt từ các món ốc hấp lá lốt, bánh thốt lốt, món Simlo Machu Krương (canh simlo nêm vị mắm cá trê trắng).

Vũng Liêm đầu tư công phu cho món bún nước lèo, khi nâng tầm món ăn truyền thống này lên mức thẩm mỹ từ cách trang trí và phối hợp những nguyên liệu dân dã, nhưng không kém phần sang trọng.

Hiện đại hóa, tạo sự giao thoa biến tấu cho món ăn truyền thống, tạo cho món ăn dân tộc có sự lan tỏa trong không gian rộng lớn hơn, một đời sống mạnh mẽ hơn trong thời đại mới, mà không làm mất đi cái phong vị độc đáo của văn hóa truyền thống, đó là một trong những tiêu chí được Ban giám khảo đánh giá cao ở xu hướng thể hiện của các đội năm nay.

Đó cũng là thế mạnh giúp cho đội Vũng Liêm đã giành giải trong Hội thi ẩm thực Khmer của tỉnh năm nay.

“Bữa tiệc” của sắc màu à thinh âm

Ngoài những hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian mang không khí hội hè, rộn ràng, vui tươi cho bà con nhân ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay; thì hội thi ẩm thực và hội diễn văn nghệ là 2 hoạt động chính mang lại thành công rực rỡ cho Ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2018.

Tiết mục múa dân gian của đơn vị TX Bình Minh.
Tiết mục múa dân gian của đơn vị TX Bình Minh.

Hỏi về cảm xúc đêm liên hoan, chị Thạch Thị Oanh Na (ấp Mỹ Thuận, xã Tân Mỹ) kể đến xem liên hoan nghệ thuật lần này là lần thứ 3 rồi. 2 lần trước xem liên hoan ở chùa Gò Xoài và chùa Mới cũng tại xã nhà.“Các chị múa đẹp lắm. Đông đúc, phấn khởi như vậy rất là vui!”- lời chị Oanh Na đi kèm tiếng cười tươi rói.

Hôm nay, để lại những bộn bề đồng áng, bán buôn, chị Oanh Na cũng như chị em xóm làng nô nức đi xem 2 đêm diễn múa hát tại sân chùa. Bao điệu múa, câu hát, tiếng trống, phím đàn... lâu rồi mới tề tựu đông vui.

Là sinh viên năm cuối Trường ĐH Trà Vinh, Thạch Thị Lê Tha (ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ) cũng về ăn Tết Chol Chnam Thmay ở quê mình.

Lê Tha bày tỏ: “Ngày hội văn hóa, thể thao được tổ chức ở quê hương mình đây nên em thấy rất vui và tự hào. Đây cũng là điều kiện để người dân có thể xem lại những nét văn hóa của dân tộc mình, mà bình thường ít dịp để được xem như vậy”.

Rất trùng hợp là Lê Tha đang là sinh viên năm cuối ngành quản lý văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đáp lại lời cảm ơn của chúng tôi, cô gái Khmer dịu dàng, thu hút và đầy thuyết phục thêm rằng: “Đối với các bạn dân tộc khác và người nước ngoài, em sẽ quảng bá nền văn hóa dân tộc mình tới dân tộc bạn, em muốn họ hiểu được những giá trị văn hóa của dân tộc Khmer”.

Em gái Khmer Lê Tha xa nhà nay về quê ăn Tết Chol Chnam Thmay với bao hào hứng và am hiểu về lĩnh vực mình đang học. Biết đâu mai này, Lê Tha sẽ là người đưa những nét văn hóa của đồng bào mình đến bạn bè gần xa để cùng hiểu, cùng thích và trân quý hơn!

Nam thanh nữ tú Khmer xinh đẹp trong trang phục truyền thống.
Nam thanh nữ tú Khmer xinh đẹp trong trang phục truyền thống.

Nhạc sĩ Huỳnh Tấn Lộc- Phó trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- với vai trò chánh chủ khảo đêm liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer cho biết, mỗi năm chương trình nghệ thuật đều có một sắc màu khác nhau, về cách dàn dựng, thi diễn sáng tạo khác nhau.

Cũng vì thế, ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- cho rằng, các đoàn nghệ thuật Khmer không chuyên đã mang đến liên hoan những sắc màu rực rỡ qua các tiết mục biểu diễn tự tin, sáng tạo, tạo được sự tán thưởng của hơn 1.000 lượt khán giả đến với hội thi.

Đặc biệt, trong các hoạt động hội thi ẩm thực và hội diễn nghệ thuật, luôn có sự kết hợp giữa các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ.

Có những nghệ nhân tuổi cao, nắm giữ những tinh hoa độc đáo mà các lớp thế hệ trẻ cần tiếp thu, truyền giữ cho nhau; quan trọng hơn là gánh vác trách nhiệm tạo cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống có đời sống mới rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn song hành cùng nhịp sống thời đại mới. Cần nhiều cơ hội để thường xuyên tôn vinh nét đẹp cổ truyền của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Trong 2 đêm hội diễn nghệ thuật, có sự tham gia của các đội: Trà Ôn, TX Bình Minh, Tam Bình, Vũng Liêm, Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh. Kết quả: đoàn nghệ thuật Khmer TX Bình Minh đạt giải A toàn đoàn, Trà Ôn đạt giải B, Vũng Liêm đạt giải C. 2 giải khuyến khích thuộc về đoàn Tam Bình và Trường PTDT Nội trú tỉnh.

Hội thi ẩm thực Khmer có 6 đội của 5 đơn vị tham gia. Kết quả: giải nhất đội Vũng Liêm; giải nhì đội Tam Bình; giải ba đội Trà Ôn 2; giải khuyến khích đội TX Bình Minh và Trường PTDT Nội trú tỉnh.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH THÁI