Nền khoa cử Việt Nam qua di sản tư liệu thế giới

Cập nhật, 10:31, Thứ Sáu, 16/03/2018 (GMT+7)

Trải qua nhiều triều đại, các bậc minh quân đất Việt đều cho rằng để xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ và hưng thịnh, cần có nền giáo dục tiên tiến để đào tạo nhân tài.

Nhiều bạn trẻ tham quan triển lãm
Nhiều bạn trẻ tham quan triển lãm "Khoa cử Việt Nam xưa trong di sản tư liệu thế giới".

Để tái hiện bức tranh sinh động về nền giáo dục Việt Nam qua các triều đại, Triển lãm "Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản tư liệu thế giới" đã được giới thiệu tới công chúng từ 5/3 đến 5/4/2018 tại Văn miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Triển lãm trưng bày hơn 50 hình ảnh, phiên bản tài liệu về nền khoa cử Việt Nam xưa được chắt lọc từ ba di sản tư liệu thế giới của Việt Nam là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Bia Tiến sĩ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi từng đào tạo ra nhiều bậc hiền tài của đất nước, cũng là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng nhân tài, tôn vinh danh nhân văn hóa hiện nay.

Với bố cục gồm ba phần: (I) Lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam qua các triều đại; (II) Quốc Tử Giám - Trung tâm giáo dục cao cấp thời quân chủ; (III) Bia đề danh Tiến sĩ và các nhà khoa bảng tiêu biểu, triển lãm mang đến cái nhìn tổng quan, chân thực về nền giáo dục Việt Nam thời quân chủ thông qua nhiều nội dung như: quan điểm của nhà nước về giáo dục, khoa cử; chế độ thi cử; danh nhân khoa bảng, ân điển của quốc gia đối với người đỗ đạt...

Bên cạnh những kiến thức bổ ích về lịch sử giáo dục hay giới thiệu các trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam như Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An... triển lãm còn cho thấy nhiều tư tưởng tiến bộ trong giáo dục vẫn nguyên giá trị đến hôm nay.

Chẳng hạn, trong Bài ký bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) dưới triều Vua Lê Thái Tông có viết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp".

Hay trong Bài ký bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Thìn niên hiệu Quang Hưng 15 (1592) dưới triều Vua Lê Thế Tông, có đoạn: "Trải xem các đời đế vương anh minh tài giỏi từ xưa muốn dựng nền trí trị đều phải lấy sự thu hút nhân tài làm cốt yếu, không đời nào không coi trọng khoa mục.

Các văn nhân tài sĩ muốn lập huân danh sự nghiệp để lưu tiếng ở đời, đại để cũng do con đường khoa mục mà tiến thân, thế thì khoa mục đặt ra là có nguyên do của nó"...

Từ ngàn xưa, vai trò của hiền tài quốc gia đã được cha ông ta, nhất là các bậc đế vương đặc biệt coi trọng. Bởi thế, trong các kỳ khoa cử để tuyển chọn người tài và trong suốt quá trình học tập, sự nghiêm túc, nghiêm khắc luôn được đặt lên hàng đầu.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 15, mặt khắc 12, quy định việc học tập, rèn luyện của các giám sinh, nho sinh, sinh đồ ở Quốc Tử Giám dưới triều Vua Lê Tương Dực (năm 1511) viết: "Phải tuân theo học quy, luyện tập văn bài, đợi khi thành tài để nhà nước sử dụng.

Người nào dám chạy chọt cầu may, rong chơi ngoài đường, bỏ trễ việc học, thiếu một lần điểm mục thì phạt 140 tờ giấy trung chỉ, thiếu hai lần thì phạt 200 tờ giấy trung chỉ, thiếu ba lần thì đánh 40 roi, thiếu điểm mục 4 lần thì kiểm xét tâu lên giao cho Hình bộ xét hỏi, thiếu điểm mục 1 năm thì tâu lên bắt sung quân".

Và khi đã thành tài thì các bậc cao nhân hiền tài đều được các minh quân trọng dụng, lưu danh. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 17, mặt khắc 21, 22 cho thấy Vua Lê Thái Tông đã bàn đặt việc dựng bia Tiến sĩ trong Văn Miếu khắc tên những người đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1442: "Tháng 3, mùa xuân.

Thi đối sách để tuyển lấy tiến sĩ. Trước kia, đã bàn đặt khoa tiến sĩ, đến đây, cho vào điện đình để thi đối sách, ban cho từ Nguyễn Trực trở xuống 33 người đỗ tiến sĩ cập đệ, xuất thân, đồng xuất thân có khác nhau. Lại sai dựng bia khắc bài văn nói về việc mở khoa thi tiến sĩ và đề tên những người đã đỗ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây".

Bài ký bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) dưới triều Vua Lê Thái Tông cũng viết: "... Xướng danh treo bảng, để tỏ cho kẻ sĩ thấy sự vẻ vang.

Ân ban tước trật để nêu cao nổi bật trên dân thường, ban áo mũ cân đai để đẹp cách ăn mặc, cho dự yến vườn Quỳnh để tỏ ơn huệ, cấp ngựa về quê để rõ lòng đặc biệt mến yêu... Sau khi truyền lô yết bảng, lại cho dựng đá đề tên để truyền lại lâu dài"...

KHỐI nội dung đồ sộ về lịch sử khoa cử Việt Nam với quy chế, thể lệ và các nhà khoa bảng, danh nhân, trạng nguyên tiêu biểu trong lịch sử đã được thể hiện một cách khoa học, hệ thống thông qua bảy phiên bản Mộc bản triều Nguyễn và 40 giá trưng bày nội dung 56 tài liệu của ba Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam hiện nay (gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Bia Tiến sĩ).

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẳng định: Đây là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu và công chúng yêu thích văn hóa, lịch sử tìm hiểu sâu hơn về nền giáo dục Việt Nam, từ đó thêm hun đúc truyền thống hiếu học của dân tộc.

Đồng thời, đây cũng là nguồn tư liệu sinh động dành cho các nhà quản lý trong hoạch định các chính sách để xây dựng một xã hội học tập - đòi hỏi tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển bền vững của đất nước trong thế kỷ XXI.

Theo Báo Nhân Dân