Tiểu đoàn 857 "phản đòn"

Cập nhật, 13:50, Thứ Ba, 06/02/2018 (GMT+7)

Cuối năm 1967, sau thời gian về huyện Tam Bình rèn luyện quân sự và bồi dưỡng chính trị, Tiểu đoàn 857 (D 857) trở lại bám vùng ven TX Sa Đéc để cùng với đảng bộ các địa phương dùng “3 mũi giáp công” (chính trị- quân sự- binh vận) phá thế kiềm kẹp của địch.

Bước sang tháng 11 của năm đó, được sự hỗ trợ của lực lượng binh vận D 857 đưa một đại đội có tăng cường đội đặc công trinh sát của tiểu đoàn sử dụng cơ sở nội tuyến là hạ sĩ Nguyễn Bá Hài đánh tiêu diệt một hậu cứ cấp tiểu đoàn của Trung đoàn 15 (Sư đoàn 9 địch) đóng ở Sa Đéc, thu trên 100 súng các loại.

Thua đau, sáng ra địch tập trung quân chuẩn bị truy kích quân ta thì gặp phải một đoàn người, trong đó có nhiều người nhà của binh sĩ tử trận khóc la đòi chúng phải nhanh chóng giải quyết hậu quả chiến sự đêm trước.

Thật ra đây là đòn tiếp nối của đòn đêm trước nằm trong kế hoạch của bộ phận binh vận địa phương. Thế là kế hoạch càn quét của chúng hôm đó buộc phải dừng lại.

Sau trận này, tiểu đoàn chia 3 đại đội (C) của mình ra 3 hướng, khi cần thiết mới tập trung lại, để hỗ trợ các địa phương vùng ven phá thế kiềm kẹp của địch: C 201 hoạt động ở phía Nam QL4 (nay là QL1), C 203 ở vùng An Phú Thuận áp sát Sân bay Vĩnh Long.

Riêng đại đội còn lại là C 205 được giao nhiệm vụ bám trụ vùng Tân Nhuận Đông nằm ven liên tỉnh lộ 8, con lộ nối liền 2 thị xã là Vĩnh Long và Sa Đéc.

Thời điểm này, C 205 có 80 cán bộ, chiến sĩ do Đại đội trưởng Năm Nới chỉ huy, Út Tiên làm chính trị viên. Để đơn vị có thể làm tốt nhiệm vụ, tiểu đoàn tăng cường cho họ 1 trung đội pháo được trang bị súng cối 82 ly và 60 ly cùng 1 đại liên.

Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Tươi cũng được ban chỉ huy tiểu đoàn cử xuống theo sát đại đội. Khi bám trụ địa bàn 3 ấp: Cây Da, Ông Yên và Cái Hạt, C 205 cùng địa phương xây dựng ấp chiến đấu có bố trí hầm chông và bãi gài trái nổ, đặc biệt chuẩn bị sẵn hệ thống hầm hào cho khả năng bám trụ dài ngày.

Nhờ vậy, suốt thời gian đứng chân tại đây, đại đội chống địch càn quét đạt hiệu quả rất cao, có trận bộ đội ta dựa vào địa hình quần nhau với địch suốt ngày nhưng thương vong không đáng kể.

Có lần, địch đưa 20 tàu chiến bắn phá và dùng súng phun lửa đốt rụi nhiều nhà cửa, cây cối dọc hai bên bờ sông Nha Mân, nhưng cuối cùng chúng phải rút lui sớm do bị ta bắn hư hại nặng tàu chỉ huy.

Tại đây, 2 ngày 22 và 23/12/1967 có lẽ là các ngày khó quên của cán bộ và chiến sĩ C 205. Lần đó, đơn vị đã phối hợp với một đại đội bạn đánh một cú “phản đòn” tuyệt đẹp gần như xóa sổ một tiểu đoàn địch.

Sự việc bắt đầu vào ngày 22/12, Tiểu đoàn 4 địch phá quy luật hành quân thông thường, không dùng phi pháo dọn đường mà cắt đường tắt bí mật thọc sâu vào vùng đóng quân của đơn vị.

Hơn 15 giờ chiều, ta mới phát hiện chúng thì khoảng một đại đội địch đã chiếm lĩnh được tuyến tiền duyên nổ súng đánh bật toán du kích chốt giữ tại đây, còn 2 đại đội khác của chúng cũng vừa kịp đến nhưng còn ở ngoài đồng trống.

Dù lâm vào thế bị động, bộ đội ta vẫn bình tĩnh dựa vào hệ thống hầm hào sẵn có tổ chức đánh chặn đầu và xuyên hông, đã mau chóng chia cắt được đội hình địch, toán địch đi đầu lọt được vào vườn khi ta tiến công gặp phải các bãi chông mìn lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan bị quân ta tiêu diệt gần hết.

Dù vậy, quân số địch vẫn còn đông và hỏa lực của chúng rất mạnh, đại đội phải rút về phía nam rạch Ông Yên để bảo toàn lực lượng. Sau khi gọi phi cơ ném bom và pháo binh bắn phá dữ dội, địch tràn vào chiếm lĩnh trận địa và tổ chức cụm quân tại chỗ.

Đêm đó, sau khi đưa trinh sát thực địa nắm vững tình hình, Ban chỉ huy D 857 quyết định đưa C 203 phối hợp với C 205 tổ chức đánh tập kích bọn này.

Đúng 2 giờ sáng ngày 23, quân ta nổ súng, địch hoàn toàn bị bất ngờ, ngay từ đầu, ban chỉ huy tiểu đoàn đã bị ta diệt. Như rắn bị mất đầu, quân địch rối loạn.

Đội hình bị quân ta chia cắt, lần lượt tiêu diệt từng mảng. Cả tiểu đoàn địch chỉ còn khoảng 20 tên với vài cây súng cá nhân. Bọn này sống sót được nhờ trốn ra đồng.

Trận “phản đòn” này, D 857 thắng lớn: Tiểu đoàn 4 địch gần như bị tiêu diệt. Ta thu toàn bộ hỏa lực của chúng gồm: 1 DKZ 75, 2 cối 60 ly.

Ngoài ra, còn có 1 máy thông tin PRC 25, 10 máy PRC 10, rất nhiều súng và đạn các loại, trong đó có đại liên và nhiều súng M79, phải dùng 2 ghe tam bản mới có thể chở hết.

Với chiến công trên, D 857 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, đặc biệt đã thực hiện được quyết tâm của lãnh đạo tỉnh là diệt từ 1- 2 tiểu đoàn địch trong chiến dịch mùa khô 1967- 1968.

HỒNG VÂN (Theo quyển “Lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long 30 năm kháng chiến 1945- 1975”)