CLB Mai đẻ vàng

Những người mê kiểng cổ

Cập nhật, 17:13, Chủ Nhật, 12/11/2017 (GMT+7)

NHI ANH

Theo các lão cao niên chuyên về nghề kiểng, việc bứng, di dời các cây có kích thước lớn để làm kiểng mà vẫn đảm bảo cây sống khỏe là việc làm rất tỉ mỉ, công phu. Tuy nhiên, từ cây “thô” chuyển thành cây kiểng đẹp mắt, độc đáo, có giá trị vài chục đến vài trăm triệu là phụ thuộc rất nhiều vào cái nhìn và bàn tay của mỗi “nghệ nhân”.

Những năm gần đây, thú chơi cây kiểng, đặc biệt là kiểng cổ thụ ngày càng chiếm ưu thế. Các giống cây như bồ đề, lộc vừng, sanh, si, sộp,… “có tuổi” được đặc biệt yêu thích. Cũng từ đó, ngày càng có nhiều người “lùng” mua các loại cây này cũng như ra đời dịch vụ chuyên về thú chơi này như di dời, chăm sóc trọn gói đã trở nên phổ biến hơn.

Theo chú Trần Văn Dương (thường gọi là chú Hoàng), nhiều người chơi cây kiểng hiện nay say mê cây kiểng đến độ không nề công sức lặn lội từ Nam ra Bắc để săn tìm cho được những cây “độc”, sẵn sàng đầu tư hàng tỷ đồng mua về những cây kiểng đẹp để chiêm ngưỡng, để trình làng cùng những người có chung đam mê trong các dịp lễ hội, ngày tết.

Nắm bắt được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, chị Lê Thị Trúc Phương (Phường 8- TP Vĩnh Long) cùng hợp sức với các bạn hữu có cùng đam mê, lập nên CLB Mai đẻ vàng. Ngoài kinh doanh mua bán cây kiểng khắp đồng bằng CLB còn chuyên nhận di dời những cây kiểng “cổ thụ”.

Bà chủ nhỏ Trúc Phương chia sẻ: “Nhóm chúng tôi tuy mới thành lập khoảng 2 năm nhưng hầu như đều làm nghề hơn chục năm vì là nghề cha truyền con nối. Trong nhóm, có nhiều người có cùng sở thích, đều kinh doanh nghề kiểng ở nhiều tỉnh khác nhau thuộc miền Tây Nam Bộ”.

Câu lạc bộ Mai đẻ vàng đang hội ý tìm ra phương án di dời cây “khủng” tối ưu nhất.
Câu lạc bộ Mai đẻ vàng đang hội ý tìm ra phương án di dời cây “khủng” tối ưu nhất.

Theo lời chú Dương, ban đầu nhóm chỉ nhận di dời, mua bán những cây kiểng có kích thước vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, qua thực tế có nhiều khách hàng đặt yêu cầu di dời các cây lớn nên: “Mình phải liên kết để hỗ trợ nhau trong những “ca” khó như cây có kích thước quá lớn hoặc cây quý mà bộ rễ lại khó bứng, khả năng sống sau khi bứng thấp. Nhiều người có kinh nghiệm họp lại bàn bạc sẽ tìm ra được phương án tối ưu nhất để vừa đảm bảo di dời được cây mà không làm mất đi giá trị nghệ thuật của nó”.

Theo tìm hiểu, ngày thường các thành viên trong nhóm tự phát triển nghề kiểng của mình. Mỗi người tự đi mua, bán kiểng nhưng mỗi khi có cây cổ thụ thì “alô” là tụ họp lại. Khi di dời thành công các cây cổ thì nhiều người bắt đầu biết đến, dần dần nhóm nhận được nhiều đơn hàng hơn.

Bên ly cà phê cùng nhóm sau khi bứng được cây cổ hơn chục mét bề hoành, chú Dương tâm sự; Dù đã có mấy chục năm làm nghề này nên thừa biết mức độ rủi ro cũng như những khó khăn mà người làm gặp phải, đặc biệt là các cây có tuổi đời hơn tuổi người.

Việc phải dầm mình dưới nước nhiều giờ liền để cắt gọt những cành cây, hay đối với những cây mọc gần khu dân cư lại nghiêng hẳn vào nhà dân thì người làm phải cẩn thận và tập trung cao độ.

Câu lạc bộ thường nhận di dời những cây có kích thước lớn.
Câu lạc bộ thường nhận di dời những cây có kích thước lớn.

Chỉ về cây “cổ thụ” ở Vĩnh Long vừa bứng thành công, anh Hoàng Tín cho biết; Cây mọc ngay bên bờ sông, người ta định cắt làm củi nên nhóm mua lại để làm kiểng. Cây này rễ bám chặt vào đất đá, dính vào nhà dân nên rất khó bứng.

Những cây gần sông, sát nhà như vậy phải lệ thuộc rất nhiều vào thủy triều và hiện trạng nền đất. Chúng tôi phải thay nhau canh con nước, mất 4-5 ngày mới xong 1 cây như vậy. Tính ra, công sức, tiền công vận chuyển, máy móc cộng lại còn nhiều hơn cả giá trị của cái cây, nhưng vì đam mê nên mình phải theo tới cùng.

“Nghề nào cũng cần có đam mê, sự đầu tư, chăm chút và một ít liều lĩnh mới có thể thành công và sống được bằng nghề mình chọn”- chị Trúc Phương chia sẻ thêm

Câu lạc bộ thường nhận di dời những cây có kích thước lớn.Liên hệ: Chị Lê Thị Trúc Phương (0918.009.731)- Câu lạc bộ Mai đẻ vàng (đường Nguyễn Văn Lâu, Phường 8- TP Vĩnh Long).