Vĩnh biệt PGS Văn Như Cương: Hạc trắng dìu thầy về cõi trời xa

Cập nhật, 10:57, Thứ Năm, 12/10/2017 (GMT+7)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã viết những câu thơ tiễn biệt người bạn tri ân Văn Như Cương: “Ông mang râu trắng về trời / Hòa cùng mây trắng rong chơi / Vân phù”.

Sáng nay, 12/10, PGS Văn Như Cương - người thầy lớn của nhiều thế hệ học sinh THPT Lương Thế Vinh - rời cõi tạm về nơi yên nghỉ. Rất nhiều người đã bày tỏ tình cảm biết ơn và tiễn biệt bạn hữu, đồng nghiệp, người thầy đáng kính trước giờ cử hành tang lễ.

PGS Văn Như Cương luôn khẳng định với các học trò rằng
PGS Văn Như Cương luôn khẳng định với các học trò rằng "Trước hết phải là người tử tế". Ảnh: Phượng Nguyễn.

Râu trắng theo mây về trời

Trước giờ phút chia tay, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên kể PGS Văn Như Cương và những người bạn văn nghệ sĩ từng có cuộc hẹn gặp nhau trước ngày thầy mất một tháng. Lúc đó, dịch giả Đoàn Tử Huyến rủ thầy Cương chơi ván cờ. Ông bận về nên ván cờ đó không bao giờ có nữa.

Gắn bó với PGS Văn Như Cương gần 20 năm, khi nghe tin thầy mất, PGS.TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội, viết những dòng thơ xúc động:

“Hạc trắng ơi hạc trắng

Dìu thầy về cõi trời xa

Hát lên những bài hát dịu dàng.

Ru giấc ngủ nghìn năm cho thầy hạc nhé

Hàng nghìn cánh hạc

Hát lời trẻ thơ

Thầy rời cõi tạm

Bay vào thiên thu...".

Những câu thơ đó gợi nhớ đến hình ảnh học trò của thầy Văn Như Cương xếp hàng nghìn hạc giấy với lời cầu chúc mong thầy sớm khỏi bệnh: "Lũ học trò bé thơ gấp hàng nghìn con hạc trắng / Để giữ thầy ở lại mặt đất này". Nó đã trở thành biểu tượng của tình yêu thương của các em dành cho người thầy vĩ đại.

Trong gia đình, con gái út Văn Thùy Dương tiễn biệt bố: “Bây giờ, bố ngủ say rồi, say hơn bất cứ đêm nào. Bố sẽ không bao giờ cảm thấy đau đớn, dù bất cứ lý do gì, không bao giờ phiền lòng nữa. Giấc ngủ của bố giờ đây đầy an lành và ngọt ngào.

Lần đầu tiên, cả nhà được cùng nhau ru bố ngủ. Con gái, con rể đông đủ hết, cháu chắt quây quần bên bố. Không ai khóc vì bố không muốn thế, vì khóc sẽ làm bố lo mà tỉnh giấc... Giấc ngủ ngon hàng đêm của bố đã luôn là mong ước của mẹ, là ước nguyện của chúng con! Giờ này, nó đã đến thật rồi”.

Lễ viếng PGS Văn Như Cương được cử hành từ 10h30 đến 12h30 ngày 12/10 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 12h30 cùng ngày.

Gia đình sẽ dùng số tiền phúng viếng PGS Văn Như Cương để xây trường cho trẻ vùng cao. Ngôi trường mang tên Mầm non Na Ngao tại xã Đồng Tâm (Bắc Quang, Hà Giang).

Số tiền còn lại sau khi xây trường vùng cao sẽ được đưa vào Quỹ tình thương của trường để tiếp tục hỗ trợ những học sinh kém may mắn.

Trước giờ tiễn biệt, nhiều thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh thay ảnh đại diện trên Facebook bằng nụ cười hiền hậu của thầy. Fanpage THCS - THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: Có câu “Võ như Võ Nguyên Giáp, Văn như Văn Như Cương”, nay cặp Văn - Võ huyền thoại đều đã đi về cõi vĩnh hằng.

Không một lời nào có thể diễn tả được sự tiếc thương của biết bao thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh dành cho "ông bụt". Thầy không còn trên thế gian nhưng tiếng thơm còn mãi, là niềm tin, sự tự hào vô bờ bến của nhiều bạn trẻ.

Bảo Linh - cựu học sinh trường Lương Thế Vinh - chia sẻ lại hình ảnh bức thư thầy Cương gửi trong lễ tri ân và trưởng thành: “Tôi luôn nghĩ đây là bức thư thầy gửi riêng cho mình vào lễ tri ân, chứ không phải cho các bạn khác... Mỗi người nhận được bức thư này sẽ có một cách cảm nhận riêng, một cảm xúc riêng, không ai giống ai cả”.

Bảo Linh viết mỗi người chỉ sống trên cuộc đời này một lần và con cảm ơn thầy đã sống 80 năm thơm ngát hương với nhiệm vụ cao cả là xây dựng trường Lương Thế Vinh, đào tạo nên các thế hệ học trò thành người.

Tình yêu thương để lại

PGS Văn Như Cương từng viết những câu thơ:

"Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn

Mong rằng toán học bớt khô khan.

Em ơi trong toán nhiều công thức

Đẹp tựa như hoa lại chẳng tàn".

Trong toán có hoa, trong hoa có toán. So sánh hai vẻ đẹp để chúng cùng đẹp lên phải có tài làm thơ và tài làm toán. Ông thầy toán giỏi thơ như “Văn Như Cương” là một trường hợp hiếm gặp.

Trong gia đình sum họp, ông lại viết về tình yêu với những người cháu, chắt:

"Ông yêu cháu nhất nhà

Yêu hơn yêu mẹ cháu

Yêu hơn cả yêu bà

Vì cháu chưa biết nói

Chẳng cãi ông bao giờ".

Với học trò, ông gửi gắm khát vọng qua cuộc trò chuyện được kể lại của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Có lần, tôi hỏi thầy, nếu phải nói vắn tắt về ngôi trường của mình, thầy sẽ nói gì? Thầy bảo: Lương Thế Vinh. Tôi ngạc nhiên. Thầy giải thích: Đó không chỉ là tên một nhà toán học giỏi của nước ta thế kỷ XV, mà cái tên đó còn là phương châm của trường ở thời hiện đại: Lương Thiện - Thế Lập - Vinh Quang.

Vì vậy, học sinh trường Lương Thế Vinh phải là những con người tử tế, lương thiện, biết học tập và suy nghĩ độc lập; để khi ra đời lập thân tốt, vững vàng, dù làm việc gì cũng đem lại vinh quang, vẻ vang cho gia đình, xã hội”.

Đồng cảm với suy nghĩ này, nhà báo Đặng Gia Mẫn - học trò cũ của PGS Văn Như Cương và 11 năm dạy học ở trường Lương Thế Vinh - xúc động nói: "Thầy tôi mất rồi, mọi lời ca ngợi lúc này cũng là vô nghĩa. Vượt lên tất cả trong con người thầy không phải giỏi toán, giỏi thơ văn mà là sự nhân hậu".

Tiễn thầy về nơi xa, tình yêu thương của thầy cho học trò, cho cuộc đời vẫn còn để lại, là động lực, cảm hứng sống cho mỗi người.

 Ảnh: Phượng Nguyễn.
Ảnh: Phượng Nguyễn.

'Tin tưởng vào con người Văn Như Cương'

Năm 1988, GS Phạm Minh Hạc là Bộ trưởng GD&ĐT. Khi nhận thư ngỏ đề xuất thành lập trường tư thục của thầy Văn Như Cương, ông ủng hộ và gửi văn bản đề nghị đến UBND TP Hà Nội.

“Trường Lương Thế Vinh thành lập trên quyết định của TP Hà Nội theo quy định của Nhà nước và có ý kiến từ Bộ GD&ĐT”, ông Hạc thông tin.

Lý giải việc ông không ngần ngại tán thành việc thành lập trường dân lập đầu tiên sau thời kỳ đổi mới, nguyên bộ trưởng cho rằng các nước khác đều đa dạng về loại hình trường, có cả công lập lẫn dân lập. Ông quan niệm hệ thống giáo dục quốc dân phải mở, người dân có quyền lựa chọn mô hình học tập phù hợp con em và điều kiện kinh tế của mình.

"Những năm 60, tôi và anh Cương từng sinh hoạt cùng chi đoàn ở ĐH Sư phạm Hà Nội. Tôi biết anh là người tâm huyết với giáo dục, có trình độ chuyên môn tốt, thực lòng muốn phát triển giáo dục, đem lại cơ hội học tập cho con em. Vì thế, tôi ủng hộ”, GS Phạm Minh Hạc kể.

Cũng theo GS Hạc, sự thành công của PGS Văn Như Cương và trường Lương Thế Vinh thể hiện qua lớp lớp học sinh đã trưởng thành, cũng như hàng nghìn em đang học cách “làm người tử tế” tại chính ngôi trường ấy.

Theo Zing.vn