Tên gọi Thầy Phó có nghĩa gì?

Cập nhật, 05:45, Thứ Ba, 17/10/2017 (GMT+7)

Trong hệ thống địa danh tỉnh Vĩnh Long, trước đây và hiện nay, tên gọi dân gian Thầy Phó được dùng để chỉ địa danh: “yếu khu (tên gọi một địa điểm, căn cứ có tính chất quan trọng, trọng yếu của chính quyền Sài Gòn trước đây) Thầy Phó, chợ Thầy Phó”… Hai địa danh này nay thuộc xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Được biết, sở dĩ tên gọi vùng đất có tên gọi Thầy Phó là gọi theo nghề nghiệp và chức vụ của ông Nguyễn Hữu Tình (?-1932). Bởi ông là thầy thuốc Nam, từng giữ chức Phó Cai tổng của tổng Thành Trị, thuộc huyện Tuân Nghĩa (Tuân Ngãi).

Gọi “Thầy” là vì ông có nghề thầy thuốc; còn gọi “Phó” là vì ông đã giữ chức Phó Cai tổng. Thầy Phó vốn xuất thân từ một gia tộc giàu có, tính tình thẳng thắn, thanh liêm, thương người.

Ông là người có công lập chợ, đứng ra tập hợp người dân xây dựng. Vì vậy, ngôi chợ này cũng được người dân đặt tên chợ Thầy Phó để nhớ ơn ông. Hiện trong dân còn lưu giữ một câu ca dao ghi nhớ địa danh này, nhưng câu ca ở hiện trạng còn đôi chỗ “trúc trắc”:

“Chợ Ngã Năm (Sài Gòn) bán chó, chợ Thầy Phó (Trà Ôn) bán heo.

Thương em, anh giang xuồng lên xuống, lúc nghỉ lúc chèo.

Cả ngày đường xa mưa nắng, em chê phận anh nghèo, thiệt khổ tấm thân anh.”

Ngoài Thầy Phó Nguyễn Hữu Tình, Vĩnh Long còn có một Thầy Phó cùng thời đã có công góp phần cho sự ra đời của “ca Ra bộ”- một bước chuyển quan trọng để đờn ca tài tử bước sang địa hạt sân khấu cải lương. Đó là Thầy Phó Mười Hai Tống Hữu Định (1869-1932).

Gọi là Thầy Phó, vì ông cũng làm Phó Tổng của tổng Bình Long, thuộc huyện Vĩnh Bình và biệt danh “Mười Hai” là thứ bậc của ông trong gia đình.

Thầy Phó Mười Hai còn có công đứng ra lập Hội Văn Thánh và vận động trùng tu, tôn tạo Văn Thánh miếu Vĩnh Long vào những năm 1901-1903. Thầy Phó Mười Hai là một nhân sĩ, đồng thời là một nghệ sĩ và là một nhà thơ.

Ông được người đời ghi nhận có công trong việc bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của tỉnh nhà nói riêng, Nam Bộ nói chung. Trong lúc vận động trùng tu Văn Thánh miếu, ông làm bài thơ vận động có 2 câu đặc tả về sự xuống cấp của ngôi miếu với thời gian: “Trong điện vuông tròn con bóng dọi. Ngoài hiên to nhỏ ngút mây chuyền”, thật hết sức xúc động!

THẠCH THẢO