Nữ pháo thủ

Cập nhật, 20:16, Thứ Bảy, 21/10/2017 (GMT+7)

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại không quân của chúng ở miền Bắc vừa qua, nếu các nữ pháo thủ ở phương Bắc vững vàng bên mâm pháo cao xạ, trong mưa bom vẫn bình tĩnh kẻ những làn đạn thẳng băng vào máy bay của giặc Mỹ đã trở thành những hình ảnh bất tử, thì ở phương Nam đó là các cô gái trong các đội pháo cối ngày đêm vượt qua sự truy cản của địch nã những loạt đạn chính xác vào các căn cứ chúng, lập nên những chiến công vang dội…

Đội nữ pháo binh Long An. Ảnh tư liệu
Đội nữ pháo binh Long An. Ảnh tư liệu

Nữ pháo thủ phương Nam

Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy ở toàn miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968, nhiều đội nữ pháo binh ở khắp các chiến trường Nam Bộ đã ra đời.

Đó là những đơn vị rất đặc biệt trực thuộc các huyện đội được biên chế gọn nhẹ từng tiểu đội đến đại đội toàn là nữ, chuyên sử dụng súng cối vừa làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền vừa là những đơn vị chiến đấu thực sự. Điều thú vị là các cô hầu hết còn rất trẻ, có cô vừa mới qua tuổi trăng tròn.

Nhiều người chỉ mới biết đọc biết viết nhưng khi lấy các phần tử bắn lại rất chính xác, địch phản pháo vẫn bình tĩnh xử lý tình huống… Nhiều đơn vị đã lập được các chiến công lớn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân địa phương.

Đội nữ pháo binh 8 Tháng 3 của Tỉnh đội Lâm Đồng (Tây Nguyên) được nhiều người nhắc đến, đội có biên chế 60 người toàn nữ, có 20 cô là người dân tộc Ma, K’ho,…

Trong 6 năm chiến đấu, đơn vị đã đánh trên 50 trận, diệt gần 300 tên địch, bắn cháy 4 máy bay, 50 xe quân sự và nhiều khí tài của địch.

Đỉnh cao là trận đánh phối hợp với Đại đội 200 tại Di Linh đêm 11/9/1969. Trận này, các nữ pháo thủ bắn 160 quả đạn vào trận địa kiềm chế hoàn toàn Trung đoàn 53 của địch, tạo điều kiện cho đơn vị bạn diệt trên 200 tên địch.

Riêng đội đã bắn chính xác xóa sổ bộ chỉ huy trung đoàn này, diệt và bắt sống 93 tên địch. 40 cô gái- tức hai phần ba quân số của đơn vị- đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Ở miền Đông Nam Bộ, Đội nữ pháo binh Bến Cát (Bình Dương) nổi tiếng với khả năng khá toàn diện. Đội có thể chiến đấu độc lập cũng như đánh phối hợp và còn làm tốt công tác phục vụ chiến đấu, dân vận, địch vận.

Đội có phiên hiệu là C5, biên chế lúc đông nhất có đến 65 cô, được trang bị chủ yếu là cối 82 và 60 ly. Trong suốt quá trình chiến đấu, đội đánh 171 trận lớn nhỏ diệt trên 500 tên địch, thu 82 súng các loại, đặc biệt hạ được 2 trực thăng bằng súng AK vào ngày 20/10/1972.

Ở miền Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Đội nữ pháo binh Châu Thành (Long An) được vang danh với tên gọi quen thuộc là “Đội nữ pháo binh Long An” đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lòng nhân dân ĐBSCL.

Từ một khẩu đội được thành lập ngày 9/2/1968 tại xã Phú Ngãi Trị, đội phát triển thành 3 khẩu đội cối 60 ly với 30 pháo thủ toàn nữ, nhưng đã gieo rắc bao kinh hoàng cho các căn cứ Mỹ trên “vành đai diệt Mỹ” ở Long An.

Trong quá trình chiến đấu của mình, đội đã diệt 475 tên, phá hủy 21 khẩu pháo, 18 xe tăng, xe quân sự cùng nhiều khí tài quân sự khác.

Tại vùng cực Nam của Tổ quốc, cùng thời gian này, hầu hết các huyện của tỉnh Cà Mau đều tổ chức được các trung đội nữ pháo binh và đã lập được thành tích.

Trong đó có thành tích của trung đội nữ pháo binh huyện Đầm Dơi trong trận công đồn Chà Là, chỉ trong 10 phút nổ súng với 21 phát đạn cối, đội đã diệt gọn một trung đội bảo an địch, thu 17 súng.

Đội nữ pháo binh Cái Nước tuy sanh sau đẻ muộn (tháng 11/1972) nhưng chỉ sau 3 năm đã tổ chức đánh 49 trận lớn nhỏ, diệt 2 đại đội bảo an, 1 trung đội thám báo và 125 tên khác, bắt sống 105 tên, thu 191 súng, 10 máy thông tin và đĩnh đạc cùng các đơn vị khác trong tỉnh bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975…

Những cô gái “chân đồng vai sắt” và ý chí thép

Những pháo thủ trên chiến trường thường phải cơ động trong điều kiện phải mang vác nặng nên được mệnh danh là những chiến sĩ “chân đồng vai sắt”, danh hiệu này không ngoại lệ với các nữ pháo thủ.

Khi chiến đấu, ngoài vai trò là một pháo thủ, nhiều lúc họ còn là những chiến sĩ bộ binh thực thụ như trường hợp các chiến sĩ của Đội nữ pháo binh Đầm Dơi trong trận phối hợp công đồn Chà Là kể trên.

Trong trận này, nữ chiến sĩ Lê Hồng Hà (16 tuổi) và Nguyễn Thanh Hồng (18 tuổi) đã cùng trung đội trưởng của mình dũng mãnh vượt qua rào gai đánh sập một góc đồn cho đơn vị bạn xung phong diệt địch.

Ở trung đội nữ pháo binh Thới Bình, chiến sĩ Nguyễn Thị Bê với khẩu B40 đã bám vững trận địa trên kinh Vĩnh Tế, bắn chìm 4 tàu giặc và anh dũng hy sinh.

Một đơn vị pháo có quân số rất ít như Đội nữ pháo binh Châu Đốc (An Giang) do Trịnh Thị Hoa làm đội trưởng đã cùng 3 chiến sĩ là Trần Thị Hường, Nguyễn Thị Lẹ và Mạc Thị Sỏi với một khẩu cối 60 ly cũng đã lập được nhiều chiến công.

Đúng vào ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8/3/1969, các cô đã phải dùng súng AK đánh địch trong một cuộc chạm trán không cân sức.

Cô Sỏi hy sinh, cô Hường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi cũng hy sinh, cô Hoa bị thương bị địch bắt. Địch giải Hoa xuống tàu, người đầy máu nhưng cô pháo thủ vẫn bình thản dựa vào thành tàu cất cao bài hát “Giải phóng miền Nam”…

Nhiều nữ pháo thủ đã tỏ rõ ý chí thép của mình trước kẻ thù, như Dư Kim Hoa- pháo thủ của Đội nữ pháo binh 8 Tháng 3. Khi lọt vào tay địch, bị chúng tra khảo cưa chân 2 lần vẫn không một lời khai báo.

2 đồng chí khác của cô là người dân tộc khi chiến đấu bị lạc trong rừng 25 ngày, người chỉ còn da bọc xương nhưng vẫn giữ nguyên vẹn 2 khẩu súng của mình.

Bọn địch tại địa phương rất khiếp sợ đơn vị này nên khi chúng bắn chết chị Lê Thị Pha- chính trị viên của đội- đã hèn hạ buộc tóc chị vào sau xe Jeep kéo lê xác khắp thị trấn Bảo Lộc để trả thù.

Hay như nữ pháo thủ tên Giang của Đội nữ pháo binh Bến Cát chiến đấu với địch đến hết đạn. Khi bọn chúng gọi hàng, cô đã dõng dạc: “Đội nữ Bến Cát chỉ biết diệt giặc, không biết đầu hàng!” và chấp nhận bị địch đâm chết…

Khi người phụ nữ bị buộc phải cầm vũ khí, ngoài các danh hiệu cao quý được Nhà nước ghi nhận như danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đội nữ pháo binh Bến Cát và Đội nữ pháo binh Long An;

đặt tên Lê Thị Pha cho một ngôi trường ở thị trấn Bảo Lộc; dựng tượng đài cho Đội nữ pháo binh Châu Đốc ở chân núi Sam;

xây nhà tưởng niệm cho các liệt sĩ của Đội nữ pháo binh Long An ở xã Phước Tân Hưng…. thì có giá trị nào hơn là tình cảm của nhân dân dành cho họ, được thể hiện rất rõ trong bài thơ “Các em đi” của nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu tặng Đội nữ pháo binh Long An:

“Các em đi/ Nòng pháo in ráng chiều cháy đỏ/ Xóm dưới làng trên/ Các má, các ba tần ngần trước ngõ”, “Nhưng từ ấy các em đi/ Chiến trường xa vui chiến đấu mãi chưa về/ Và những chân trời đêm đêm chớp lửa/ Quê hương nhắc tên em từng ngày từng bữa/ Khế chín gọi chim về/ Me dốt rụng đầy sân…”.

HỒNG VÂN