Phong trào Đông Du ở Vĩnh Long ý nghĩa- bài học lịch sử

Cập nhật, 07:10, Thứ Hai, 18/09/2017 (GMT+7)

LTS: Phong trào Đông Du ở Việt Nam cách đây hơn 100 năm (1905- 1908). Do bụi phủ thời gian, tư liệu ở trong nước và nước ngoài chưa sưu tập đầy đủ, song đã có nhiều trang sách, hồi ký, tiểu sử, khảo cứu về Đông Du.

Nhân tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị hội thảo khoa học phong trào Đông Du ở Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long trân trọng giới thiệu bài viết 2 kỳ của đồng chí Trương Công Giang- nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Kỳ 1: Duy Tân hội với phong trào Đông Du

Từ trước đến nay, giới nghiên cứu sử học Việt Nam thường gọi phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX là phong trào Duy Tân- Đông Du, gọi như vậy là đúng. Vì Đông Du là con đẻ của Duy Tân hội. Có thể khẳng định không có những hội viên tích cực hoạt động khắp 3 kỳ (Bắc, Trung, Nam) của Duy Tân hội thì không thể có phong trào Đông Du.

Sự thành lập Duy Tân hội

Sau hơn 3 năm Phan Bội Châu ra sức vận động từ Nam ra Bắc, gặp các nhà yêu nước thời Cần Vương, các sĩ phu nhân sĩ, các nhà khoa bảng, liên kết với những người có cùng chí hướng, có tinh thần dân tộc, khi cảm thấy chín muồi.

Vào ngày hè tháng 4/1904 tại Nam Thịnh sơn trang, một trại sản xuất nông nghiệp của Tiểu La Nguyễn Thành (thuộc phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), Phan Bội Châu đã mời các đại biểu họp bàn nhằm lập ra một tổ chức cách mạng có tên gọi là Duy Tân hội.

Cuộc họp có khoảng hơn 20 người, được coi như hội nghị lần thứ nhất lập ra một đảng cách mạng với mục đích: đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục nước Việt Nam độc lập. Với mục đích đó, hội nghị đề ra 3 nhiệm vụ:

1. Phát triển thế lực, chiêu đảng viên cho đông thêm về người và tài chính.

2. Chuẩn bị lực lượng bạo động, hành động sau khi lệnh bạo động phát ra.

3. Xuất dương cầu viện, xác định phương châm và thủ đoạn xuất dương.

3 nhiệm vụ trên được giao cho 2 nhóm, 2 nhiệm vụ đầu giao cho hội viên 3 kỳ thực hiện. Nhiệm vụ thứ 3 giao cho Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành bàn kín thực hiện.

Đầu năm 1905, chương trình kế hoạch hoạt động của Duy Tân hội từng bước được thực hiện ở cả 3 kỳ.

Sau khi Phan Bội Châu bí mật xuất dương rồi về lại trong nước lần thứ nhất mang theo tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử” được phổ biến rộng rãi, số lượng hội viên Duy Tân phát triển nhiều được chia ra phụ trách từng tỉnh, đến khi phát triển nữa lại có sự phân công từng địa bàn huyện (hoặc phủ).

Cũng năm 1905, ở mỗi miền hình thành trung tâm tuyển chọn người đi du học. Tại Nam Kỳ có các trung tâm Sài Gòn- Gia Định, Vĩnh Long, Sa Đéc (Đồng Tháp).

Đến năm 1906- 1097, sự phân công hoạt động của các hội viên Duy Tân ngày càng mở rộng tùy theo khả năng của từng hội viên đảm trách công việc:

- Tuyên truyền phát triển hội viên.

- Buôn bán kinh tài cho hội.

- Quyên góp tiền ủng hộ học sinh Đông Du.

- Mua sắm chuyên chở vũ khí, dạy và học võ thuật.

- Mở trường lớp bồi dưỡng nhân tài, truyền bá tư tưởng mới.

- Vận động thanh niên xuất dương.

- Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục mê tín lạc hậu.

- Tu thư, dịch thuật, in ấn, phát hành tài liệu.

Hội viên hội Duy Tân liên kết với nhau theo một chí hướng là “Đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục nước Việt Nam độc lập” nên ai có tinh thần yêu nước thì gia nhập, không kể giàu nghèo, lương hay giáo, trai hay gái, già hay trẻ… tùy theo khả năng, hoàn cảnh điều kiện của từng người mà hoạt động theo mục đích trên.

Thống kê chưa đầy đủ ở cả 3 miền, Duy Tân hội có khoảng 250 hội viên (không kể du học sinh). Trong số này có rất đông người về sau bị địch bắt giam cầm tại các nhà tù Côn Đảo, Ban Mê Thuột, Kon Tum, Đắc Tô, Sơn La, Lao Bảo, Hỏa Lò, Lao Thừa Thiên, nhà lao Hội An, nhà lao Vinh… hoặc bị lưu đày biệt xứ.

Vài nét về phong trào Đông Du

Được giao nhiệm vụ, ngày 20/11/1905, cụ Phan sang Nhật cùng với Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính. Chuyến xuất ngoại này đã mở rộng tầm nhìn cho cụ Phan. Cụ gặp được Lương Khải Siêu- một nhân vật có tư tưởng cải lương của Trung Quốc ở đất Phù Tang.

Cuộc bút đàm giữa 2 người đã gợi cho cụ Phan nhiều ý: Không chỉ làm cách mạng bạo động mà còn phải thức tỉnh lòng yêu nước cho đồng bào, nâng cao dân trí, chấn hưng kinh tế, lập các đoàn thể, nông dân, nhà buôn, hội học sinh… làm cách mạng giải phóng dân tộc cần phải có sự đồng tình ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, còn vấn đề độc lập thì “Quý quốc chớ có lo không có cơ hội”.

Không nên để cho quân Nhật vào Việt Nam, mà chỉ quan hệ mặt ngoại giao, không nên cầu viện mà chỉ nên chuẩn bị cho nhân dân sẵn sàng chờ đợi khi có cơ hội. Quân Nhật đã vào Việt Nam thì quyết không có lý do gì đuổi họ ra được.

Những lời phân tích của Lương Khải Siêu và một số chính khách người Nhật đã làm cho cụ Phan tỉnh ngộ, cụ nói: “Óc tôi mở rộng, mắt tôi sáng ra, nghĩ lại những tư tưởng cũng như hoạt động của tôi trước kia thực là lông bông không có điều gì khả thủ”.

Tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử” được ra đời mấy tuần lễ sau đó. Từ nhiệm vụ xuất dương cầu viện đã chuyển thành phong trào xuất dương sang Nhật “cầu học”. Đó là phong trào Đông Du.

Để thức tỉnh lòng yêu nước đứng lên giành độc lập dân tộc, từ năm 1905- 1908, cụ Phan Bội Châu đã viết các tác phẩm: “Việt Nam vong quốc sử”, “Tân Việt Nam và gọi hồn quốc dân”, “Việt Nam quốc sử khảo”… Trong đó khởi ngữ bài văn “Ai cáo Nam Kỳ và Hải ngoại huyết thư toàn biên” có câu:

“Thương ôi lục tỉnh Nam Kỳ

Ngàn năm cơ nghiệp còn gì hay không

Mịt mù một dải non sông

Hỡi ai ai có đau lòng chăng ai!”

Lời huyết lệ gởi về trong nước

Kể tháng ngày chưa được bao lâu

Liếc xem phong cảnh năm châu

Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ

Đó là những hồi kèn giục giã một thế hệ đứng lên chống giặc cứu nước.

Giai đoạn 1905- 1908, Duy Tân hội và cụ Phan đã đưa sang Nhật học khoảng 200 người. Theo thống kê của cụ Phan thì Nam Kỳ có hơn 100 người, Trung Kỳ có khoảng 50 người, Bắc Kỳ có hơn 40 người, cụ thể là:

Nam Kỳ

Trung Kỳ

Bắc Kỳ

Tỉnh

Số người

Tỉnh

Số người

Tỉnh

Số người

Vĩnh Long

Đồng Tháp

Trà Vinh

Cần Thơ

Kiên Giang

TP Hồ Chí Minh

Long An

Chưa xác định

Cộng

23

9

3

2

2

4

1

13

57

Thanh Hóa

Nghệ An

Hà Tĩnh

Thừa Thiên Huế

Quảng Nam

Quảng Ngãi

Bình Định

Chưa xác định

Cộng

5

32

13

2

7

3

1

4

67

Hà Nội

Hà Tây

Nam Định

Thái Bình

Bắc Ninh

Hưng Yên

Hải Phòng

Chưa xác định

Cộng

6

4

8

1

4

2

4

7

36

Tổng cộng 57 + 67 + 36 = 160

 

Ngày 22/11/2002, Đồng Tháp tổ chức hội thảo khoa học nhà nho yêu nước Nguyễn Quang Diêu. Tháng 9- 10/2005, Nghệ An, Thừa Thiên Huế hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du (1905- 2005). Ngày 7/3/2006, TP Cần Thơ hội thảo phong trào Đông Du ở miền Nam. Năm nay, tháng 9/2017, sẽ hội thảo khoa học phong trào Đông Du ở Vĩnh Long. Mỗi nơi kỷ niệm với chủ đề riêng, nhiều bản tham luận khoa học tốt cung cấp nhiều tư liệu quý, có những phân tích mới mẻ sâu sắc về vai trò, ý nghĩa lịch sử của phong trào, tính tiên phong của thời đại, vấn đề ngoại vong trong chiến lược cứu nước, về yếu tố dân chủ… tất cả đã giúp ta tái tạo bức tranh lịch sử phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX ở nước ta.

 

(Còn tiếp)

  • TRƯƠNG CÔNG GIANG