Tín Đức- người nghệ sĩ tài hoa

Cập nhật, 08:08, Chủ Nhật, 13/08/2017 (GMT+7)

Tài năng, đam mê, thăng trầm của cuộc đời, những rung động tinh tế cùng cái nhìn sâu sắc trước mọi khoảnh khắc đời sống… tất cả đã vang ứng cộng hưởng tạo nên âm nhạc, những bức vẽ và cả những sáng tác văn chương của Tín Đức.

Người nghệ sĩ tài hoa ấy là một trong rất hiếm hoi của đội ngũ sáng tác vùng ĐBSCL có tranh “đứng” được ở các phòng tranh ở các thành phố lớn trong nước và quốc tế.

Lương Tín Đức cùng các học trò trong lớp dạy vẽ và dạy đàn.
Lương Tín Đức cùng các học trò trong lớp dạy vẽ và dạy đàn.

Lương Tín Đức sinh năm 1953 tại Long Châu (nay là TP Vĩnh Long). Từ nhỏ, ông đã đam mê và bộc lộ năng khiếu âm nhạc.

Vào những năm học lớp 10, 11, ông đã là tay trống quen thuộc ở các phòng trà. Mon men theo con đường âm nhạc, học hỏi từ bất cứ đâu, bất cứ người nào có duyên gặp gỡ, từ một tay trống, Tín Đức được tin tưởng giao cho vị trí solo guitar trong ban nhạc.

Đến năm 20 tuổi, Tín Đức theo học khóa sáng tác tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (Nhạc viện TP Hồ Chí Minh ngày nay).

Từ sau năm 1975, ông về công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin Vĩnh Long, thời gian này, ông lại đột ngột rẽ hướng sang hội họa khi cơ quan cử đi học bồi dưỡng âm nhạc thì ông lại lén thi vào ĐH Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh.

Mồ côi cha mẹ từ khi còn rất bé, Tín Đức tự an ủi mình, tự lấp đầy khoảng trống do thiếu vắng tình cảm của đấng sinh thành bằng âm nhạc, bằng hội họa, bằng việc kiên trì theo đuổi đến cùng đam mê nghệ thuật.

Sinh ra và lập nghiệp trên mảnh đất Vĩnh Long, trái tim và đôi mắt nhạy cảm của người nghệ sĩ luôn hướng về nơi có dòng sông Tiền, sông Hậu- nơi vun bồi phù sa cho cây trái xum xuê, nơi mang dòng nước ngọt tưới mát tâm hồn.

Vì thế, đề tài xuyên suốt được Tín Đức yêu thích trong các sáng tác của mình là quê hương đất nước, nhất là dòng sông quê. Ông cười hề hề nói: “Mình sinh ra bên dòng sông này, dĩ nhiên phải hiểu và dùng cả trái tim để vẽ nên nó”.

Trong “gia tài” hơn 100 bài hát, Tín Đức đạt nhiều giải thưởng quốc gia: Huy chương vàng ca khúc viết về nông nghiệp, Huy chương bạc ca khúc chính trị…

Vào những năm 1980-1990, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã thu âm 2 album nhạc do ông sáng tác gồm album “Tình yêu đến” và “Giai điệu mùa xuân”. Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng thu âm một số ca khúc như: “Bài ca cho quê hương”, “Dòng sông quê tôi”…

Tín Đức cho biết hội họa có vị trí rất đặc biệt trong ông. Ông từng nói: “Từ sự thu nhận và truyền lại những rung động các hình ảnh từ thị giác rồi xuyên qua trí não, hội họa có thể chuyển hóa, giải trừ những muộn phiền, mệt nhọc, căng thẳng trong công việc thường nhật để mang đến niềm vui trong cuộc sống hay sự tĩnh lặng cho tâm hồn”.

Từ năm 1989, Tín Đức là họa sĩ đầu tiên ở vùng ĐBSCL có tác phẩm triển lãm ở phòng tranh Tự Do- một trong số những phòng tranh lâu năm nhất ở Sài Gòn.

Là người chuyên về vẽ tranh sơn dầu, đã có khoảng thời gian dài tranh của ông khá u uẩn, “gồ ghề” như chính những thăng trầm, lận đận trong cuộc đời. Những mảng màu, đường nét có gì đó “chểnh mảng”, chừng như vô định, như giấu kín nỗi niềm nặng trĩu. Đó là những gam màu buồn từ cuộc sống đã bước vào trong tranh, như sự kiềm hãm sự “bung phá” sức sáng tạo của nghệ sĩ.

Điểm dễ nhận thấy nhất trong những năm gần đây, sáng tác của Tín Đức có sự chuyển hướng rõ rệt. Vẫn cái chất đó, vẫn bản sắc đó, nhưng tư duy sáng tạo mạnh mẽ hơn, “bay” hơn và cái “hồn cốt” của tác phẩm sang trọng hẳn lên.

Đặc biệt Tín Đức thể hiện thế mạnh ở thể loại bán trừu tượng, tương đối “dễ chơi” cho nhiều đối tượng sưu tầm tranh trong và ngoài nước.

Đó cũng là lý do, tranh của Tín Đức thường xuyên xuất hiện ở các phòng tranh tại TP Hồ Chí Minh và vượt ra khỏi Việt Nam đến Singapore, Thụy Sĩ, Pháp,…

Dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của ông là tác phẩm “Lũ tràn bờ Cửu Long” đã đạt giải thưởng danh dự trong khu vực 9 nước lưu vực sông Mekong, được triển lãm và BTC lưu giữ tại Thái Lan.

Tín Đức còn có những công trình thiết kế và trang trí ấn tượng tại Khu du lịch Trường An, Công viên TP Vĩnh Long... Hòn non bộ lớn tại công viên thành phố chính là tác phẩm của ông trong thời kỳ đầu tham gia tạo hình non bộ.

Trong suốt những năm tháng theo đuổi nghệ thuật, Tín Đức không chỉ là người mang đến những tác phẩm có giá trị mà ông còn là người góp công lớn trong công tác ươm mầm cho lực lượng kế thừa. 4 năm dạy ở trường khuyết tật, ông không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người chú cùng các em vượt qua những mặc cảm hòa nhập với đời.

Hơn 10 năm dạy đàn, dạy vẽ ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên, ông trở thành người đưa đò giúp các em chạm đến đam mê và mơ ước.

Một em khuyết tật đạt giải cao trong kỳ thi vẽ tranh quốc tế, và bức tranh đó được dùng làm bìa một quyển sách giáo khoa; nhiều giải thưởng quốc tế của các em nhỏ khác, gần nhất là giải nhì của em Văn Thiên Toàn trong kỳ thi vẽ tranh về an toàn giao thông ở Nhật,… “tất cả là phần thưởng giá trị nhất của cuộc đời tôi”- Tín Đức nói.

Ông có 3 người con, người tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật, người có phòng tranh riêng, người trở thành kiến trúc sư. Mỗi người một hướng nhưng họ đã và đang viết tiếp ước mơ của ông cũng chính bằng đam mê.

Người nghệ sĩ tài hoa chính là người có rung động tâm hồn mãnh liệt trước mọi vui buồn của đời sống và có khả năng thể hiện những rung động ấy bằng những phương tiện nghệ thuật được nuôi dưỡng bằng đam mê.

 

Lương Tín Đức am tường 10 loại nhạc cụ, chuyên vẽ tranh sơn dầu, có nhiều sáng tác nhạc, thơ, văn. Ông là thủ khoa đầu ra của Khoa Sáng tác tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn năm 1975. Đến năm 1987, ông là thủ khoa đầu vào của ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên thuộc Phân hội Âm nhạc tỉnh Vĩnh Long.

  • Bài, ảnh: QUANG THUẦN- PHƯƠNG THÚY