Tản văn

Thương tiếng ve ngân

Cập nhật, 04:25, Thứ Bảy, 08/07/2017 (GMT+7)

Có lẽ, trong mọi người chúng ta, ai cũng thường yêu thích một vài côn trùng nào đó. Có người thích tiếng dế than, có người thích chuồn chuồn hoặc có người thích những cánh bướm sặc sỡ. Nhưng, tiếng ve ngân thường gắn với kỷ niệm tuổi học trò của nhiều người hơn cả.

Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch, trời đất giao mùa. Những cái nắng chang chang cháy da thịt và một vài cơn mưa đầu mùa xuất hiện cũng là lúc trong tán lá cây um tiếng ve báo hiệu hè về.

Sau khi lột xác, ấu trùng ve trở thành chú ve sầu với đôi cánh mỏng tang, trong suốt đủ sức vững chãi và tung cánh dưới vòm trời bao la.

Ve sầu không có thanh quản do vậy tiếng kêu của chúng không phát ra từ miệng. Âm thanh được phát ra từ một đôi túi kêu nằm ở hai bên, có thể phồng lên xẹp xuống.

Còn tiếng kêu to nhỏ của chú ve được hình thành do sự khuếch đại của màng cộng hưởng âm thanh. Một điều thật lý thú là chỉ có những chú ve đực mới có được tiếng kêu và nhiệm vụ duy nhất của ve đực là tìm được con cái và giao phối. Sau “cuộc tình” chớp nhoáng, ve đực sẽ chết đi.

Để có khoản thời gian ngắn tự do bay lượn và phô diễn “tiếng hát”, những chú ve phải trải qua vòng đời của mình trong nhiều năm trước đó.

Thiên nhiên thật diệu kỳ, ấu trùng ve có thể sống sâu trong lòng đất nhiều năm liền mà vẫn tồn tại. Tiếng hát trong veo và cao vút cũng có cái giá là trải qua nhiều năm “khổ luyện”.

TRẦN THÀNH NGHĨA (Trà Vinh)