10 hoa chiến thắng tạo sắc xuân xứ sở

Kỳ cuối: Điện Biên Phủ- niềm tin quyết chiến, quyết thắng!

Cập nhật, 13:41, Thứ Tư, 28/12/2016 (GMT+7)

Trong lịch sử thế giới hiện đại, cụm từ “Điện Biên Phủ” được nhiều người biết đến với tư tưởng quyết chiến, quyết thắng, gắn liền với 2 thắng lợi lẫy lừng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trước 2 thế lực đế quốc sừng sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Xác máy bay Mỹ (có máy bay B.52) trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam.Ảnh: Internet
Xác máy bay Mỹ (có máy bay B.52) trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam.Ảnh: Internet

Đó là chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ tại thung lũng Mường Thanh (1954) với thực dân Pháp và chiến thắng của “Trận Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 với đế quốc Mỹ.

Nếu như cuộc quyết chiến ở thung lũng Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ phải kéo dài 55 ngày đêm (13/3- 7/5/1954), quân ta với ý chí sắt thép “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “đánh chắc, thắng chắc” mới kết thúc thắng lợi, nhưng tầm vóc của chiến thắng này thì vượt xa biên giới của Việt Nam.

Ngoài ý nghĩa mang tính chất thời đại là khẳng định niềm tin thắng lợi cho các nước thuộc địa trên thế giới trong đấu tranh giành độc lập cho đất nước, ở Việt Nam chiến thắng này còn đánh dấu thời điểm kết thúc thời kỳ Pháp thuộc kéo dài trong khổ đau không những của dân tộc ta mà cả các dân tộc bạn trên bán đảo Đông Dương.

Đó còn là bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, giải phóng miền Bắc, tạo cơ sở vững chắc để tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thì ở “Trận Điện Biên Phủ trên không”, tuy chỉ có 12 ngày đêm ngắn ngủi đọ sức với không lực Hoa Kỳ- không lực hùng mạnh nhất thế giới- chống các cuộc dội bom đánh phá có tính chất hủy diệt tại Thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác bằng con chủ bài chiến lược của chúng là máy bay ném bom B.52, nhưng đây quả là một thử thách đối với quân dân miền Bắc, đặc biệt là ý chí của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó.

Cuộc đánh phá của địch thực sự có ác liệt nhưng không bất ngờ! Bởi ngay từ năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B.52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua.

Nên nhớ, trước khi đến Bàn Môn Điếm ký kết hiệp định đình chiến Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Các máy bay Mỹ đã ném khoảng 36.000 tấn bom trong thời gian ngắn như thế, cho thấy đây là cuộc ném bom lớn nhất, tàn bạo nhất trong chiến tranh Việt Nam.

Trên 1.600 dân thường Việt Nam bị thương vong, nhiều cơ sở vật chất về kinh tế, văn hóa, giao thông, quốc phòng của ta bị thiệt hại nặng.

Nhưng địch đã phải trả với một cái giá rất đắt là uy tín Chính phủ Mỹ xuống rất thấp, nhân dân tiến bộ cả thế giới đều lên án Mỹ, đặc biệt là các lực lượng phòng không và không quân của ta đã anh dũng chiến đấu giáng cho không lực Mỹ một đòn chí mạng: 81 máy bay đi gây tội ác bị bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B.52 (trong tổng số 197 chiếc tham chiến).

Thảm họa này làm Chính phủ Mỹ choáng váng, Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc phải ra lệnh dừng cuộc ném bom, cam chịu thất bại ngồi lại bàn hội nghị Paris chấp nhận ký kết hiệp định trên cơ sở dự thảo mà trước đó họ từ chối, cam kết rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Hơn ai hết, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng nên biết rõ sự thất bại của họ đã an bài, vấn đề còn lại chỉ là thời gian!

Và đánh dấu chấm hết cho mốc thời gian đó chính là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tên đầu tiên là Chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định) làm nên cuộc đại thắng mùa Xuân 1975.

Đây là một chiến dịch tuy có thời gian ngắn (từ 26/4- 30/4/1975), nhưng là một chiến dịch lớn nhất của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, kéo theo cuộc nổi dậy vũ trang của các tỉnh ĐBSCL 2 ngày 1 và 2/5 tiếp đó.

Tinh thần của chiến dịch này là tổng hợp nhiều tinh hoa kinh nghiệm trong chiến đấu giữ nước của ông cha ta: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến, toàn thắng!” (mệnh lệnh nổi tiếng cho chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Kết thúc chiến dịch là sự tan rã hoàn toàn của quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa; Đảng, quân và dân ta hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giữ vững độc lập tự do toàn vẹn lãnh thổ sau hơn 100 năm bị nước ngoài xâm chiếm và chia cắt.

Xét về tổng thể thì kết thúc chiến dịch cũng là kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam- cuộc chiến có sự tham gia trực tiếp của đế quốc Mỹ- nếu tính từ góc độ những hệ quả địa chính trị và tầm ảnh hưởng về nghệ thuật quân sự trên thế giới thì cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ đứng sau 2 cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai vừa qua.

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hình thái chiến tranh cổ điển này cũng lùi dần về quá khứ. Thay vào đó là các cuộc chiến tranh công nghệ cao và phương án đáp trả phi đối xứng như các cuộc nổi dậy, du kích khủng bố, chiến tranh thông tin…

HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)