Người hoa ở Vĩnh Long

Cùng "bình đẳng, đoàn kết, hòa hợp, ổn định và phát triển"

Cập nhật, 05:16, Thứ Năm, 27/10/2016 (GMT+7)

Cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ cũng như ở Vĩnh Long, đã có mặt rất sớm từ những ngày đầu khai phá đất phương Nam; cùng với những cộng đồng dân tộc khác họp sức cùng nhau xây dựng và phát triển.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, cùng với đại gia đình các dân tộc anh em, cộng đồng người Hoa Vĩnh Long đang hướng đến thực hiện phương châm “bình đẳng, đoàn kết, ổn định và phát triển”.

Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thường xuyên thăm hỏi đồng bào người Hoa nhân dịp lễ, tết.
Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thường xuyên thăm hỏi đồng bào người Hoa nhân dịp lễ, tết.

Sống hòa nhập cộng đồng

Tỉnh Vĩnh Long có hơn 1 triệu dân, gồm 19 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Hoa có số dân đông thứ 3 sau dân tộc Kinh và Khmer, với 1.445 hộ/4.879 người, chiếm 0,47% dân số toàn tỉnh.

Người Hoa sống đông nhất ở TP Vĩnh Long gồm 5 bang: Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ, Quảng Đông, Hải Nam.

Theo ông Lê Chí Toàn- Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thì đồng bào người Hoa từ lâu đã sống gắn bó, hòa nhập với cộng đồng các dân tộc và “luôn hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện, công tác xã hội, có nhiều đóng góp cho kinh tế của tỉnh và luôn phát triển theo hướng hòa nhập với cộng đồng”.

Đại bộ phận người Hoa ở Vĩnh Long sống bằng nghề mua bán, kinh doanh dịch vụ với quy mô vừa và nhỏ như: mua bán tạp hóa, sản xuất bánh kẹo, thuốc Bắc, cơ khí, hàn tiện, làm trứng vịt muối…

Song, do nhạy bén, nắm bắt được thời cơ và có nhiều kinh nghiệm, cộng với cung cách làm ăn năng động, nên người Hoa Vĩnh Long từng bước phát huy được năng lực, sở trường trong kinh doanh và trở nên khá giàu với tỷ lệ chiếm trên 50% trong tổng số dân của đồng bào Hoa, 49,61% hộ đồng bào Hoa có mức sống trung bình, hộ nghèo không đáng kể.

Ông Lê Chí Toàn cho biết thêm, ngoài trọng chữ tín trong kinh doanh người Hoa Vĩnh Long còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tích cực làm công tác xã hội để giúp đỡ cộng đồng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Điển hình 5 năm qua, Hội Tương tế người Hoa TX Bình Minh đã vận động ủng hộ quỹ Vì người nghèo, tặng quà, tiền cho bà con nghèo, đau ốm, bệnh tật hàng tháng và vào dịp lễ, tết trên địa bàn thị xã với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Hội Người Hoa huyện Vũng Liêm vận động phát quà cho hộ nghèo được 2 đợt vào dịp tết và lễ Vu Lan gồm 300 phần quà, với tổng số tiền 41 triệu đồng.

Còn Hội Người Hoa TP Vĩnh Long luôn quan tâm tham gia xây dựng các phong trào ở địa phương. Năm 2015, Hội Người Hoa TP Vĩnh Long đã đóng góp 10 triệu đồng cho quỹ Vì người nghèo và tặng gần 300 phần quà cho người nghèo.

Cố vấn Hội Người Hoa TP Vĩnh Long Trương Thạch Sanh cho biết: “Hiện người Hoa ở TP Vĩnh Long không còn hộ nghèo, chỉ còn số ít hộ cận nghèo.

Đây cũng là điều đáng mừng vì cộng đồng người Hoa luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; các chính sách, chủ trương luôn tạo sự bình đẳng, thuận lợi cho bà con hòa nhập, làm ăn, phát triển về mọi mặt”.

Duy trì, phát huy tốt các giá trị truyền thống

Buổi biểu diễn văn nghệ tại Trường Tiểu học song ngữ Việt- Hoa Vĩnh Liên tổ chức.
Buổi biểu diễn văn nghệ tại Trường Tiểu học song ngữ Việt- Hoa Vĩnh Liên tổ chức.

Người Hoa ở Vĩnh Long sống đều khắp ở các địa phương trong tỉnh, xen kẽ với các dân tộc khác như Kinh, Khmer… vì vậy mà trong lễ hội, đám tiệc của người Hoa (Quảng, Tiều, Hẹ, Phúc Kiến, Hải Nam) vẫn còn giữ được nét văn hóa dân tộc nhưng cũng có sự giao thoa với những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc khác, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong văn hóa dân tộc ở Vĩnh Long.

Con em người Hoa khi đến tuổi đều được đi học. Đặc biệt, từ năm 2005, Trường Tiểu học Tư thục song ngữ Việt- Hoa Vĩnh Liên được thành lập tại Phường 1 (TP Vĩnh Long) dạy theo chương trình tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5.

Trong đó, từ lớp 3 đến lớp 5, trường có dạy thêm Hoa văn (8 tiết/tuần) cho con em người Hoa và các dân tộc khác theo học tại trường. Hiện toàn tỉnh có 113 người Hoa có trình độ ĐH, 9 người có trình độ CĐ.

Hầu hết người Hoa ở Vĩnh Long theo đạo Phật. Theo thống kê, tỉnh Vĩnh Long có 24 chùa, miếu của người Hoa, có 2 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là: Minh Hương hội quán (TP Vĩnh Long), Quan Thánh miếu (huyện Long Hồ) và 1 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Thất Phủ miếu (TP Vĩnh Long).

Hàng năm, các di tích này đều tổ chức lễ hội truyền thống đúng với thuần phong mỹ tục, thu hút đông đảo nhân dân và khách tham quan đến chiêm bái, góp phần tạo nên những nét văn hóa, lễ hội đặc trưng cho tỉnh Vĩnh Long.

Theo ông Lê Chí Toàn: “Thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt hơn những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Hoa.

Tích cực vận động người Hoa tham gia các hoạt động đoàn thể chính trị, xã hội, hướng dẫn cộng đồng người Hoa tiếp tục tăng gia sản xuất, kinh doanh để góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh và tạo điều kiện để người Hoa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Thực hiện Kết luận số 07 ngày 20/6/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 62 về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới, đặc biệt là thực hiện phương châm “Bình đẳng, đoàn kết, hòa hợp, ổn định và phát triển”, từ năm 2011 đến nay cộng đồng người Hoa ở Vĩnh Long phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TÂM