Truyện ngắn

Màu xanh còn mãi

Cập nhật, 10:04, Chủ Nhật, 25/09/2016 (GMT+7)
Tấn trao ly cà phê đá cho Tiến tại quán “Đợi Chờ”, trầm giọng:

- Buồn mà chi? Cái gì đến sẽ đến. Bốn năm ở đại học qua mau quá. Mau cũng như buổi họp mặt khóa học hôm nay tại giảng đường Đại học Cần Thơ. Không biết Thanh Mai giờ còn níu kéo gì mà chẳng đến?

- Chẳng có gì vội mà trông. Mai này mỗi đứa một nơi. Kỷ niệm chỉ còn lại quán này của đêm chia tay.

- Bước đường tới Tiến làm gì?- Tấn hỏi

- Còn bạn?- Tiến vặn lại

- Tấn sẽ tìm một công ty nước ngoài để có cuộc sống đảm bảo hơn. Tấn ngán đồng lương ba cọc năm dài chịu đựng của cha mẹ chắt chiu nuôi con. Nhớ mà phát ớn.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

- Tiến lại khác. Trở lại quê hương đi vào nông nghiệp để vực dậy phong trào sản xuất. Cánh đồng lớn của ĐBSCL đang chờ bọn mình trở lại. Dù có muối mắm cơm dưa cũng phải gắn bó như ông cha mình vì nông thôn bám trụ sản xuất không kể đạn bom, sinh mạng.

- Thanh Mai xin lỗi đã đến trễ, do bạn bè níu kéo. Đừng phiền nhé!

Tấn bật dậy sau tiếng oanh trỗi lên, lăng xăng kéo ghế cho Mai ngồi và gọi nước hết sức nhiệt tình đầy nghệ thuật “ga lăng”.

- “Chỉ còn đêm nay nữa thôi…”- Tiến búng ly hát nho nhỏ.

Cả bọn ba người thoáng buồn. Đêm Cần Thơ yên tĩnh quá. Ánh đèn quán hắt ra những sợi sáng vàng cả lòng người trước phút chia tay.

- Thanh Mai cho biết mai này về đâu?- Tấn thỏa mãn câu chơi chữ, mắt hấp háy nhìn Mai.

- Có gì mà lo nghĩ. Mai xin ở lại trường để có điều kiện thì tiếp du học. Ngành công nghệ sinh học đòi hỏi bước chân ra khỏi đất nước nếu muốn tiến bộ.

- Toại nguyện Mai sẽ đi sâu vào ngành nào của công nghệ sinh học vì ngành này không khác gì ngã ba đường. Thành công hay không khi chọn đường mà bước. Tiến tiếp lời với đôi mắt đăm chiêu nhìn vời vợi vào màn đêm như có cái gì xa vắng đang chờ.

- Mai chẳng đắn đo hoặc nhiều suy nghĩ như Tấn đâu để tìm chỗ đứng cho mình. Mai chỉ mong được kiến thức về sinh học sẽ trở lại nông thôn.

Nơi đó, có nhiều cánh đồng, những khu vườn, những trang trại đang chờ con, cây giống.

Ông cha mình đã vì nó mà chịu đựng bao gian khổ, bổn phận bọn mình phải cùng nhau xây dựng nông thôn mới đi lên hội nhập. Hai ông thấy có được không?- Như được khơi trúng mạch, Mai nói một hơi.

- Thế là Tiến có đồng minh rồi. Còn mình sẽ cô độc đi vào hội nhập. Các công ty ngoại có lẽ không quên mình vì khả năng “hội nhập” mình cũng chưa quá tệ. Đêm nay “bái bai”; đêm mai “hội ngộ”.

Mong rằng chúng mình mỗi người có một vị trí ở đời để đứng. Hẹn năm năm tái ngộ cho Mai đi trọn con đường học vấn hướng ngoại để mà…

* * *

- Gì thừ ra như kẻ mất hồn vậy Tiến?

Tiến giật mình, vội đứng lên:

- Dì đến hồi nào mà cháu không hay, thật lỗi quá!

- Có gì mà cháu thủ lễ vậy. Dì Hai chứ ai xa lạ đâu, ngồi xuống đi cháu. Này cháu cho biết những ngày về hợp tác xã chôm chôm này sống có vừa ý không, chứ dì thấy cháu thường có những buổi thừ người dưới gốc cây nhìn xa xôi. Nơi ấy có ai để tìm?

- Không có ai cả- Tiến cười thân thiện- Cháu những lúc rảnh rỗi lại hay nhớ về thời sinh viên chứ có mơ mộng gì đâu.

- Năm năm rồi đó. Cháu về đây, hợp tác xã nhờ những nghiên cứu, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp mà chôm chôm cù lao xứ mình mới được công nhận nào là GlobalGAP, nào là trái chôm chôm hội nhập thị trường quốc tế. Cuộc sống xã viên giờ có thu nhập cao, ai mà chẳng thấy công đóng góp lớn của cháu?

- Ờ, nè… năm năm lui tới đất cù lao, bộ chẳng có cô nào vừa mắt sao mà đến giờ dì chẳng hề nghe cháu dự tính tương lai. Con gái cù lao có học, nết na, cháu thấy thế nào?

- Dì Hai hỏi câu khó trả lời. Con có dám chê ai đâu mà dì cho rằng kén chọn. Tại… tại…

- Khó nói phải hông?- dì Hai thân mật nói- Thôi để từ từ dì tính. Dì giới thiệu thì con khó mà từ chối đó.

Tiến nhìn dì Hai hợp tác xã chôm chôm vừa khuất liếp chôm chôm vào cơ quan mà dâng lên tình thương người đàn bà vui tính, thân mật, chịu khó chịu thương chuyển hàng hợp tác xã đi vào thị trường quốc tế. Dì là người chủ nhiệm đứng mũi chịu sào cho hợp tác xã đi lên.

Dì đối với Tiến có một thân tình đặc biệt đầy nghệ thuật lãnh đạo khiến cho Tiến và mọi người cùng dốc sức đưa đơn vị đi lên một cách tự nguyện.

Bản nhạc chờ điện thoại reo. Tiến bấm máy nghe trước số lạ thì một giọng quen quen nổi lên:

- A lô! Tiến đấy phải không? Tấn đây!

Tiến giật mình vội nói vào điện thoại:

- Tấn đấy à? Sao bặt tin, đổi số vậy? Hiện giờ ở đâu?

- Đang ở TP Vĩnh Long đây. Chiều mình gặp tại quán “Nhớ” được không? Cần Thơ có “Đợi chờ” thì ở đây có “Nhớ”. Đợi đấy nhé!

Thằng bạn lâu năm gần như biệt tăm bỗng hiện tiếng nói qua điện thoại gợi nhớ cho Tiến đêm chia tay cách đây trên nửa thập kỷ tại Cần Thơ.

Năm năm! Hình ảnh Mai vụt hiện trên từng chùm chôm chôm vàng óng ả giữa sóng lá dưới trưa yên lặng.

Làn gió mát rười rượi nhẹ kéo theo tiếng xạc xào lá quyện vào những chùm trái chôm chôm đỏ có, vàng có óng ánh trên những liếp vườn dài dằng dặc. Nhớ vô cùng...

- Có chuyện gì cần nói mà sao Tấn bây giờ lại lặng im thế?- Tiến hỏi.

- Vội gì. Mình thưởng thức tách cà phê của nhà hàng nổi “Nhớ” này dưới trăng vằng vặc trên sông trước đi.

- Chà! Cách bao năm sao ông lại trở nghề mau quá. Trước đây, ông tính toán từng phút ngồi quán. Nay lại hào phóng với cảnh thơ mộng, trời trăng, sông nước, đầy chất thơ tỏa quanh người. Đổi mới thật.

- Đó cũng tại bước giang hồ. Mình theo công ty xây dựng của Đài Loan rày đây mai đó. Hết Nam rồi đến Bắc. Chán Bắc lại vào Trung theo bước công trình. Nay bọn thầu đó rút quân về nước, mình lại phiêu lưu sang công ty dịch vụ thương mại Hàn Quốc.

Bước chân giang hồ có lẽ tạm dừng nên mới đến gặp bạn. Hiện nay công ty này đang thiếu một kỹ sư nông nghiệp để tiếp cận nông dân thu mua những mặt hàng nông sản. Đất lành chim đậu, Tấn về đấy thì lại nghĩ đến ông trước nhất.

- Thế là chừng nào nhận việc. Thủ tục bước vào ngưỡng cửa ngoại có khó khăn hơn nội không?- Tiến buông câu hóm hỉnh thăm dò.

- Đã có mình còn lo nỗi gì? Chỉ cần bạn rời đây hôm nay, mai này có việc ngay. Hợp đồng ký xong thì tháng sau trong túi rủng rỉnh ít nhất hai ngàn đô, chưa nói tiền thêm khi công ty yêu cầu công tác. Mình mới vào nơi đây chưa quá một năm mà lương cũng bốn ngàn đô.

Đó là nhờ thâm niên làm công ty ngoại đấy. Người ngoại quốc họ tính hiệu quả để trả lương chứ không tính thâm niên nghề nghiệp.

Tấn biết bạn là nhân vật giỏi của vườn ruộng mới giới thiệu. Tiến thấy không, bao năm hội nhập mình có cuộc sống không hẳn là thấp; vậy mà, vẫn chịu thua khi bước trong giới thương trường và thượng lưu. Tấn được biết Tiến đã góp phần đưa hợp tác xã chôm chôm cù lao lên hàng cao, xuất khẩu có tầm cỡ.

Nhưng Tiến hãy nhìn lại đi, với đồng lương hiện tại của bạn chưa quá ba trăm đô tháng như thế này làm sao đủ sống, đủ đảm bảo cuộc sống cho “một nửa” của mình. Con gái đời nay thực dụng lắm. Nói thế Tiến cũng đủ hiểu.

- Nghe hấp dẫn đấy. Với mức sống tương đối không hổ mặt xã hội, vậy đến bao giờ ông mới có “một nửa” cho mình?

- Tại mình không muốn. Có khối người sẵn sàng đấy, mình vẫn coi là tình nhân. Cái thú của người vào vườn hoa thì không muốn chiếm hữu một bông hoa nào; mà cũng không muốn bỏ sót một bông hoa nào khi đã ngắm và ngửi. Hiểu chưa?

- Thán phục. Tiến bao năm lặn lội ruộng đồng chưa dám có “tư tưởng lớn” đó để quảy trên vai.

- Này! Đừng nói lý tưởng này nọ với Tấn nhé. Cũ lắm rồi. Hay là còn vương vấn bóng hình Mai. Thú thật với Tiến, có một thời Tấn trồng cây si trước bụi Mai đó, dù biết Tiến cũng léng phéng đến gốc.

Ừ thì chim trời cá nước, ai bắt được thì nhờ. Sau cái đêm chia tay tại quán “Đợi Chờ”, Tấn thấy mình chưa “ngộ” mới si.

Bởi vì Mai cũng là nữ thì không khỏi cái chung của giới nữ thời đại. Lúc Tấn thành công trên bước đường đời, có mấy lần tỏ tình qua facebook với Mai.

Cô ả còn làm cao vì đang thành công trên đường du học. Chuẩn Mai cũng có điều kiện làm “một nửa” cho mình. Mình tin với cuộc sống hiện tại của mình.

Mai không thể làm ngơ. Tiến chớ mơ mộng hảo huyền về Mai. Cô nàng giẫm chân ở ngoại quốc, dưới mắt cô ta không có anh Tiến kỹ sư với lương ba cọc đâu đấy.

- Vậy nhé, coi như mình thỏa thuận. Mai Tiến chuẩn bị, mình đến rước đấy- Tấn nói.

Tiến bắt tay Tấn, một cái siết chặt nồng tình bạn như thuở còn tại Cần Thơ rồi tiếp theo câu từ chối thẳng thừng, làm Tấn tức giận bỏ đi với lời hậm hực “đừng hối vì làm cao nhé”.

Chiếc xe hơi màu xanh đậm kiêu sang của Tấn đã khuất vào cua quẹo con đường phố thị. Tiến ngao ngán trở lại nhà. Người bạn thân nhất ngoài Mai giờ lại có lối rẽ ngày càng xa cách. Vụt vẳng bên tai “Đã quyết không mong sum họp lại/Bận lòng chi nửa lúc chia phôi”(Thế Lữ)… Tiến thấy dần bình tâm.

Sau những ngày trở lại Đại học Cần Thơ dự hội thảo về “Tìm hướng đi cho ĐBSCL” do các vị thầy của Tiến tổ chức để phát động hướng về cánh đồng lớn vận động mạnh phong trào nông thôn đổi mới.

Ba ngày hội thảo ngắn ngủi để lại lòng Tiến nhiều dấu ấn khó phai mờ.

Dấu ấn những vị thầy đáng kính, tuổi vào hàng cổ lai hy vẫn ôm giấc mơ về cánh đồng đưa kinh tế đất nước đi lên.

Những đôi mắt trong xanh của lớp sinh viên kế thừa- nhất là những cặp mắt biêng biếc xinh xinh như những trái chôm chôm cù lao mọng nước đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của các nữ sinh viên đầy tin tưởng khi nghe phong trào hướng về nông thôn mới, Tiến thấy có gì lấy lại niềm tin hơn, sau ngày cùng Tấn chia tay cách đây vài tháng.

Ít ra, lớp trẻ cũng còn những con người biết khước từ thực dụng để dấn mình vào con đường đi thênh thang phục vụ cho Tổ quốc.

Tiến bâng khuâng khi chợt so sánh tuổi trẻ thời cách mạng giải phóng dân tộc với tuổi trẻ hôm nay.

Tuổi trẻ ngày xưa đem tấm thân bảo vệ đất nước; tuổi trẻ hôm nay cũng đem tấm thân khước từ sự cám dỗ của hội nhập.

Người trẻ xưa nằm xuống là anh hùng thời giữ nước; người trẻ ngày nay ngã ngựa coi như nằm xuống lại vì lợi danh, là thành phần gì? Tiến nhắm mắt không dám nghĩ tiếp.

Vụt! Từ đâu sóng lòng dâng trào khi nghĩ đến Mai và lời đánh giá của Tấn về nàng. Tiến lẩm bẩm, không, không bao giờ có một Mai thực dụng như Tấn nghĩ. Mai phải là Mai rạng rỡ của mùa xuân.

Sắc Mai luôn cao quý. Ừ nhỉ, mình có là gì của Mai đâu mà tin Mai ở nước ngoài phải là của mình.

Cũng tại nhút nhát không bạo miệng như Tấn nên đến nay miệng hến chưa mở thì là gì của nhau mà ràng buộc.

Nước Nhật nổi tiếng quan tâm đến đạo đức, xây dựng tốt đạo đức con người, con người của dân tộc họ. Dù vậy, cũng có khối người nước ấy thực dụng, thế này thế khác… Mai ở nơi ấy với thành công học vị tiến sĩ thì có biết...

* * *

Tiến vụt bừng mắt dậy. Lờ mờ trước mắt một hình ảnh quen thuộc chợt hiện. Tiến đưa tay còn lại không bị băng bột dụi mắt, không tin hình ảnh đó đang hiện diện. Một bàn tay nhỏ nhắn nắm nhẹ bàn tay mặt của Tiến tràn trề lời thân thương:

- Ấy chết, chớ cử động mạnh, nghe anh.

Nụ cười trên khuôn trăng rạng rỡ của cố nhân không còn là mộng. Tiến rộn rã sóng lòng:

-“Mai, em đã về, em…

- Nghỉ ngơi đi anh. Em đang bên anh đấy. Mai của anh nè. Vừa rời trường Đại học Cần Thơ là em đến ngay đây. Các vị thầy của mình lo nhiều cho anh đấy. Sao thân thể để ra thế này, hở anh?

- Chuyện dài. Anh sẽ kể. Không sao đâu em. Cánh tay trái của anh bị chấn động. Anh định sau khi băng bó xin xuất viện. Dì Hai không cho buộc anh ở lại cho bác sĩ theo dõi.

Cả tuần rồi đấy. Bác sĩ bảo mọi đi lại của anh nên hạn chế cử động trong thời gian này để tay chóng lành. Có di chuyển nên ngồi xe lăn.

Mai đưa Tiến ra khỏi phòng. Dưới tán cây mát dìu dịu trưa hè thu, Mai nhẹ nhàng vịn Tiến ngồi xuống băng đá và ngồi bên cạnh:

- Cớ sự tai nạn thế nào, em được biết không anh?

Tiến nồng nàn kể lại. Sau ngày chia tay với Tấn, Tiến vùi thân vào công việc cho quên những ý nghĩ trong đầu. Rồi…

- Sao hở anh?- Mai chớp nhẹ làn mi đợi chờ.

Trận bão “Hổ dữ” ập vào Nhật Bổn. Tin báo có một tàu đưa các nhà khoa học trong đó có một số tiến sĩ vừa đăng quang đi thực tế biển bị mất tích trong cơn bão.

Thế giới xôn xao. Tin Mai thì bằn bặt từ điện thoại đến facebook. Một tuần lễ trôi qua. Một tuần lễ đau khổ nhất đối với Tiến. Dì Hai rất thông cảm cho Tiến nghỉ phép để ổn định tinh thần. Tiến lại về Cần Thơ.

Quán “Đợi Chờ” vẫn còn đông khách như thuở nào. Ngồi vào chỗ ngồi hướng ra sông như năm năm về trước, Tiến thấy lòng nặng trĩu. Một hối hận tràn ngập lòng Tiến về một lời nói. Qua trang mạng cũng chẳng nên lời.

Lắm lúc Tiến cốc vào đầu tự bảo sao nhút nhát quá thế. Chỉ vài hàng thôi mà nỗi lòng cũng không viết ra được với người xa. Bây giờ mãi mãi biết bao giờ nói được với cố nhân! Tiến trở về chốn trọ. Con đường mới vừa vào đêm càng đông đúc xe cộ qua lại. Tiến đi với bao ý nghĩ giày vò. Rồi...

Tiến mở mắt thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện trung ương. Dì Hai mừng đến chảy nước mắt, sờ tay Tiến cho biết Tiến trải qua cơn mê một ngày mới tỉnh.

Khi được tin, dì vội sang ngay. Dì sợ… Không báo cho gia đình hay, sợ mẹ Tiến đang cơn bệnh lo mà bệnh thêm.

Nay ổn rồi. Bác sĩ cho biết xương tay trái bị nứt, băng bột thời gian khoảng một tháng thì ổn. Không có gì đáng lo.

Sở dĩ phải lưu lại bệnh viện vài hôm là để kiểm tra lại xem có di chứng gì không sau một ngày mê man. Cũng may, mình không vi phạm luật giao thông nên tránh được những rắc rối. Chuyện là vậy đó.

- Em muốn rõ hơn về cái lơ đễnh thế nào mà vướng tai nạn giao thông vậy, hở anh?

Tiến im lặng nhìn xa xôi. Mai trìu mến:

- Không nói em cũng biết tỏng rồi. Có phải vì tin em bị bão ở Nhật mà ra không? Dì Hai nói hết rồi đừng giấu nữa.

Đôi mắt Mai như dòng thác tình cuồn cuộn rót vào Tiến. Tiến bối rối tránh cái nhìn dịu dàng mà đầy nghiêm khắc như đứa trẻ có lỗi.

- Bây giờ anh nói gì đây chứ. Sao cứ làm thinh. Hèn gì Tấn nói cái tật lớn dẫn đến thất bại ở đường tình của anh là cứ chỉ biết làm thinh. Nếu không vì ai có lẽ em đã vào làm cho một công ty đa quốc gia Hoa Kỳ rồi.

Tiến cầm tay Mai một cách trìu mến, nhẹ nhàng thốt:

- Cám ơn em. Em đang chích mũi thuốc hồi sinh cho anh hôm nay. Anh tin và không bao giờ tin lời Tấn nói. Em hiểu không? Không biết Tấn sau ngày giận dỗi đi biền biệt, cắt mọi giao dịch với anh, bây giờ ra sao?

- Tấn nói xấu em những gì mà anh nói vậy? Hắn đang thất nghiệp, dở chết dở sống vì chạy theo xa hoa thì có. Em được Thủy, cô bạn thân ở Đại học Cần Thơ báo cho biết. Ông ấy bị quả báo vì làm khổ bao thiếu nữ, trong đó có Thủy.

Cuộc ngã ngựa lần này cũng là bài học cho Tấn để làm lại đời mình. Anh nghĩ xem, có công ty tư nhân ngoại nào đến Việt Nam nuôi người lao động có trách nhiệm khi bị thất bại. Một số tập đoàn kinh tế đa quốc gia cũng thế.

Lúc họ bị hạn chế lợi nhuận cần giải thể để rút dù ở ngoài nước họ; họ có tiếc thương gì người cộng tác với họ đâu?

Em không vào làm việc cho các công ty ngoại là thế. Đất nước mình còn nghèo. Hậu quả chiến tranh, sau 40 năm chưa khắc phục hết thì trở lại quê hương là trách nhiệm của du học sinh nam cũng như nữ.

Cái gương xây dựng nước của Nhật, em cũng ít nhiều học hỏi ở đất người. Trường Đại học Cần Thơ trong thông báo lúc em còn ở Nhật, nhà trường sẽ biệt phái em theo đoàn trường đến An Giang khi em về nước; theo chủ trương của lãnh đạo trường hướng về nông thôn mới.

Vùng Thất Sơn còn rất nhiều tài nguyên tiềm ẩn của ĐBSCL, cần hợp tác với địa phương để khai thác. Mừng lắm vì em có điều kiện cống hiến kiến thức chuyên môn của mình cho quê hương em. ĐBSCL, mỗi tỉnh một thế mạnh về tài nguyên nên rất cần nguồn trí lực của Đại học Cần Thơ.

Chủ trương lãnh đạo Đại học Cần Thơ, với những tấm gương thầy hướng về đây mở cho chúng mình và thế hệ sinh viên sau mình một con đường đi xán lạn.- Mai nói một cách đầy nhiệt huyết.

- Nói đi anh đừng giấu kín trong lòng mà lặng thinh như thế. Coi chừng chim không sân đáp lại bay nữa thì đừng trách.

Tiến âu yếm siết chặt tay Mai như không bao giờ buông ra; thì thầm bên tai Mai:

- Anh tưởng đã mất màu xanh ở đôi mắt này vĩnh viễn và một lời còn nợ chưa thốt. Cám ơn em đã cho anh tất cả. Còn câu hỏi của em về muốn biết lời Tấn nói gì, câu hỏi anh về sự bặt tin của em ở Nhật, mình dẹp sang bên để mừng hội ngộ. Ngày khác nói với nhau nhiều được không em?

Không biết từ lúc nào Mai ngã đầu vào vai Tiến. Cả hai cùng im lặng nhìn lên vòm cao. Nơi ấy: Màu xanh còn mãi.

HỮU VĂN (TP Vĩnh Long)