Phiêu lưu cùng "Chú bé đeo ba lô màu đỏ"

Cập nhật, 15:45, Thứ Năm, 22/09/2016 (GMT+7)

"Chú bé đeo ba lô màu đỏ" của nhà văn Nguyễn Đình Tú kể về hành trình lưu lạc từ Bắc đến Nam của một cậu bé 10 tuổi. Từ những khó khăn, thử thách mà cậu phải vượt qua, người đọc thấy quá trình lớn khôn, trưởng thành của nhân vật chính. Ở đó có những chông gai và những thông điệp ấm tình người.

Sách do NXB Kim Đồng phát hành quí II-2016.


Theo ghi chú của nhà văn ở phần cuối sách, tác phẩm được viết dựa trên một câu chuyện có thật. Với chất liệu sống động cùng văn phong mạch lạc, gần gũi, "Chú bé đeo ba lô màu đỏ" đã lôi cuốn độc giả đồng hành cùng Hưng, trong chuyến phiêu lưu ngoài ý muốn.

Câu chuyện xảy ra hơn 20 năm trước, lúc đó cậu bé Hưng sống ở thị trấn Thạch Biên của một huyện miền núi phía Bắc.

Năm lên 10, nhà cậu bị cháy, hai cha con gói ghém hành lý định trở về cố hương Hà Nội sinh sống. Khi qua sông, một cơn lũ bất ngờ ập đến khiến chiếc đò chở cha con Hưng bị chìm, Hưng may mắn dạt vào bờ, được cha con cô Đào cưu mang.

Lạc mất cha, Hưng sống cùng hai cha con cô Đào trên một chiếc đò, mưu sinh bằng nghề bán gốm rày đây mai đó. Tuy nhiên, sóng gió không ngừng xảy ra khiến Hưng bị chia cắt với cô Đào, lưu lạc đến Hà Nội, rồi đến Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh...

Chặng đường phiêu bạt đó đã tạo cơ hội cho Hưng tìm kiếm mẹ mình, người mà theo lời kể của cha, sau ly hôn và chuyển vào Châu Thành, Tiền Giang sinh sống. Kỷ vật duy nhất Hưng có là chiếc đồng hồ quả quýt dán ảnh mẹ.

Theo dõi hành trình của Hưng, người đọc luôn thấp thỏm tự hỏi: liệu phép màu có xảy ra để cậu bé tìm gặp được mẹ, thoát khỏi chuỗi ngày bất hạnh, gian nan?

Những gì Hưng trải qua đã mang lại câu trả lời thú vị. Tuy không có phép màu cổ tích trong đời thực, nhưng xã hội vẫn không thiếu những người tốt, sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang Hưng trong những ngày khốn khó. Họ dù nghèo khó hay khá giả vẫn giúp cậu bằng tấm lòng hào sảng, nhân hậu.

Quan trọng hơn là ý chí và nghị lực của Hưng. Mỗi lần trải qua một biến cố, một tai nạn, Hưng càng khôn lớn, vững vàng hơn.

Cậu không còn khóc lóc, sợ hãi hay hoang mang như lúc đầu mà dần cứng cỏi, bình tĩnh đối mặt với khó khăn. Không chỉ vậy, Hưng còn biết yêu thương mọi người, trân trọng những điều thiện và không thỏa hiệp với cái xấu.

Câu chuyện còn hấp dẫn người đọc ở chất phiêu lưu ký. Từ miền núi xuống đồng bằng rồi ra biển đảo, từ miền Bắc trôi dạt đến miền Trung rồi vào Nam, nơi nào Hưng cũng có những trải nghiệm, những tình huống gay cấn, hồi hộp và những kỷ niệm vui buồn đáng nhớ.

Đặc biệt, chiếc ba lô màu đỏ do người bố thân yêu tặng, gắn bó với Hưng suốt cuộc phiêu lưu là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu thương, cho niềm hy vọng để cậu bé có thêm nghị lực bước tiếp về phía trước.

Hành trình của "Chú bé đeo ba lô màu đỏ" khép lại bằng cái kết nhẹ nhàng, ý nghĩa, để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả. Với tác phẩm này, Nguyễn Đình Tú đã thành công khi lấn sân sang lĩnh vực truyện cho thiếu nhi với cách viết trong sáng, tình cảm.

Trước đây, sở trường của cây bút sinh năm 1974 là những tiểu thuyết về tội phạm, về những vấn đề gai góc của xã hội hiện đại. Một số tác phẩm của anh đã được chuyển thể thành phim, trong đó nổi bật nhất là tiểu thuyết "Phiên bản" dựng thành phim "Hương Ga".

Theo Cần Thơ Online