Chuyện làng văn nghệ

Ba vế đối không đối được

Cập nhật, 20:46, Thứ Bảy, 21/05/2016 (GMT+7)

Trong kho tàng giai thoại văn học Việt Nam có không ít những câu đối ra đời đến hàng thế kỷ mà vẫn chưa có người nào đối được. Ví dụ hai câu sau đây:

- Đến phố mía gặp cô hàng kẹo

Cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường

- Da trắng vỗ bì bạch

Còn sang thế kỷ thứ XX có những người ra vế đối, lẫn người đối cũng bó tay.

Nhà thơ trẻ quá cố Nguyễn Lương Ngọc, đã có thời gian làm kỹ sư thủy lực ở công trình thủy điện Sông Đà với nhà văn Tạ Duy Anh, Vũ Hữu Sự.

Cả ba đều học trường viết văn Nguyễn Du, tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Lương Ngọc về công tác ở Báo Văn Nghệ Trẻ được ít năm thì mất vì tai nạn giao thông. Nhà thơ Phạm Khải cho tôi biết một lần, Nguyễn Lương Ngọc sang lĩnh nhuận bút ở Báo Người Hà Nội (cùng cơ quan Hội Văn nghệ Hà Nội). Biết nhà thơ trẻ Phạm Khải (còn đang công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội) là con rể nhà thơ Lê Hồng Thiện- nổi tiếng viết cho thiếu nhi, Nguyễn Lương Ngọc liền ra vế đối:

- Nhà thơ trẻ lấy con của nhà thơ trẻ con

Nhà thơ Phạm Khải nghĩ đến nửa tiếng cũng đành bó tay và không đối lại được.

Để trả đũa Nguyễn Lương Ngọc, nhà thơ Phạm Khải liền “vác” hai vế đối của nhà văn Hồ Dzính ra, đố bạn đối:

- Hồ Dính (Dzính) dính hồ, hồ chẳng dính

- Vợ cả vợ hai đều vợ cả.

Đọc xong, cả hai nhà thơ trẻ đều rủ nhau ra quán bia cóc gần 19 Hàng Buồm (trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội) lai rai đến gần tiếng đồng hồ cùng tìm lời đối.

Rốt cục hết đến 5 lít bia mà Nguyễn Lương Ngọc cũng không đối lại được, Phạm Khải cũng chịu. Thế mới biết ra vế đối đã là rất khó, đối lại càng khó hơn.

LÊ HỒNG BẢO UYÊN