Phát triển bền vững, hài hòa mối quan hệ kinh tế với xã hội

Cập nhật, 06:09, Thứ Bảy, 03/02/2024 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Trong bài viết quan trọng này, Tổng Bí thư vừa khẳng định, vừa giải thích rõ một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính cốt lõi của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam, đó là “phải gắn nền kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.

Đó cũng là bản chất nhân văn, công bằng của xã hội được phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ưu tiên phát triển kinh tế, không có nghĩa là chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà bỏ qua tiến bộ và công bằng xã hội; không phải chờ đến khi phát triển kinh tế đạt tầm mức trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội mà mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội phải song hành và có mối quan hệ mật thiết, cơ hữu lẫn nhau.

Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là một yêu cầu có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm sự phát triển một cách cân bằng, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Theo đó, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.

NGỌC TRẢNG