Tuổi hưu

Cập nhật, 07:52, Thứ Năm, 13/02/2020 (GMT+7)

Tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Có ý kiến cho rằng không cần khống chế tuổi tối đa của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cơ quan soạn thảo thấy đây là ý kiến tích cực, cần xem xét.

Có 2 vấn đề người dân quan tâm. Đó là đề xuất phương án về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách (35% đại biểu Quốc hội chuyên trách như theo Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành hay là 40%). Đó là việc không cần khống chế tuổi tối đa của ĐBQH khi xét về cơ cấu ĐBQH.

Nếu không khống chế độ tuổi đối với ĐBQH thì có thể thu hút những người gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng có năng lực, có trí tuệ, còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách. Đặc biệt, những vị này có thêm thuận lợi là kinh qua quá trình công tác dài lâu, có nhiều kinh nghiệm nên ắt sẽ có những đóng góp đáng kể cho Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, quy định của luật phải làm sao thu hút được các chuyên gia nhưng đồng thời đã từng công tác ở cơ quan Quốc hội hoặc từng công tác ở các bộ, nếu được thì không giữ chức vụ gì cả chỉ làm ĐBQH, để thu hút chất xám và đặc biệt là kinh nghiệm công tác và trí tuệ của họ, uy tín của họ đóng góp cho hoạt động của Quốc hội. Bà cho rằng nên quy định thẳng vào trong luật là số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất phấn đấu từ 37- 40% tổng số ĐBQH như hướng dẫn của Trung ương và Ban Công tác đại biểu đề xuất trong nhiều khóa là sẽ thu hút được những người đã có kinh nghiệm và các chuyên gia.

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước và đang trên đường dân chủ hóa nên người dân kỳ vọng Quốc hội sẽ có những đại biểu có đủ đức, đủ tài, đủ dũng khí để đại diện cho người dân thông qua những quyết sách phát triển đất nước.

THY HƯƠNG