Tết này, anh không thèm... rượu bia

Cập nhật, 05:37, Thứ Sáu, 31/01/2020 (GMT+7)

Mấy ngày tết vừa qua, khi về nông thôn chúc tết, người viết không còn thấy cảnh bàn rượu “lắt lay” từ trưa đến tối, cũng không thấy cảnh mấy ông chạy xe lạng qua lạng lại vì say xỉn.

Rằng hay thì thật là hay, vì ai cũng ngán cái Nghị định 100, dù trong bụng cũng muốn “lỳ vài lam” cho xôm tụ. Vào bàn rượu, ai cũng viện cớ “phải chạy xe về” nên rồi “nhấp môi” cho “ngọt lưỡi”, cho “ngọt tết” và gia chủ cũng không nỡ nài ép.

Còn ai đã lỡ “mềm môi ngọt lưỡi” rồi thì phải huy động, vợ con, anh em chở về. Khỏi phải nói mấy chị em cười nói hỉ hả vui hơn… tết.

Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn thứ 3 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương xét về sản lượng, dù tổng dân số chỉ đứng thứ 15 thế giới với 96,2 triệu người. Lượng tiêu thụ bia bình quân hộ gia đình tại Việt Nam đã tăng tới 30% trong khoảng 2013-2018, đạt 43 lít/hộ.

Tết thường là dịp bội thu của ngành bia, nhưng doanh số bia của Việt Nam có thể đã giảm tới 25% kể từ khi quy định chặt chẽ về nồng độ cồn có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Và chỉ tính sau 15 ngày ra quân xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã xử lý 6.279 tài xế, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.

Đây được xem là chính sách gây “chấn động” ở một trong những thị trường bia tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng cũng hạp lòng dân nhất, vì tuy mất một nhưng được mười. Đó là sẽ giảm được những thiệt hại “khủng” về con người, về tài sản do người uống bia rượu quá chén gây ra.

Mức xử phạt đủ tính răn đe đã khiến thực trạng uống rượu, bia trong những ngày lễ tết giảm đáng kể. Mong rằng, không chỉ trong những ngày tết mà những ngày thường, Nghị định 100 cũng được phát huy mạnh mẽ.

THY HƯƠNG