Bao lực gia đình

Cập nhật, 05:43, Thứ Ba, 26/11/2019 (GMT+7)

Chúng ta đang thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 (Tháng hành động) được tổ chức từ 15/11- 15/12 hàng năm.

Lễ phát động Tháng hành động trên toàn quốc năm nay đã diễn ra tại Quảng Ngãi hồi trung tuần tháng 11.

Một trong những định hướng quan trọng của việc thực hiện chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới năm 2019 là đặc biệt chú trọng triển khai các hoạt động ở cấp cộng đồng, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc ít người.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự,… và đặc biệt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình.

Những con số về tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp (đạt 27,8% năm 2018, cao nhất khu vực Đông Nam Á) hay tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016- 2021 (27,2%, cao hơn mức 19% của Châu Á và 21% trung bình toàn cầu)… là những ví dụ điển hình của sự chuyển biến đáng ghi nhận ấy.

Nhưng đánh giá một cách khách quan thì các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực và nó dần trở thành như một hiện tượng của xã hội.

Thực tiễn vấn nạn bạo lực gia đình ở nước ta cho thấy: Việc thông tin, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình để nâng cao sự hiểu biết, từ đó làm thay đổi về nhận thức vấn đề là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng dường như chưa được chú ý đúng mức.

Pháp luật đã quy định nhưng lại không đề ra cơ chế cho việc thực thi trên thực tế, mà chỉ quy định chung chung. Vì vậy, cần có những quy định chi tiết hơn về vấn đề này. Ví dụ: cần quy định việc tuyên truyền này như là một trách nhiệm thường xuyên của một cơ quan, tổ chức cụ thể ở từng địa phương, từng cơ sở.

HOÀNG HÀ