Không còn là "cảnh báo"!

Cập nhật, 05:54, Thứ Năm, 02/05/2019 (GMT+7)

Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước siết chặt chất lượng, hạn chế nhập qua đường tiểu ngạch đối với hàng nông sản Việt Nam.

Thông tin cho biết, từ ngày hôm qua (1/5/2019) theo lộ trình, Trung Quốc “siết” thêm các quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Đây cũng là thời điểm nhiều loại trái cây Việt Nam vào mùa thu hoạch rộ nếu doanh nghiệp (DN) không chuẩn bị kỹ sẽ khó bán vào thị trường lớn này.

Theo thông tin báo Nông thôn ngày nay, năm 2018, Trung Quốc đã chi 2,7 tỷ USD để nhập khẩu rau quả từ Việt Nam, chủ yếu là thanh long, xoài, mít, sầu riêng, dưa hấu, dứa, vải, nhãn, khoai lang… qua đường chính ngạch lẫn biên mậu.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí năm 2018, Tham tán Kinh tế thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, nêu con số ước tính tỷ lệ rau quả Việt Nam xuất khẩu Trung Quốc qua đường mậu biên lên đến hơn 60%.

Tuy nhiên gần đây, Trung Quốc đã siết đường tiểu ngạch, hướng nhập khẩu vào đường chính ngạch để quản lý về thuế, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Cũng do chính sách siết nhập khẩu tiểu ngạch của Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, một số địa phương thu hoạch khoai lang, dứa (khóm)… đã gặp cảnh dội chợ, giá rẻ vì thương lái Trung Quốc không mua.

Gần đây nhất, dứa Lào Cai đã không bán sang Trung Quốc được vì mặt hàng này chưa có trong danh sách được nhập khẩu. Một số xe sầu riêng từ miền Tây chở sang biên giới phải quay đầu về bán nội địa vì lý do tương tự.

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, một hội nghị của Bộ Thương mại (cũ) đã gióng lên tiếng chuông “Việt Nam đã quá phụ thuộc vào hình thức buôn bán tiểu ngạch nên khi chính sách biên mậu thay đổi thì xuất khẩu gặp khó” và “các doanh nghiệp cần hạn chế thói quen buôn bán tiểu ngạch, chuyển qua kinh doanh chính ngạch”.

Sau rất nhiều lần, vẫn nghe lại “tiếng chuông” cũ và đến nay không còn là “tiếng chuông cảnh báo” nữa rồi! 

HOÀNG HÀ