Đừng chỉ là phong trào

Cập nhật, 06:00, Thứ Tư, 15/05/2019 (GMT+7)

Cuộc đi bộ tập thể để nâng cao nhận thức và hành động “Đã uống rượu bia thì không lái xe” thu hút hàng ngàn người tham dự, tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Cuộc đi bộ có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn quốc gia Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và hơn 5.000 người là lãnh đạo các cơ quan chức năng, nhân dân, đoàn viên,…

Tại cuộc tuần hành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Mỗi ngày, tai nạn giao thông cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng.

Những người gây ra tai nạn đã có pháp luật xử lý nghiêm, nhưng có lẽ hình phạt nặng nề hơn là sự ân hận, dằn vặt suốt đời vì những nỗi đau họ đã gây ra cho gia đình nạn nhân cũng như chính gia đình mình.

Theo ông, những gì chúng ta đã biết, đã làm, đang làm là chưa đủ bởi hàng ngày, hàng giờ vẫn phải chứng kiến những chiếc “xe điên” do người say xỉn điều khiển, phóng điên cuồng trên đường phố, gây nên những cái chết đau thương.

Trước mỗi trận đấu tại vòng 9 giải vô địch quốc gia cuối tuần qua, 2 đội bóng đầu “chào sân” với băng rôn “Đã uống rượu bia- không lái xe”.

Trước đó, cộng đồng cựu học sinh Hà Nội khóa 1991-1994 với hơn 11.000 thành viên- bạn bè của 2 nạn nhân vụ tai nạn ở hầm chui Kim Liên là Đinh Thị Hải Yến và Trần Thị Quỳnh- đã tổ chức nhiều chương trình như thay ảnh đại diện, dán đề can lên ô tô, xe máy có biểu ngữ “Đã uống rượu bia- không lái xe”, “Không lái xe khi đã uống rượu bia”, “Đã uống, không lái- Đã lái, không uống”...

Đây là một trong những sự kiện lớn nhất được một hội, nhóm tổ chức dưới sự bảo trợ, hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Đó là minh chứng rõ nét nhất cho thấy vai trò của các hội, nhóm, tổ chức xã hội trong phong trào tuyên truyền, lan tỏa thông điệp về an toàn giao thông.

Đồng thời nó cũng cho thấy sự hưởng ứng, khuyến khích bằng hành động cụ thể của Chính phủ, của cơ quan chức năng đối với những phong trào xã hội đúng đắn và ý nghĩa.

Câu hỏi đặt ra là, liệu đây có trở thành một sự kiện đơn lẻ rồi vụt tắt? Để trả lời câu hỏi ấy, mỗi người dân với vai trò hạt nhân của xã hội, của các tổ chức, hội nhóm cần ý thức được trách nhiệm của mình với những vấn đề chung trong cộng đồng, đất nước.

Mong thông điệp “Đã uống rượu bia- không lái xe” không chỉ lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng mà hãy chuyển thành hành động thiết thực, chứ không chỉ dừng lại ở phong trào hay một khẩu hiệu suông.

HOÀNG HÀ