"Cả hệ thống chính trị chống dịch!"

Cập nhật, 05:48, Thứ Ba, 21/05/2019 (GMT+7)

Lo ngại nhất của người nuôi heo ĐBSCL đã đến: Tỉnh Hậu Giang là địa phương đầu tiên của ĐBSCL xuất hiện dịch tả heo Châu Phi (viết tắt là ASF). 

Mới đây, Hậu Giang đã xuất hiện thêm 2 ổ dịch khác; nâng tổng số đến hôm qua (20/5) là 4 ổ dịch. Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã triển khai các biện pháp khẩn cấp khống chế dịch, chôn hủy toàn bộ số heo nhiễm bệnh, đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các địa bàn tiếp giáp. Tính đến nay, tổng số heo mắc bệnh này phải tiêu hủy là 225 con.

Tại hội nghị đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi tổ chức ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và các cấp chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ khi để dịch tả heo Châu Phi bùng phát.

Dịch tả heo Châu Phi là vi rút gây sốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong là 100% đối với heo nhiễm bệnh. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và vi rút này cũng không lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, dịch tả heo Châu Phi đang khiến nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh nợ nần. Các chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng không khỏi “méo mặt” vì những khoản nợ trong dân ngày một nhiều mà chẳng thể đòi.

Nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp khẩn cấp khống chế dịch thì hậu quả, thiệt hại về kinh tế, về môi trường chắc chắn là rất lớn.

Việc phòng chống và tổ chức khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi là công việc cấp bách và rất quan trọng hiện nay, rất cần cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện quyết liệt.

HOÀNG HÀ