Để không ai bị bỏ lại phía sau

Cập nhật, 05:49, Thứ Năm, 18/10/2018 (GMT+7)

Tháng 10/2000, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”.

Có thể nói, qua 18 năm, đây là cuộc vận động rộng lớn, có ý nghĩa chính trị và tình cảm sâu sắc, được thực hiện thường xuyên và thành đợt cao điểm từ 17/10 hàng năm, đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, thực hiện hiệu quả.

Những con số thống kê cũng cho thấy, 18 năm qua, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ hơn 50.000 tỷ đồng cho người nghèo thông qua quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội.

Từ nguồn quỹ trên, đã góp phần hỗ trợ xây dựng gần 1,5 triệu căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về tư liệu sản xuất, hàng ngàn công trình dân sinh…

Nhiều câu chuyện xúc động về lòng nhân ái, về những em chắt chiu tiền mừng tuổi để dành tiền ủng hộ bạn nghèo hay những cụ ông, cụ bà góp chút lương hưu vì người khó hơn mình, những quán cơm nghĩa tình… đang tiếp tục nhân rộng xung quanh chúng ta.

Thế nhưng hiện cả nước vẫn còn hơn 1,6 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo. Đúng với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau”, không bó gọn trong một tháng, mà hàng tuần, hàng ngày, những chương trình, hành động vì người nghèo vẫn liên tục diễn ra.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có cuộc trò chuyện với báo giới đầu Xuân Mậu Tuất nhấn mạnh: Chính phủ đang tiếp tục triển khai có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quan trọng là giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới với tinh thần không ai đứng ngoài việc thụ hưởng các thành tựu tăng trưởng.

Nói cách khác, để mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng thì Việt Nam cần phải tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, phải tăng trưởng “bao trùm”, nghĩa là đất nước phải tiến lên phía trước nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau.

HOÀNG HÀ