Rượu đê- rượu "quê"- rượu độc...

Cập nhật, 08:41, Thứ Năm, 21/06/2018 (GMT+7)

Việc Tòa án nhân dân TP Hà Nội phạt tù 18 tháng nữ chủ cơ sở sản xuất “rượu độc” ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã cho thấy quyết tâm tuyên chiến với rượu không an toàn của cơ quan chức năng.

Theo cáo trạng, nữ chủ này mở “lò” rượu quê truyền thống. Nhãn mác gắn trên các can và chai nhựa đựng rượu được ghi là rượu nếp ngâm hạ thổ gia truyền nhưng không đăng ký sản xuất kinh doanh. Phương thức sản xuất là dùng cồn công nghiệp, rượu sắn, đường, táo mèo, cơm nếp lên men và nước giếng khoan pha trộn với nhau.

Vụ việc bị phanh phui khi một khách hàng bị tổn hại 35% sức khỏe do uống phải 2 chén rượu “dỏm” này. May nhờ cấp cứu kịp thời chứ nếu không thì chẳng biết ra sao, vì những năm gần đây người uống rượu… quê hay nhập viện trong tình trạng hôn mê, tổn thương não, huyết áp tụt và nguy cơ tử vong cao.

Kết quả giám định của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) nêu rõ, các chai rượu bị thu giữ có tỷ lệ thành phần Methanol với hàm lượng từ 37,92- 38,44%. Methanol là cồn gỗ, cồn công nghiệp, rất độc hại và có thể gây tử vong đối với người.

Ở một số tỉnh ngoài Bắc, họ thường biến rượu “đê” (pha chế ngay trên đê) thành rượu… quê nút lá chuối. Với máy bơm, họ hút nước lã lên, xả thẳng vào phuy, trộn cồn trôi nổi, làm ra “mỹ tửu” bán.

Thử hỏi công nghệ nấu rượu không cần lửa thế này có phải là đã và đang bất chấp sức khỏe người tiêu dùng không? 

HOÀNG HÀ