"Chảy máu" bác sĩ

Cập nhật, 06:10, Thứ Bảy, 09/06/2018 (GMT+7)

Vấn đề thời sự gần đây, không chỉ riêng của tỉnh Vĩnh Long mà còn của khu vực ĐBSCL, liên quan đến việc nhiều bác sĩ rời bỏ bệnh viện công lập để tìm “bến đỗ mới” ở các bệnh viện tư.

Câu chuyện thiếu bác sĩ khám chữa bệnh và khó thu hút bác sĩ ở các tuyến bệnh viện công lập, từ tỉnh đến huyện, nhất là các xã nông thôn vùng sâu, vùng xa.

Hay chuyện nhiều y- bác sĩ được đưa đi đào tạo chuyên sâu ở các thành phố lớn rồi… đi luôn, đã từng có. Nhưng sự chuyển dịch bác sĩ từ bệnh công sang bệnh viện tư ngay trên cùng địa phương, khu vực… lại là chuyện đáng bàn.

Ở ĐBSCL, TP Cần Thơ hiện nhiều bệnh viện tư nhân đã đi vào hoạt động từ đa khoa tới chuyên khoa, Vĩnh Long cũng có ít nhất 2 bệnh viện tư sẽ hoạt động trong thời gian tới…

Các bệnh viện khu vực tư nhân không chỉ góp phần chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn, có thêm lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo nhu cầu, mà còn tạo môi trường làm việc, cơ hội tốt cho các bác sĩ mới ra trường.

Hơn nữa, với mức lương cao hơn hẳn bệnh viện tư cũng có sức hút không nhỏ với cán bộ, bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm đang làm việc trong các bệnh viện công lập.

Ở góc độ kinh tế, nói như một cán bộ Sở Y tế tỉnh, hiện nay để có tấm bằng bác sĩ, sinh viên phải đầu tư một khoản tiền gần nửa tỷ đồng, làm việc trong các bệnh viện công lập mức lương năm bảy triệu đồng/tháng rất khó trang trải cuộc sống. Nếu như vậy, bệnh viện công lập sẽ khó thu hút và giữ chân bác sĩ.

Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Hiện nay, các bệnh viện công lập vẫn là nơi chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tin cậy của đại đa số người dân và nhiều bệnh viện công lập tuyến huyện, xã luôn có rất nhiều y- bác sĩ giỏi gắn bó, phục vụ bệnh nhân với tinh thần “lương y như từ mẫu”.

Nhiều người cho rằng, nước chảy về chỗ trũng trong cơ chế thị trường là tất nhiên, nhưng quan trọng, chính quyền và ngành y tế các địa phương phải có hành động, quyết sách như thế nào để giữ bác sĩ ở lại bệnh viện công.

Bởi không chỉ để ngăn và phòng việc “chảy máu” bác sĩ hiệu quả nhất, mà còn thu hút và giữ chân bác sĩ để họ yên tâm cống hiến, phục vụ người dân.

Do đó, rất cần có những giải pháp, chính sách kịp thời.

TRẦN PHƯỚC