Giặc lửa!

Cập nhật, 09:17, Thứ Năm, 23/06/2016 (GMT+7)

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 1634 của Thủ tướng Chính phủ về phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã phê bình 21/63 tỉnh bởi chưa xây dựng và phê duyệt quy hoạch về PCCC trên địa bàn.

Chẳng biết có phải lãnh đạo các địa phương coi nhẹ công tác PCCC hay không, nhưng qua báo chí, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra hàng năm cả về người và tài sản là rất lớn.

“Cháy kinh hoàng tại khu công nghiệp X”; “Lửa tắt, nhà máy thành tro”; “Nhà kho cháy kinh hoàng trong đêm, nhiều người hoảng loạn”; “Lại một quán karaoke ở Hà Nội cháy dữ dội”; “Xe khách 45 chỗ bốc cháy ngùn ngụt...”4 người chết cháy trong cửa hàngY”... là những tiêu đề liên tục xuất hiện trên mặt báo.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm trở lại đây, cả nước đã xảy ra hơn 17.000 vụ cháy nổ ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân và hơn 6.000 vụ cháy rừng, làm chết trên 700 người, gần 2.000 bị thương. Tài sản thiệt hại ước tính trị giá trên 4.000 tỷ đồng và khoảng 43.000ha rừng.

Con số thống kê trên cho thấy hậu quả của nạn cháy nổ là cực kỳ lớn. Trước cơn thịnh nộ của “bà hỏa”, con người có khi trở thành nhỏ bé và bất lực trước ngọn lửa thiêu rụi những gì tích cóp trong cả đời người. Rõ ràng trong bao nhiêu hiểm nguy, tiềm ẩn và rủi ro mang lại từ nhiều phía, thì những sự cố đáng tiếc được cho là do “nhân tai” gây ra là không thể xem thường.

Sau mỗi vụ cháy lớn là những hậu quả đau lòng: người chết, tiền mất, tài sản thành tro..., nhưng xem ra những lời cảnh báo “thủy, hỏa, đạo, tặc” mà cổ nhân răn dạy chưa được người dân, doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

HOÀNG HÀ