"Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới"

Cập nhật, 12:06, Thứ Sáu, 19/04/2024 (GMT+7)
Kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm luôn được tỉnh quan tâm.
Kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm luôn được tỉnh quan tâm.
Đó là chủ đề của Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra từ ngày 15/4-15/5/2024 trên phạm vi toàn tỉnh nhằm kêu gọi các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo đảm an ninh, ATTP, cũng là bảo vệ sức khỏe cho toàn xã hội.
 
Đảm bảo an toàn thực phẩm
 
Trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh Vĩnh Long, trong đó, Sở Y tế là cơ quan thường trực đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn.
 
Trong năm, các sở, ban ngành và đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về ATTP với nhiều hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức về ATTP, ý thức chấp hành pháp luật của các hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn toàn tỉnh…
 
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế những tác hại không mong muốn từ thực phẩm.
 
Các cơ quan chức năng thuộc ngành y tế, công thương, nông nghiệp-PTNT, công an... đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất, phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATTP trong các đợt cao điểm. Tổ chức 515 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP theo kế hoạch và các đợt đột xuất.
 
“Qua đó, đã kịp thời phát hiện xử phạt các cơ sở vi phạm, hạn chế nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Kết quả, năm 2023 và quý I/2024, Vĩnh Long không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm”- bà Hồ Thị Thu Hằng cho biết. 
 
Tuy nhiên, tình trạng thực phẩm nhiễm bẩn, thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn đang lưu hành và diễn biến ngày càng phức tạp. Theo báo cáo của Cục ATTP, tính đến 15/12/2023 cả nước ta ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.149 người mắc và 28 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tăng 59 vụ (89,4%), số mắc tăng 660 người (44,3%), số tử vong giảm 1 người (3,4%). 
 
“Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y cấm hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng, hoặc sử dụng quá liều lượng cho phép. Việc kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh nhỏ lẻ tự phát, không cố định, kinh doanh online trên mạng xã hội…, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội”- Giám đốc Sở Y tế nhận định.
 
Nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn thực phẩm
 
Với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”, Tháng hành động Vì ATTP năm 2024 với các hoạt động như: triển khai chiến dịch truyền thông về bảo đảm an ninh, ATTP; biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP...
 
Để triển khai tháng hành động đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, BCĐ các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP. Qua đó thực hiện tốt công tác kiểm soát, cảnh báo ngăn chặn kịp thời nguy cơ mất ATTP, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Đồng thời, tiếp tục duy trì các hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATTP, nghiên cứu mở rộng hoạt động thanh tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất để cảnh báo kịp thời và áp dụng các biện pháp khắc phục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Các ngành, các cấp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, không để thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường, tăng cường phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, mỗi ngành, mỗi địa phương phải xem công tác đảm bảo ATTP là trách nhiệm chung, không phải là trách nhiệm của riêng ngành y tế; quan tâm quản lý ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, phòng ngừa là chủ yếu”.
 
Ngoài ra, các ngành, các địa phương tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất ATTP để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phát triển các chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn... Đồng thời, công khai thông tin về các thực phẩm, cơ sở sản xuất chưa đảm bảo an toàn; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tốt, các cơ sở sản xuất uy tín, bảo đảm ATTP để người dân có sự lựa chọn tốt nhất trong quá trình tiếp cận và tiêu dùng.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
 
 
Các tin khác: