Mặn có khả năng tăng cao trở lại vào đầu tháng 4

Cập nhật, 07:04, Thứ Năm, 28/03/2024 (GMT+7)

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, từ ngày 2/3/2024 đến nay, các hồ chứa thượng lưu sông Mekong, đặc biệt là thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả nước thấp về hạ lưu, dự báo mặn còn tăng cao trở lại vào đầu tháng 4 tới- kỳ từ ngày 6-12/4, ranh mặn 4‰ có thể vào sâu trong đất liền từ 50-62km từ cửa sông.

Từ ngày 15-21/3, xả nước từ thủy điện này xuống hạ lưu dao động phổ biến trong khoảng từ 639-690 m3/s.

Các hồ chứa trên sông Mekong thuộc Trung Quốc có dung tích điều tiết còn 10,62 tỷ m3 nước, tương đương với 44,7% tổng dung tích hữu ích. Các hồ chứa trên toàn lưu vực sông Mekong còn 49,1% dung tích hữu ích, tương đương 32,13 tỷ m3 nước có thể điều tiết cho mùa kiệt năm nay.

Từ ngày 22-27/3, khu vực ven Biển Đông thuộc vùng ĐBSCL, độ mặn có xu thế tăng nhẹ. Các địa phương trong vùng cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, hạn chế tiêu thoát nước, tranh thủ lấy, trữ nước ngọt để ứng phó với đợt mặn tăng cao trở lại vào đầu tháng 4.

Hiện nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ lúa Hè Thu, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và một số ít ở Vĩnh Long, Kiên Giang, TP Cần Thơ.

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo, các địa phương cần cân nhắc việc giãn sản xuất một số diện tích lúa Hè Thu để góp phần làm giảm nhu cầu nước và hạn chế mặn thâm nhập vào vùng cửa sông ven biển. Tháng 5, tháng 6 dự báo có mưa về, nhu cầu nước bớt căng thẳng, việc xuống giống vào thời gian này sẽ đem lại hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp của toàn đồng bằng.

TRUNG CHÁNH