PHỎNG VẤN PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TỈNH- LỮ QUANG NGỜI

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ

Cập nhật, 05:27, Thứ Ba, 26/01/2021 (GMT+7)

>> Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

(VLO) Hướng về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- về chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2030.

* Trong giai đoạn 2021- 2030, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiều mục tiêu phấn đấu, trong đó những mục tiêu quan trọng nào cần tập trung thực hiện để tạo sự đột phá về kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, thưa ông?

- Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiều mục tiêu phấn đấu, trong đó, các mục tiêu quan trọng mà tỉnh Vĩnh Long cần tập trung đó là: nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Qua đó, góp phần tích cực đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

* Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, xin ông cho biết tỉnh Vĩnh Long có định hướng và giải pháp gì để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, góp phần với cả nước thực hiện đạt mục tiêu, hiệu quả chiến lược quan trọng này trong 10 năm tiếp theo?

- Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “Nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành công thương, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, kết nối tốt với vùng ĐBSCL và các tỉnh- thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tiếp tục giữ vững quốc phòng- an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; kiềm chế, từng bước kéo giảm tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Nâng cao vai trò, hiệu quả tập hợp quần chúng, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội; phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung vào các khâu đột phá:

Một là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao.

Hai là, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch.

Ba là, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.

* Xin cảm ơn ông!

HẢI YẾN (thực hiện)