Lũ nhỏ nhưng đề phòng triều cường

Cập nhật, 13:56, Thứ Sáu, 23/10/2020 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của kỳ triều cường 30 tháng 8 âm lịch (ÂL), ngày 17-18/10 vừa qua, mực nước sông, rạch trong tỉnh lên rất cao, gây ngập một số nơi, nhất là vùng ven các sông lớn, vùng trũng, nhiều tuyến đường giao thông bộ bị tràn, ngập sâu khiến giao thông và sinh hoạt của người dân rất khó khăn. Từ đây đến cuối năm sẽ còn vài đợt triều cường nữa, cần đề phòng, chuẩn bị phương án bảo vệ sản xuất...

Củng cố chắc chắn bờ bao, cống đập để ngăn triều cường bảo vệ sản xuất.
Củng cố chắc chắn bờ bao, cống đập để ngăn triều cường bảo vệ sản xuất.

Mực nước chỉ thấp hơn đỉnh triều năm 2019 đúng 10cm

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, lượng mưa trong lưu vực sông Mekong đã tăng lên do ảnh hưởng của bão số 6 nhưng ảnh hưởng tới vùng ĐBSCL là không lớn.

Đến ngày 18/10, mực nước cao nhất ở đầu nguồn có tăng lên nhưng không vượt mức báo động lũ cấp II (BĐ II): tại Tân Châu lên mức 2,58m, thấp hơn mức BĐI là 0,92m, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (CKNN) là 0,47m; tại Châu Đốc là 2,49m (thấp hơn BĐI 0,51m, cao hơn so với CKNN 0,36m).

Tuy nhiên, ở Vĩnh Long, mực nước thực đo vào sáng 18/10 trên các sông, rạch trong tỉnh lên rất cao, mực nước tại 2 trạm Cần Thơ (sông Hậu) và Mỹ Thuận (sông Tiền) đều vượt BĐIII và chỉ thấp hơn so với mức nước cao năm 2019 (hay gọi là đỉnh triều năm)- năm có mực nước cao nhất từ trước đến nay là 0,1m và đạt mức cao nhất từ đầu mùa mưa năm 2020 đến nay!

Cụ thể: tại Mỹ Thuận: 2,02m (cao hơn BĐIII 0,22m, cao hơn so với đỉnh triều vào rằm tháng 8 ÂL 0,45m, thấp hơn đỉnh triều năm 2019 là 0,1m); tại Cần Thơ: 2,15m (cao hơn BĐIII 0,15m, cao hơn đỉnh triều rằm tháng 8 ÂL 0,37m, thấp hơn đỉnh triều năm 2019 là 0,1m).

Các trạm nội đồng đều vượt đỉnh triều rằm tháng 8 ÂL từ 0,3- 0,37m và chỉ thấp hơn đỉnh triều năm ngoái từ 0,15- 0,2m, như: trạm Phú Đức đạt 1,9m, trạm Nhà Đài đạt 1,82m, trạm Ba Càng đạt 1,78m, Tân Thành 1,83m.

Xu thế triều cường ngày càng cao

Những năm gần đây, tuy lũ thượng lưu không lớn nhưng vùng hạ nguồn ĐBSCL vẫn bị ngập sâu hơn so với trước, nhất là vào các tháng cuối năm (tháng 11, tháng 12) thay vì như trước đây thường xuất hiện vào tháng 9, tháng 10 (trùng thời kỳ lũ chính vụ ở ĐBSCL).

Tại Vĩnh Long, mực nước cao nhất hàng năm tại các trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), Cần Thơ (sông Hậu) chỉ khi có lũ cực lớn (năm 2000- 2002, 2011) mới có thể đạt xấp xỉ và vượt 2m, thì nay hầu như năm nào cũng có thể vượt trên trị số này (cụ thể là vào các năm 2011, 2013, 2017- 2019).

Đặc biệt liên tiếp 2 năm 2018, 2019 đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước, đều vượt mốc lịch sử. Năm 2019, mực nước cao nhất tại Mỹ Thuận đạt 2,12m, tại Cần Thơ đạt 2,25m gây ngập diện rộng, gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Triều cường năm 2018 gây ngập 923,06ha lúa Đông Xuân, 215ha rau màu, 2.080ha vườn cây ăn trái, trên 20ha ao hồ nuôi thủy sản, 9.098 căn nhà, 34 điểm/trường, 229 chuồng, trại chăn nuôi, 13 trụ sở cơ quan và 28 chợ. Công trình thủy lợi có 604 tuyến bờ bao bị tràn, bị sạt lở dài 408,64km; 254 đập bị tràn, sạt lở dài 4,213km; đường giao thông bị ngập 104,33km, bị sạt lở, hư hỏng: 4,520km... Ước tổng thiệt hại 32,679 tỷ đồng.

Năm 2019, triều cường gây thiệt hại ước trên 20,7 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 445,2ha lúa Đông Xuân, hơn 86ha rau màu, 1.230,3ha cây ăn trái, 11,36ha ao hồ nuôi thủy sản và 4.315 căn nhà bị ngập; có gần 330km bờ bao bị tràn (trong đó có 3.941m bị sạt lở), hơn 130km đường giao thông bộ bị ngập...

Dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, từ nay cho đến hết năm 2020, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 4- 6 cơn, trong đó có khoảng 2- 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.

Riêng khu vực Nam Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Điều này sẽ đóng góp tích cực làm tăng lượng nước trong hệ thống sông, rạch vùng ĐBSCL. Do vậy, nếu triều cường kết hợp với mưa lớn xuất hiện nhiều vào các tháng cuối năm sẽ gây bất lợi cho vụ Đông Xuân năm 2020- 2021, nhất là thời gian xuống giống của vụ lúa này.

Cần chủ động khâu thủy lợi

Vụ lúa Đông Xuân hàng năm, trên địa bàn tỉnh thường xuống giống theo 3 đợt. Riêng đợt xuống giống xung quanh con nước mùng 10/10 âl (khoảng giữa tháng 11 dương lịch) và đợt xung quanh con nước 25/10 âl (khoảng cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 dương lịch) thường bị nước “chụp” của những đợt triều cường sau đó, rằm tháng 10 và 30/10 âl.

Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi vào tháng 8/2020, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 64 tiểu vùng kém an toàn nếu mực nước dâng lên cao bằng đỉnh triều cường năm 2019 với (22.570ha) (gồm 7.130ha đất lúa, 12.110ha đất vườn xen thổ cư và 1.180ha đất trồng rau màu). Trong đó, huyện Long Hồ có nhiều nhất với 20 vùng (11.000ha), 4 xã cù lao bị ảnh hưởng nặng nhất.

Nguyên nhân còn tồn tại số diện tích này là vì còn 51 tuyến đê bao, bờ bao (dài trên 236.300m) và 11 đoạn đường giao thông bộ (dài khoảng 59.000m) bao quanh các tiểu vùng có cao trình đỉnh thấp (từ 1,5m đến dưới 2m) hoặc bị xuống cấp, có thể bị tràn.

Ngoài ra, trong vụ Đông Xuân năm 2020- 2021, toàn tỉnh có thể có 5.460ha ngập úng do mưa, lũ, triều cường dâng cao, tập trung ở những nơi đất trũng và vùng có công trình kém an toàn. Cụ thể như huyện Bình Tân (2.000ha), Tam Bình (1.950ha), Vũng Liêm (1.310ha), TX Bình Minh (200ha).

Vì vậy, các địa phương cần lên phương án chống tràn, chống úng bằng cách đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi theo kế hoạch năm 2020 và huy động tất cả máy bơm các loại hiện có để phục vụ cho bơm tát.

Những nơi bờ bao, cống, đập không chắc chắn, cần gia cố lại trước khi quyết định xuống giống; cần tu sửa lại những trạm bơm tiêu điện cố định đã được đầu tư trước đây và tổ chức lại các tổ bơm tát trên địa bàn, dự phòng máy bơm có công suất lớn hơn, có thể cơ động được (loại máy bơm dầu D15 có công suất trên 500 m3/giờ) để phòng bơm tát chống ngập cứu lúa.

Vì những đợt ngập do triều cường trong những năm trước đây cho thấy, nhiều diện tích lúa Đông Xuân mới xuống giống bị ngập lâu và chết là do không thể tiêu thoát bằng tự chảy vì chân triều cao, chênh lệch cột nước trong đồng và ngoài sông thấp. Vả lại phần lớn diện tích ngập đều do dân bơm bằng máy bơm riêng lẻ, công suất nhỏ, nên hiệu quả không cao.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG

 

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG