Cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ: Rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Cập nhật, 11:30, Thứ Ba, 20/10/2020 (GMT+7)

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp mới đây.
Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp mới đây.

Làm việc với 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp về tiến độ triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ (giai đoạn 1) mới đây, Bộ trưởng Giao thông- Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị, địa phương liên quan phải tranh thủ từng phút, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để đến tháng 12/2020 khởi công dự án.

Dự án bị đội vốn

Theo báo cáo, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ có 3 gói thầu. Hiện Cục Quản lý xây dựng đã thẩm định, phê duyệt được 1 gói thầu. Về vốn GPMB cho 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp đã được Bộ GTVT phân khai, tỉnh Vĩnh Long là 785 tỷ đồng và tỉnh Đồng Tháp 127 tỷ đồng.

Báo cáo của BCĐ Đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ tỉnh Vĩnh Long cho thấy công tác thực hiện rất khẩn trương. Khi được giao nhiệm vụ GPMB, tỉnh đã rất quyết liệt, phân công cụ thể vào chương trình làm việc hàng tuần, hàng tháng.

Tỉnh cũng cam kết đảm bảo thi công các phần việc để khởi công đúng tiến độ. Cụ thể, tại TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, huyện Bình Tân, Long Hồ- nơi dự án đi qua, đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư.

Về giải ngân, Bộ GTVT đã có văn bản gửi bộ, ngành liên quan điều chỉnh phân khai kế hoạch vốn của dự án là 715 tỷ đồng (giảm 70 tỷ đồng so ban đầu). Dự kiến, đến cuối 12/2020 giải ngân khoảng 600 tỷ đồng. Khó khăn của tỉnh hiện nay là việc di dời đường điện và không đủ vốn để chi trả cho người dân bị ảnh hưởng dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung cho biết do điều chỉnh dự án nên 30 hộ dân ở xã Thuận An (TX Bình Minh) bị ảnh hưởng.

Ông đề nghị sớm bàn giao mốc để áp giá bồi thường cho các hộ này. Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT bố trí thêm hơn 262 tỷ để bồi thường GPMB và chấp thuận bổ sung phát sinh cho công tác GPMB hơn 500 tỷ đồng; chấp thuận cho địa phương tạm ứng nguồn vốn đầu tư từ dự án để thực hiện 3 khu tái định cư cho người dân ảnh hưởng.

Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị bổ sung khoảng 221 tỷ đồng để bồi thường GPMB cho các hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long- ông Trần Văn Thi, cho hay ban đầu vốn GPMB của đầu tư PPP là 932 tỷ đồng. Khi chuyển sang đầu tư công, Bộ GTVT đã phê duyệt lại hơn 1.315 tỷ đồng, kinh phí dự phòng 515 tỷ.

Song, hiện kinh phí GPMB tăng vốn khoảng 200 tỷ đồng, do đó kinh phí dự phòng giảm xuống còn hơn 300 tỷ đồng thay vì hơn 500 tỷ đồng như trước đây.

Khẩn trương, không thể dây dưa

Bộ trưởng GTVT- Nguyễn Văn Thể cho biết, kinh phí bố trí cho dự án để GPMB năm nay chỉ được 900 tỷ đồng, phần còn lại sẽ bố trí các năm tiếp. Với việc vượt kinh phí GPMB, Bộ trưởng đề nghị rà soát lại, báo cáo kỹ kinh phí GPMB để bộ điều chỉnh kịp thời nhằm tránh tình trạng thiếu vốn xây lắp của dự án.

Về điều chỉnh nút giao ở xã Thuận An (TX Bình Minh) Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng không nên điều chỉnh, vì nếu không cẩn trọng thì phát sinh điểm nóng.

Liên quan đến việc giải tỏa 30 hộ dân, Bộ trưởng đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị chuyên môn họp, tham mưu ngay cho Bộ GTVT xem xét. Đồng thời yêu cầu tập trung bố trí đủ tiền cho tỉnh Đồng Tháp và 3 huyện thị của tỉnh Vĩnh Long (khoảng 900 tỷ) để GPMB.

Riêng 3km ở TP Vĩnh Long thì để sau, vì đền bù phức tạp do liên quan đến đất thổ, nhà cửa, di dời, tái định cư. “Làm sao để 3 huyện thị của tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp có mặt bằng sạch để có ít nhất 90% diện tích khởi công, hết sức khẩn trương không thể dây dưa”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Vĩnh Long được chọn làm nơi khởi công dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị liên quan phối hợp chọn vị trí đảm bảo, giao thông thuận lợi.

“Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày khởi công dự án trong tháng 12/2020. Do vậy, các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt công tác mời thầu, trong quá trình xét duyệt phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định; phối hợp với địa phương chuẩn bị sẵn sàng khởi công đúng tiến độ”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý.

Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long có chiều dài hơn 12km với 1.073 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí GPMB được phê duyệt là hơn 1.315 tỷ đồng. Tỉnh đã được chủ đầu tư chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ, GPMB nhưng không đủ để chi trả cho người dân bị ảnh hưởng. Tỉnh đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo bố trí kinh phí để kịp thời chi trả cho người dân, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng khởi công dự án.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG