Phát huy hiệu quả các công trình ngăn mặn

Cập nhật, 07:14, Thứ Ba, 29/09/2020 (GMT+7)

 

Cống ngăn mặn Vũng Liêm ứng dụng công nghệ hiện đại vừa được khánh thành.
Cống ngăn mặn Vũng Liêm ứng dụng công nghệ hiện đại vừa được khánh thành.

Vừa qua, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp- PTNT) tổ chức khánh thành 3 công trình cống ngăn mặn hiện đại thuộc tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít, trong đó 2 cống: Vũng Liêm và Tân Dinh phát huy hiệu quả ngăn mặn cho Vĩnh Long.

Cùng với các công trình khác trong hệ thống, 2 công trình trên giúp kiểm soát mặn, triều cường, tạo nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459ha đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh).

Tại buổi khánh thành các cống này, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 đề nghị đơn vị tiếp nhận công trình các địa phương nâng cao năng lực quản lý khai thác. Do các công trình cống này ứng dụng công nghệ vận hành tiên tiến, cửa van trục dưới đóng mở bằng xi lanh thủy lực lớn nhất cả nước hiện nay.

Trong khi đó, năng lực quản lý khai thác hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, do đó trong thời gian tới, đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT thành lập đơn vị quản lý khai thác liên vùng để phát huy tốt nhất hiệu quả dự án và đảm bảo an toàn công trình.

Ngoài ra, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 cũng kiến nghị cần tiếp tục bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 để nâng cao năng lực, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo chủ động kiểm soát nguồn nước, cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đồng thời tăng cường khả năng lấy nước trong mùa khô cho vùng Nam Mang Thít thuộc địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh với hơn 200.000ha.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), toàn tỉnh hiện có 4.397 tuyến kinh. 405 tuyến đê bao, bờ bao (bao quanh các ô bao, ô thủy lợi cơ sở) có kết hợp làm đường giao thông. Cống hở, cống tròn và cống giao thông có kết hợp thủy lợi với tổng số 6.135 cống các loại. 17 trạm bơm điện còn hoạt động với công suất 2.500- 3.000 m3/giờ. 554 đập điều tiết kiên cố hóa và 16 tuyến kè kiên cố chống sạt lở. Hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu 100% diện tích đất nông nghiệp, trong đó khép kín chủ động tưới tiêu 94,24% diện tích (tương đương 112.855ha).

Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, hiện Vĩnh Long không có bộ máy quản lý khai thác công trình thủy lợi. Trước đây, Công ty Khai thác công trình thủy nông Vĩnh Long thực hiện nhiệm vụ này nhưng đơn vị đã giải thể nhiều năm.

Đến cuối năm 2019, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp- PTNT (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT) tiếp nhận quản lý khai thác công trình cấp tỉnh theo phân cấp. Đối với cấp huyện, phòng nông nghiệp- PTNT và phòng kinh tế các địa phương lập tổ quản lý khai thác công trình thủy lợi nhưng hiện nhiều huyện đã giải thể tổ này, hiện chỉ còn Vũng Liêm, Tam Bình và Long Hồ. Thực tế hiện nay là cán bộ phụ trách thủy lợi cấp xã do chuyên môn không phù hợp nên việc quản lý vận hành công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn.

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian qua, Vĩnh Long luôn quan tâm, tập trung tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn lực. Trong đó, cống Vũng Liêm được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp- PTNT xây dựng có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh nhà. Hiện tỉnh cần hỗ trợ đào tạo tiếp nhận chuyển giao công nghệ để vận hành công trình hiện đại này và những công trình tiếp theo.

Đến dự buổi khánh thành công trình cống Vũng Liêm mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước tác động của biến đổi khí hậu thì việc điều tiết, kiểm soát hạn, mặn là hết sức quan trọng ở Vĩnh Long nói riêng và cả ĐBSCL.

 Cần đảm bảo năng lực quản lý khai thác để công trình thủy lợi phát huy hiệu quả.
Cần đảm bảo năng lực quản lý khai thác để công trình thủy lợi phát huy hiệu quả.

Các công trình cống ngăn mặn được khánh thành, góp phần kiểm soát mặn, hạn mùa khô trong phạm vi 28.000ha và sinh kế của 1,4 triệu dân trong khu vực. Hy vọng mùa khô tới đây công trình sẽ góp phần quan trọng khắc phục hạn và khống chế mặn, đảm bảo đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực.

Sắp tới, cần có đầu mối tổ chức tiếp nhận quản lý vận hành, khai thác hệ thống thủy lợi, trong khi công trình này áp dụng công nghệ hiện đại, nếu như không đảm bảo vận hành an toàn hiệu quả thì thiệt hại rất lớn. Bộ trưởng đề nghị địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc bộ xúc tiến hình thành mô hình quản trị chung.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, hạn, mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn và những năm tới sẽ khốc liệt hơn nhiều. Đi đôi với giải pháp tổng hợp thì có giải pháp công trình không chỉ phát huy năng lực phục vụ tại chỗ mà mang tầm cỡ liên vùng. Do đó cần có một thiết chế tổ chức, chế tài chung để tập trung chuyên môn hóa, đủ điều kiện nguồn lực, kỹ thuật đáp ứng vận hành hệ thống thủy lợi hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Vĩnh Long đánh giá lại hệ thống thủy lợi trên toàn tuyến, kịp thời duy tu, sửa chữa, đầu tư mới những công trình bức thiết để ứng phó tốt với hạn, mặn, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng yếu tố thượng nguồn, dưới tác động biến đổi khí hậu được hiệu quả.

Xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2020- 2021 từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt tương đương năm 2019 nên tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt.

Tuy nhiên, trong các tháng mùa khô tại vùng ĐBSCL có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có khả năng ít khốc liệt hơn năm 2019. Thời gian xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện sớm từ khoảng đầu tháng 12, cao điểm vào tháng 2 và tháng 3. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020- 2021 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL. Trường hợp cực đoan, mưa trái mùa xảy ra ít, kết hợp với việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ diễn ra tương tự mùa khô năm 2019- 2020, thậm chí còn gay gắt hơn.

Bài, ảnh: LÊ SƠN