Để hạn chế sạt lở bờ sông trong mùa mưa, lũ

Cập nhật, 10:22, Thứ Tư, 08/07/2020 (GMT+7)

 

Tấn cây, cỏ giữ mé bên ngoài để giảm thiểu bờ sông bị sạt lở thêm.
Tấn cây, cỏ giữ mé bên ngoài để giảm thiểu bờ sông bị sạt lở thêm.

Chỉ sau một tháng khi mùa mưa năm 2020 bắt đầu (hết tháng 6), trên địa bàn tỉnh đã có 38 điểm sạt lở xảy ra, làm mất 1.440m bờ sông, kinh, rạch; làm hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, nhà cửa ven sông và hộ dân tại nơi bị sạt lở sống trong bất an. Đây là một trong những hiện tượng đáng lo ngại trong mùa mưa, lũ cùng với giông, lốc xoáy…

Sạt lở- vì sao?

Sạt lở ở ĐBSCL nói chung và ở tỉnh ta nói riêng xảy ra không phân biệt mùa khô hay mùa mưa, mà xảy ra suốt năm, có lúc âm thầm, có lúc dữ dội, tuy ít gây thiệt hại về nhân mạng nhưng loại thiên tai này đã tàn phá nhiều đất đai, công trình, nhà cửa ven sông.

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, đặc điểm chung của sạt lở là do sóng, do dòng chảy làm xói lòng- bờ sông, kinh, rạch (gọi tắt là bờ sông), khi sức công phá của dòng chảy vượt quá sức chống xói của đất cấu tạo bờ và lòng sông gây mất ổn định mái bờ sông.

Khi triều lên, đất bờ sông gặp nước làm cho đất mềm yếu, lớp đất phía dưới bị xói lở nhanh hơn lớp đất trên mặt làm cho mái bờ sông rất dốc, vượt quá mái dốc tới hạn dẫn tới sạt lở. Sau đó, lớp đất dưới tiếp tục bị xói lở, lớp trên mất ổn định bị sạt lở tiếp. Do vậy mà bờ sông cứ bị bào mòn liên tục và sạt lở từng đợt.

Nhưng tình trạng sạt lở bờ sông vào đầu mùa mưa thì lại khác. Trước đó, vào mùa khô, bờ sông đã quá dốc rồi nhưng chưa sạt lở. Khi đất bờ sông (thường ở tỉnh ta là đất cát pha sét bở rời, đất thịt pha cát) thấm nước mưa thì trở nên mềm yếu, tính kết dính thấp, áp lực lỗ rỗng tăng lên, dễ bị bở rời và trọng lượng đất bờ càng nặng hơn do ngấm nước mưa.

Khi triều xuống thấp (nước ròng), áp lực thấm của nước ngầm do nước mưa ngấm vào đất càng đẩy đất bờ ra sông, khi đó áp lực đẩy của sông hướng vào bờ không còn do triều xuống thấp. Lực giữ đất bờ nhỏ hơn lực đẩy đất bờ ra sông nên bờ sông bị sạt lở. Hiện tượng sạt lở nhanh hơn là vào lúc triều xuống thấp (nước ròng thấp).

Ngoài yếu tố tác động do tự nhiên nêu trên, gần đây tác động của con người cũng rất đáng kể làm gia tăng xói lở (như nạo vét kinh, rạch quá mức để đắp bờ bao, đường giao thông làm mất ổn định bờ sông, kinh rạch gây sạt lở; do xây dựng nhà cửa, kè sông lấn lòng sông, lòng kinh làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở phía bờ đối diện…).

Thực tế cũng cho thấy, nguyên nhân làm gia tăng số vụ sạt lở bất thường là do nhu cầu xây dựng đê bao ngăn lũ hoặc xây dựng đường giao thông nông thôn quá gấp nên yếu tố ổn định của công trình chưa được coi trọng, chưa đầy đủ hoặc “bỏ qua” (như lấy đất ở lòng kinh, lòng rạch hẹp, vực sâu lên đắp đê; hay bờ kinh là nền đất yếu hoặc đang bị sạt lở mạnh; làm đường sát bờ sông, bờ kinh; sử dụng vật liệu cát sông làm nền công trình đê bao, đường giao thông) nên càng làm cho bờ sông, bờ kinh mau sạt lở hơn!

Để hạn chế sạt lở bờ sông

Có thể phòng được sạt lở ở nơi có tốc độ sạt lở yếu (dưới 2m/năm), bằng các biện pháp như trồng cây, cỏ chắn sóng, giữ mé (gồm dừa nước, gừa, lau, sậy, bần, cỏ nga, dứa, mướp gai, mái dầm, ráng, ô rô, cóc kèn, rau muống, lục bình, điên điển,…); bằng vật liệu tại chỗ để tấn mé như cọc tràm, tre đóng bên ngoài kết hợp tấn tre, mê bồ, vải ny lông, rồi lấp gạch vụn, bao cát, đá vào bên trong.

Ở những nơi, hộ dân có điều kiện thì xây kè bằng gạch, đá xây, rọ đá theo kết cấu kè trọng lực có hướng thẳng đứng hoặc nghiêng vào bờ để giữ bờ. Dạng này, chi phí cao hơn và tuổi thọ công trình cũng dài hơn, tạo mỹ quan bờ sông.

Tại những nơi sạt lở mạnh (từ 5m đến dưới 10 m/năm), giải pháp công trình xây dựng kè chống sạt lở kiên cố như Kè bảo vệ bờ sông Cổ Chiên (khu vực Phường 5- TP Vĩnh Long) mới hiệu quả. Tại những nơi sạt lở rất mạnh (trên 10 m/năm) thì nên di dời dân, nhà cửa, công trình.

Trên thực tế, dãy lồng, bè nuôi thủy sản từ đầu cù lao Minh đến gần bến phà Đình Khao (xã An Bình, Bình Hòa Phước- Long Hồ) có hiệu quả trong chắn sóng, chắn gió vỗ bờ, đẩy dòng chảy ra xa bờ, giảm đáng kể sạt lở bờ tả sông Cổ Chiên trong nhiều năm nay.

Để tránh bị thiệt hại về tính mạng và tài sản do sạt lở trong mùa mưa, trước mùa lũ, các công trình, nhà cửa nằm sát bờ sông, rạch phải được kiểm tra và xử lý ổn định hoặc di dời chỗ ở, tài sản đến nơi an toàn.

Việc cảnh báo những khu vực có thể sạt lở nguy hiểm cần được tiến hành để các hoạt động xung quanh khu vực này được hạn chế hoặc dừng hẳn. Những cây lâu năm mọc gần mé sông nên được đốn hạ để tránh bị gió mạnh gây đổ ngã kéo theo sạt lở bờ sông (trường hợp này đã xảy ra nhiều nơi trước đây vào đầu mùa mưa).

Khi xảy ra sạt lở, công tác cứu hộ, cứu nạn (ưu tiên cứu người) được tiến hành khẩn cấp; các hoạt động trên bờ sông trong khu vực sạt lở phải dừng ngay và tránh xa; không nên xử lý gia cố bờ sông ngay sau khi sạt lở vì càng gây chấn động, làm rung động thì đất bờ càng lở (cứ để cho bờ sông lở tự nhiên đến khi bờ sông ổn định hết lở mới có thể tiến hành các hoạt động gia cố bờ); không để vật có tải trọng nặng trên bờ tại nơi bị lở, phải di dời vật này cách bờ tối thiểu 50m; nên tạo rãnh thoát nước mặt trên bờ ở nơi sạt lở để nước mưa không đọng lại làm tăng tải trọng đất bờ, làm đất bờ thêm sạt lở.

Một thực tế cần nhìn nhận, đánh giá lại là hiện nay có rất nhiều công trình được xây dựng sát bờ sông (thường thấy là đê bao, đường nông thôn), kể cả các đường cấp tương đối lớn như đường liên xã, liên huyện.

Đê bao bị sạt thì khắc phục lại ít tốn kém hơn đường nhựa giao thông. Vì vậy, các tuyến đường này nên được quy hoạch tuyến cách bờ sông từ 50- 200m, sau khu dân cư ven sông để đảm bảo an toàn. Dải đất bên ngoài chỉ xây dựng bờ bao thủy lợi để bảo vệ dân cư, cây trồng.

Đê bao không nên xây dựng sát đường bờ đang có dấu hiệu sạt lở mạnh; đồng thời cần giám sát chặt chẽ việc nạo vét, lấy đất lòng sông, lòng kinh để đắp đê bao theo đúng thiết kế được phê duyệt…

Thời tiết ở Vĩnh Long đang trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa, mùa lũ sắp đến, sạt lở bờ sông thường xảy ra. Những nơi bờ sông, đoạn sông có dấu hiệu sạt lở cần được tích cực theo dõi, chuẩn bị các biện pháp phòng, tránh để giảm thiểu thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG