Thời điểm giao mùa- chủ động phòng ngừa thiên tai cực đoan

Cập nhật, 08:22, Thứ Ba, 02/06/2020 (GMT+7)

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh vừa có công văn chỉ đạo công tác chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến thiên tai cực đoan trong thời điểm giao mùa và mùa mưa, bão năm 2020.

Thời điểm giao mùa, sạt lở diễn biến rất khó lường do chênh lệch giữa mực nước cao nhất và thấp nhất khá lớn.
Thời điểm giao mùa, sạt lở diễn biến rất khó lường do chênh lệch giữa mực nước cao nhất và thấp nhất khá lớn.

Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, hiện Vĩnh Long đang bước vào thời kỳ giao mùa mưa, bão năm 2020. Trong những ngày qua, một số nơi trong tỉnh xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa, trong cơn mưa kèm theo giông, lốc, sét. Mực nước trên các sông, rạch xuống thấp, chênh lệch giữa mực nước cao nhất và thấp nhất khá lớn. Đây là thời điểm diễn biến sạt lở rất khó lường, nhất là những vị trí đã được cảnh báo.

Tình trạng sạt lở bờ sông đang có chiều hướng tăng lên trong thời gian gần đây, đến nay toàn tỉnh có 27 điểm sạt lở tại các huyện Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, TX Bình Minh và TP Vĩnh Long, với tổng chiều dài 1.245m, ảnh hưởng 4 hộ dân, ước thiệt hại là 2,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý là càng đến gần thời điểm giao mùa, số vụ sạt lở xảy ra ngày một nhiều hơn. Tính riêng trong tháng 4/2020, số vụ sạt lở chiếm gần một nửa trong tổng số vụ tính từ đầu năm.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay, đặc biệt là bước vào thời điểm giao mùa.

Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đề nghị ban chỉ huy các cấp theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Bên cạnh, kiểm tra, rà soát nơi ở của người dân, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra giông, lốc, sét, sạt lở, triều cường; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn và tổ chức khắc phục nhanh chóng, kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

Công văn chỉ đạo cũng đặc biệt lưu ý việc kiểm tra hệ thống trụ, đường dây điện, viễn thông, tránh đổ ngã gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long, các đơn vị quản lý đô thị cần tổ chức kiểm tra, có kế hoạch nạo vét cống rãnh, chặt tỉa cây xanh trong nội ô thành phố, hạn chế tình trạng ngập cục bộ cũng như sự cố cây đổ ngã do mưa lớn, giống lốc đã xảy ra ở nhiều địa phương sau những cơn mưa chuyển mùa.

Mới đây, ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Vĩnh Long- đã ký quyết định về việc phân công nhiệm vụ và địa bàn phụ trách của các thành viên Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh.

Theo đó, 38 thành viên có nhiệm vụ chỉ đạo trực tiếp công tác PCTT- TKCN của đơn vị đồng thời chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các phương án PCTT- TKCN trước, trong và sau thiên tai.

Chủ động, tăng cường về các địa phương để phối hợp chỉ đạo triển khai PCTT- TKCN và khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra…

Dự báo về mùa mưa bão năm nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đưa ra nhận định tình hình thời tiết sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm và mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm. Dự báo khả năng có khoảng 11- 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5- 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Như vậy, số lượng bão năm nay dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tập trung nhiều trong những tháng nửa cuối năm. Bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019. Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa. Mùa mưa ở Nam Bộ đến muộn vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến về công tác PCTT- TKCN năm 2020 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, PCTT là nhiệm vụ thường xuyên phải được quán triệt của cấp ủy, chính quyền và người dân.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đồng bộ, hiệu quả, theo dõi chặt chẽ, sát tình hình, không được chủ quan. Rà soát phương án ứng phó thiên tai, sẵn sàng vật tư ứng phó theo tinh thần “4 tại chỗ”. Quan tâm các giải pháp về công trình, phi công trình bảo đảm cần thiết trong PCTT.

Đầu mùa mưa cũng thường xảy ra hiện tượng giông, lốc xoáy.
Đầu mùa mưa cũng thường xảy ra hiện tượng giông, lốc xoáy.

Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng chỉ đạo là bố trí nguồn lực để xây dựng, cập nhật bổ sung bộ cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo điều hành, kết nối trực tuyến với Văn phòng Thường trực BCĐ và Ban Chỉ huy PCTT các cấp ở địa phương. Hoàn thành xây dựng và củng cố các đội xung kích PCTT cấp xã trong năm 2020.

Song song đó là việc đẩy nhanh tiến độ xử lý cấp bách các công trình PCTT, đê điều, hồ đập, sạt lở, di dân vùng thiên tai. Đồng thời rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, trọng tâm là ứng phó sạt lở, bão mạnh, lũ lớn, kiểm tra tại các công trình xung yếu.

Bài, ảnh: THÀNH LONG