TP Vĩnh Long được định hướng thiết kế ra sao?

Cập nhật, 13:05, Thứ Tư, 13/05/2020 (GMT+7)

Đầu năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long đến năm 2035 giúp định hướng không gian, xác định chức năng các khu đất của thành phố… Trong đó, đã định hướng thiết kế hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố.

Đồ án mới giúp định hướng không gian, xác định chức năng các khu đất của thành phố…
Đồ án mới giúp định hướng không gian, xác định chức năng các khu đất của thành phố…

TP Vĩnh Long hôm nay đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, thế mạnh để ngày càng xứng đáng là đô thị (ĐT) trung tâm, động lực phát triển của tỉnh.

Thực tế phát triển đặt ra yêu cầu “quy hoạch không phù hợp phải được điều chỉnh, cần thiết thì bổ sung mới thêm”. Đầu năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long đến năm 2035.

Theo đồ án, phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Vĩnh Long hiện hữu và 5 xã của huyện Long Hồ (An Bình, Hòa Ninh, Thanh Đức, Tân Hạnh, Phước Hậu), quy mô diện tích 11.221ha, dân số hơn 200.000 người.

Khu vực ĐT trung tâm được mở rộng từ trung tâm hiện hữu (Phường 1) về phía Tây theo hướng Trung tâm Hành chính tỉnh mới (Phường 9). Đồng thời, phát triển các cụm ĐT ở vòng ngoài lân cận với ĐT trung tâm.

Đồ án mới cũng phân chia thành phố thành 4 phân vùng lớn để định hướng phát triển gồm: vùng lõi ĐT, vùng chuyển tiếp, ngoại thành và cù lao An Bình. Đồng thời, định hướng thiết kế hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố.

Cụ thể, trục đường Võ Văn Kiệt được định hướng hình thành trục cảnh quan mang phong cách hiện đại, nhiều cây xanh để trở thành biểu tượng của sự phát triển thành phố.

Bên cạnh, xây dựng khu ĐT trung tâm hành chính mới với cảnh quan hiện đại, đồng bộ, nhiều cây xanh và mặt nước, xứng tầm là trọng điểm ĐT mới mang tính chất trung tâm, tạo bộ mặt mới, thúc đẩy phát triển TP Vĩnh Long và cả tỉnh.

Đồng thời, bố trí công viên trung tâm quy mô lớn có hồ nước lớn dẫn nước từ các kinh rạch hiện trạng vào, hình thành mạng lưới cây xanh- mặt nước kết nối.

Tại khu trung tâm thương mại- dịch vụ bố trí công trình hướng ra hồ và không gian mở ven hồ làm nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của ĐT và của vùng. Khu vực nhà ở bố trí chủ yếu là công trình thấp tầng, nhiều loại hình nhà ở đáp ứng nhu cầu của cư dân, chú trọng bố trí các trục cây xanh kết nối với công viên.

Khu vực trung tâm Phường 1 phát triển thành một trung tâm đa chức năng về lịch sử, văn hóa, du lịch, thương mại, dịch vụ.
Khu vực trung tâm Phường 1 phát triển thành một trung tâm đa chức năng về lịch sử, văn hóa, du lịch, thương mại, dịch vụ.

Trong khi đó, tái phát triển khu vực trung tâm Phường 1 thành một trung tâm đa chức năng về lịch sử, văn hóa, du lịch, thương mại dịch vụ- xứng tầm với vị trí trung tâm lịch sử của thành Long Hồ.

Xây dựng khu vực tái phát triển thành một thể thống nhất với không gian mở về phía sông Cổ Chiên để tăng cường liên kết giữa các công trình và phát huy sông Cổ Chiên.

Bố trí diện tích cho chức năng thương mại- dịch vụ, văn phòng, khách sạn, nhà ở (kết hợp cửa hàng, chung cư) để thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án tái phát triển, hình thành trọng điểm ĐT trung tâm sầm uất, thu hút cư dân, khách du lịch.

Trong khi đó, hình thành ĐT mới vùng chuyển tiếp. Đó là các khu ĐT có chức năng chủ yếu là nhà ở (nhà có đất rộng, nhiều cây xanh), đáp ứng nhu cầu nhà ở khi dân số gia tăng trong tương lai.

Xây dựng khu ĐT Cồn Chim thành ĐT cửa ngõ kết nối với cù lao An Bình, với công trình thương mại- dịch vụ, du lịch, ga cáp treo ở ven sông phát huy cảnh quan sông Cổ Chiên vào du lịch.

Cùng với đó, hình thành ĐT sinh thái du lịch An Bình. Cụ thể, khu vực ven sông Cổ Chiên thuộc xã An Bình được định hướng là khu vực phát triển ĐT sinh thái và du lịch, phát huy cảnh quan sông Cổ Chiên và vị trí cửa ngõ kết nối với khu vực ĐT của thành phố bằng phà An Bình và tuyến cáp treo.

Khu vực phà An Bình bố trí chợ đầu mối nông sản, ĐT sinh thái phục vụ du lịch trong giai đoạn đầu. Khu vực cáp treo bố trí trọng điểm thương mại- dịch vụ- du lịch phát huy vị trí cửa ngõ.

Khu vực phía Tây phát huy vị trí ngã ba sông và tầm nhìn đẹp ra cầu Mỹ Thuận, gần ga cáp treo để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng. Khu vực giữa ga cáp treo và phà An Bình bố trí ĐT sinh thái trang trại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch nông nghiệp.

Đồng thời, hình thành trục cảnh quan sông Cổ Chiên đặc trưng của thành phố. Kết nối các trọng điểm cảnh quan ven sông bằng các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, đường đi bộ ven sông, công viên, cây xanh ven sông, phà qua sông, cáp treo,... hình thành vùng du lịch ven sông được kết nối thành một thể thống nhất.

Cũng theo đồ án, tại các cửa ngõ sẽ bố trí các công trình điểm nhấn như công trình nhà cao tầng, cổng, tượng đài biểu tượng,...

Việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung góp phần quan trọng trong đáp ứng tiêu chí về quy mô diện tích, dân số,… để đưa thành phố lên ĐT loại II.

Ông Đặng Văn Lượng- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long- cho hay, hiện nay đề án nâng cấp ĐT TP Vĩnh Long lên ĐT loại II đã trình Bộ Xây dựng thẩm định, dự kiến trình Chính phủ công nhận ĐT loại II trong năm nay.

Thời gian qua, Công tác quy hoạch ĐT và quản lý thực hiện quy hoạch được chú trọng trong việc phân khu chức năng hợp lý, tạo động lực để xây dựng ĐT, là cơ sở thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội.

Quy hoạch chung của TX Vĩnh Long được phê duyệt năm 1996 và được điều chỉnh lần thứ nhất vào năm 2004- cơ sở quan trọng để TX Vĩnh Long quản lý và phát triển đô thị có định hướng và phù hợp tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Giai đoạn 2008- 2010, hoàn thành phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 toàn thành phố gồm 11 đơn vị hành chính. Đầu năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long đến năm 2035.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Các tin khác: