Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế

Cập nhật, 05:37, Thứ Tư, 13/05/2020 (GMT+7)

Sáng 9/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp (DN) “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Đây được đánh giá là “Hội nghị Diên Hồng” trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải “xắn tay áo” tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải “xắn tay áo” tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Hội nghị được tổ chức quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, khi được truyền hình trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ ngành; khoảng 800.000 DN trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi hội nghị này.

Không bàn lùi, than nghèo, kể khổ!

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đây là “hội nghị triệu người nghe”, khi được truyền hình trực tiếp.

Thủ tướng nhắc lại các thời khắc hào hùng tháng 5 trong quá khứ như Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thống nhất đất nước năm 1975, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho rằng thời điểm này mang tính bước ngoặt mới của lịch sử do đại dịch mang tên COVID-19 gây ra.

Hiếm có một biến cố y tế nào có tác động đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ như đại dịch COVID-19. Nó vượt xa tác động của đại dịch SARS 2002, đại dịch cúm H1N1 (2009) và có thể so sánh với các đại dịch trong lịch sử nhân loại như đại dịch hạch- cái chết đen, bệnh đậu mùa, đại dịch tả, cúm Tây Ban Nha,…

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên hành tinh này, đã có gần 4 triệu người nhiễm bệnh ở hơn 210 quốc gia/vùng lãnh thổ, gần 300.000 người chết, đồng thời tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế.

Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu. Cuối tháng 3, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay.

Quý I vừa qua đạt tăng trưởng 3,82%, mặc dù mức thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm gần đây, tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới. Trong số các nước ASEAN- 5, Việt Nam là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất.

“Tại sao chúng ta có thể thành công như vậy? Trước hết đó là do dân tộc ta đã có sẵn chất đề kháng của tinh thần đoàn kết, tiếp đó là tính kỷ luật và tuân thủ của người dân”- Thủ tướng nói đồng thời cũng cho rằng, giờ là lúc “lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra”.

Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đầu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, không thấp như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo chỉ 2,7%.

“Hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với cả ngành, đề xuất ý tưởng, giải pháp để cả ngành, cả đất nước đi lên”- Thủ tướng kỳ vọng.

Rơi vào tình trạng “ngủ đông”

Theo Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch COVID-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm (-3%). Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”, nhưng cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng.

Lực lượng DN là bộ phận quan trọng nhưng nhiều ngành rơi vào tình trạng “ngủ đông” và đối mặt với “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Kết quả khảo sát gần 130.000 DN trong tháng 4, có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực. Gần 58% số DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong số các DN có hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ DN không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%, trong đó DN có quy mô lớn và vừa không xuất khẩu được hàng hóa chiếm 46,2%...

Tại Vĩnh Long, theo báo cáo chỉ số toàn ngành công nghiệp tháng 4/2020 giảm 6,72% so với tháng trước và giảm 1,05% so cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 3.413 tỷ đồng, giảm 25,13% so tháng trước.

4 tháng đầu năm có 6 DN giải thể và 12 DN tạm ngưng hoạt động. Qua khảo sát của ngành lao động, có 971 lao động bị mất việc, 891 lao động tạm nghỉ chờ việc và 891 lao động bị giảm lương.

Vị thế của Việt Nam được nâng cao

Các chính sách của Chính phủ phần nào chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Các chính sách của Chính phủ phần nào chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Tuy vậy, Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, các chính sách vừa qua của Chính phủ đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà DN phải gánh chịu. Cụ thể, 88% DN được khảo sát nhận định các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành theo Chỉ thị số 11 là phù hợp và kịp thời.

Ông Funayama Tetsu- đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ khâm phục Chính phủ Việt Nam đã lãnh đạo khống chế dịch bệnh, hạn chế được số người nhiễm bệnh và đạt thành tích đáng nể về kinh tế.

Ông nhận định, “nếu có những biện pháp phù hợp, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi theo hình “chữ V” sau khi bị hứng chịu thiệt hại do dịch COVID-19”.

Ông Hong Sun- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham)- cũng cho biết cộng đồng DN Hàn Quốc đánh giá cao cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là những biện pháp phòng chống dịch COVID-19, góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng các DN Hàn Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam.

“Các DN Hàn Quốc sẽ cùng DN Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh COVID-19, đồng hành cùng Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai”- ông Hong Sun cam kết.

Thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng đã nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam.

Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về sự tin cậy chiến lược, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam; tạo đà cho Việt Nam sớm phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.

Để tái khởi động kinh tế trong lúc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu “5 mũi giáp công” là: tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); tăng cường xuất khẩu; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải “xắn tay áo” tháo gỡ cho DN. Lắng nghe ý kiến của đại biểu, nhà đầu tư, để tới đây Chính phủ có nghị quyết tốt tháo gỡ khó khăn cho DN; quan tâm người lao động yếu thế, “không được đổ qua đổ lại”, chậm và làm mất thời cơ kinh doanh của DN.

“Lửa thử vàng gian nan thử sức, khó khăn hai phải cố gắng ba, nhất là COVID-19 vẫn còn”- Thủ tướng yêu cầu DN đầu tư nước ngoài ở Việt Nam gắn với niềm tự hào dân tộc, cùng đoàn kết, vượt qua. “COVID- 19 là đại dịch, nhưng là cơ hội phát triển nếu biết tổ chức kinh doanh tốt, hợp tác tốt”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Một lần nữa, sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các DN Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Nhiều DN, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, nhưng vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao, cho thấy tình cảm và trách nhiệm xã hội của các DN, doanh nhân.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Các tin khác: