Mặn sẽ trở lại trong nửa đầu tháng 4

Cập nhật, 14:34, Thứ Ba, 07/04/2020 (GMT+7)

Theo dự báo của ngành chuyên môn, tình trạng hạn, mặn, thiếu nước có thể xảy ra ở mức “rất nghiêm trọng” ở nửa đầu tháng 4. Các địa phương cần chủ động các biện pháp tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, tích nước ngay khi có thể để đề phòng mặn tăng cao trở lại.

Ý thức chủ động ứng phó với hạn, mặn của người dân được nâng lên góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của hạn, mặn lên sản xuất, đời sống.
Ý thức chủ động ứng phó với hạn, mặn của người dân được nâng lên góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của hạn, mặn lên sản xuất, đời sống.

Hạn, mặn, thiếu nước có thể “rất nghiêm trọng”

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp, lưu lượng kiệt đã xuất hiện trong tháng 3.

Dự báo dòng chảy còn thấp và mặn sẽ tiếp tục kéo dài ở nửa đầu tháng 4. Viện này dự báo vùng giữa ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long, ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông khi chân triều thấp, sông Cổ Chiên 40- 45km, sông Hậu 45- 50km. Các địa phương cần chủ động các biện pháp tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, tích nước ngay khi có thể để đề phòng mặn cao trở lại ở nửa đầu tháng 4.

Đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu do lưu lượng về thấp, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái. Giảm diện tích những vùng chưa đảm bảo nguồn nước.

Chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ động trữ nước cho các tuần trước triều cường ở các thời kỳ khan hiếm nước, hạn chế tiêu thoát nước. Do mặn duy trì cao đến nửa đầu tháng 4 nên cần bảo vệ các nguồn nước hiện hữu bằng cách bổ sung đập tạm, kiểm tra thường xuyên nguồn nước, tích nước ngay khi có thể, có biện pháp giảm thiểu bốc thoát hơi nước cho cây ăn trái như giữ ẩm gốc, tỉa bớt lá.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành phương án ứng phó hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước có thể xảy ra ở mức “rất nghiêm trọng” trong các tháng còn lại của mùa khô năm 2019- 2020, nhằm đảm bảo an toàn nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại các huyện bị nhiễm mặn cao của tỉnh.

Cụ thể là đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho gần 100.000ha cây trồng ở các huyện như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ, trong đó có hơn 40.000ha cây lâu năm, hơn 30.000ha rau màu còn lại của vụ Đông Xuân năm 2019- 2020 và hơn 55.000ha lúa, rau màu vụ Hè Thu 2020.

Phương án dự kiến thực hiện khẩn cấp 81 công trình thủy lợi nạo vét kinh, rạch nội đồng để trữ nước ngọt, cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Bơm tưới hỗ trợ cho 4.214ha đất canh tác (chủ yếu là vụ Hè Thu). Cải tạo, nâng cấp và sửa chữa nhỏ 17 công trình nước sạch nông thôn.

Dự trù lắp đặt hệ thống bơm nước, bồn chứa nước, thuê xà lan và thuê xe bồn chở nước ngọt cấp cho các nhà máy nước chi nhánh Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và chi nhánh Cái Ngang. Huy động số máy bơm, trạm bơm tưới hiện có và lực lượng công an, quân sự của tỉnh và của các huyện vùng bị nhiễm mặn cao để ứng phó với hạn, mặn.

Số liệu đo mặn sáng 6/4/2020 của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho thấy mặn đang có xu hướng tăng trở lại sau thời gian ngắn giảm xuống dưới 1‰. Cụ thể, độ mặn tại 2 trạm của huyện Long Hồ đã tăng đáng kể: vàm Cái Muối (Bình Hòa Phước) 3,1‰, vàm Đồng Phú 2,9‰.

Chủ động vẫn là giải pháp căn cơ

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện nay hệ thống quan trắc để đo độ mặn của các địa phương, đặc biệt là vùng ranh mặn thì đều hoạt động rất tích cực, thông tin kịp thời đến người dân, chính quyền địa phương trong chủ động phòng chống.

Ý thức người dân trong việc phòng chống hạn, mặn cũng đã nâng rất rõ rệt, mỗi khi lấy nước kiểm tra độ mặn kỹ thông qua việc tự trang bị dụng cụ đo mặn hoặc liên hệ với cơ quan chuyên môn để nắm thông tin, nhờ vậy, đã hạn chế được thiệt hại.

Bên cạnh, ngay từ đầu mùa khô, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết. Ngay từ bây giờ, ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục duy trì, gia cố, mở rộng các công trình mà hiện nay đã, hoặc sắp xây dựng.

Ngoài những công trình thì hiện nay người dân cũng có tự trang bị một số túi chứa nước ngọt, nạo vét kinh mương trữ nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng thích hợp. Từ đó, có thể thấy rằng việc chủ động là một giải pháp căn cơ, là yếu tố thành công để phòng chống, ứng phó với hạn, mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Liêm, khó khăn hiện nay là số lượng máy đo độ mặn hạn chế trong khi việc ký hợp đồng đo mặn với Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh có mức độ, vị trí, số lượng chưa bao phủ. Trong trường hợp độ mặn lên cao, xâm nhập sâu hơn thì những vùng chưa có hệ thống quan trắc sẽ gặp khó khăn.

Do đó, làm sao phải tận dụng hết những máy móc, trang thiết bị để đo độ mặn, kịp thời thông báo đến người dân. Việc đóng cống, ngăn mặn dài ngày còn đặt ra vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt, do đó cần trang bị thêm dụng cụ chứa nước, hay dẫn nước ngọt hiệu quả để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- cho biết, phương án phòng chống hạn, mặn xác định rõ được khu vực bị ảnh hưởng từ đó đưa ra nhiều kịch bản ứng phó, kể cả việc bố trí thời vụ để né hạn, mặn. Đến nay, một số công trình trữ nước, cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh cũng đã phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, công tác truyền thông để người dân nắm bắt kịp thời được tình hình hạn, mặn chung cũng như từng đợt và hàng ngày thì trên hệ thống tin nhắn, để từ đó tổ chức lấy nước, trữ và cung cấp nước một cách chủ động, hiệu quả.

Số liệu đo mặn sáng 6/4/2020 của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho thấy mặn đang có xu hướng tăng trở lại sau thời gian ngắn giảm xuống dưới 1‰. Cụ thể, độ mặn tại 2 trạm của huyện Long Hồ đã tăng đáng kể: vàm Cái Muối (Bình Hòa Phước) 3,1‰, vàm Đồng Phú 2,9‰.

 

Bài, ảnh: LÊ SƠN