Vũng Liêm đổi thay từng ngày

Cập nhật, 05:39, Thứ Tư, 15/01/2020 (GMT+7)

Năm 2019, huyện Vũng Liêm có 2 xã (Hiếu Nghĩa và Trung Nghĩa) “cán đích” nông thôn mới (NTM) và xã Tân An Luông “cán đích” NTM nâng cao, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 10/19 xã NTM, trong đó có 1 xã NTM nâng cao. Bình quân mỗi xã đạt gần 16,2 tiêu chí, xã đạt thấp nhất là 12 tiêu chí.

Những ngày này, trở về huyện Vũng Liêm, chúng tôi cảm nhận nông thôn đang đổi mới từng ngày. Đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện.

Cơ sở hạ tầng tại các xã trong huyện Vũng Liêm được đầu tư ngày càng hoàn thiện.
Cơ sở hạ tầng tại các xã trong huyện Vũng Liêm được đầu tư ngày càng hoàn thiện.

Đời sống khá hơn

Ra riêng chỉ với 1 công ruộng do cha mẹ cho, trước đây, anh Võ Hoàng Việt hiện là Chi hội trưởng Nông dân ấp Hiếu Trung (xã Hiếu Nghĩa) phải đi làm mướn, đặt trúm, soi ếch… để có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Năm 2002, thông qua sự vận động của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Việt đã chuyển từ lúa sang màu và mướn thêm 2 công đất trồng rẫy. “Lứa dưa hấu đầu tiên tui bán được 31 triệu đồng, trong khi vốn bỏ ra chỉ 4- 5 triệu đồng”- anh Việt phấn khởi kể.

“Mua thổ thì lời”, năm 2007, anh Việt đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT huyện 50 triệu đồng để sang nhượng 1 công đất. Sau đó, anh còn mướn thêm 5 công đất để phát triển trồng màu. “Nhờ làm ăn có hiệu quả nên chỉ trong vòng 1 năm tui đã trả hết nợ vay”- anh Việt khoe.

“Trong khi người khác trồng màu 2 năm thì nghỉ, nhưng anh Việt vẫn trồng màu tốt cả chục năm”- ông Lương Thái Bình- Bí thư kiêm Trưởng ấp Hiếu Trung- cho biết thêm.

Giai đoạn 2010- 2015, anh Việt tiếp tục vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vũng Liêm để chuyển từ ruộng lên vườn và mướn thêm 2 công đất trồng cam kết hợp nuôi gà thả vườn và phát triển chăn nuôi bò.

Với năng suất 10 tấn/công/năm, giá bán 6.000- 8.000 đ/kg, anh Việt cho rằng: tuy giá bán không cao như trước đây nhưng anh vẫn “sống khỏe” với cây cam.

Theo ông Lương Thái Bình, thông qua sự vận động của địa phương, nhân dân trong ấp đã chuyển từ đất ruộng lên trồng màu.

Đến nay thì chuyển hẳn 78,9ha đất trồng cam sành, chiếm 100% diện tích đất nông nghiệp, trong đó có một số vườn trồng xen bưởi. “Nếu giá cỡ 25.000- 30.000 đ/kg như trước đây thì nông dân xã Hiếu Nghĩa giàu hết”- ông Lương Thái Bình cười tươi.

Song, với mức giá như hiện nay, cây cam vẫn cho lợi nhuận gấp 5- 6 lần so với lúa. Điều có thể dễ dàng nhận thấy là đời sống người dân xã Hiếu Nghĩa đã nâng lên đáng kể so với trước đây. Những căn nhà tường khang trang đã dần thế chỗ cho những căn nhà lá tạm bợ. Điện, đường, trường, trạm… được đầu tư ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu dân sinh.

Chung sức xây nông thôn mới

Là một trong những người trẻ rời phố về quê lập nghiệp, anh Nguyễn Hoàng Thành (Ấp 7, xã Tân An Luông) đã chung tay cùng Nhà nước xây NTM thông qua việc hiến hơn 1 công đất để làm các công trình giao thông.

Khi được vận động, anh gật đầu không đắn đo và nói “ừ thì cứ làm” vì với anh Thành “quan trọng là có đường đi lại thuận tiện phục vụ cho mình và bà con nơi đây”.

Chính nhờ sự đồng lòng của anh Thành cũng như nhiều hộ dân khác mà công trình sớm hoàn thành, phục vụ thiết thực cho đời sống dân sinh.

Nếu như ngày xưa nông dân phải vác từng bao phân qua bờ kinh để xuống ruộng thì giờ đây xe tải, máy cắt lúa có thể đến tận ruộng, “thu hoạch lúa xong thì cứ bỏ trên bờ kinh và có xe tới lấy”- anh Thành phấn khởi nói.

Bà Lê Thị Thanh Vân lưu ý, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã cần xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững, bao gồm: nâng mức đạt của các chỉ tiêu và bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đồng thời, quy định tốc độ tăng trưởng tối thiểu cần đạt đối với một số tiêu chí khi xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM bền vững.

Anh Thành nhận định, quê hương mình nay đã chuyển biến tích cực, cuộc sống ở thôn quê giờ thấy dễ chịu, thậm chí thoải mái hơn cả thành thị vì cảnh quan môi trường ngày càng sạch sẽ, không khí trong lành, đời sống yên bình, đường sá được đầu tư hoàn chỉnh, ban đêm có đèn đường đi lại khá thuận tiện, sáng sớm người dân cũng thoải mái đi lại tập thể dục, việc vận chuyển hàng hóa nông sản giờ dễ dàng hơn nhờ vậy mà giá cả nông sản nhích lên.

Với sự chung sức, đồng lòng của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã đưa xã Tân An Luông “cán đích” NTM nâng cao với 9/19 tiêu chí đạt vượt so quy định.

Cụ thể, tỷ lệ đường liên ấp đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn vượt trên 22%, tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt trên 15,1%, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch vượt gần 13,4%...

Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, Phó Trưởng BCĐ thường trực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện- cho rằng: Đạt được kết quả như trên là nhờ có sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của người dân. Song, được công nhận đạt chuẩn chỉ là bước khởi đầu, vấn đề quan trọng là phải giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Để làm được điều này đòi hỏi chính quyền các cấp phải có những giải pháp mang tính lâu dài, đồng bộ và hiệu quả, là làm sao phải huy động được sự vào cuộc thật sự mạnh mẽ và kiên trì của người dân.

BCĐ chương trình xây dựng NTM xã Hiếu Nghĩa đã tăng cường công tác khuyến nông, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng cường công tác chuyển dịch cơ cấu lao động… Nhờ vậy, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45,49 triệu đồng/năm. Cuối năm 2019, xã Hiếu Nghĩa “cán đích” NTM với 9/19 tiêu chí đạt vượt. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã thấp hơn 1,88% so quy định, tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt gần 15,1%, số ấp văn hóa vượt 30%...

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI