Lũ không về, đô thị có cần lo chống ngập?

Cập nhật, 15:07, Thứ Tư, 04/09/2019 (GMT+7)

 

Nội ô TX Bình Minh ngập sâu vào mùa mưa lũ năm 2018.
Nội ô TX Bình Minh ngập sâu vào mùa mưa lũ năm 2018.

Theo dự báo của các chuyên gia thì “rất có khả năng mùa nước nổi năm nay không về ĐBSCL”. Trong bối cảnh đó, các đô thị ĐBSCL, trong đó có các đô thị Vĩnh Long có cần lo chống ngập?

Đô thị ít rủi ro hơn nhưng vẫn có thể ngập

Chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập- Nguyễn Hữu Thiện cho biết: Theo thông cáo báo chí của Ủy hội sông Mekong (MRC) ra ngày 18/7/2019, nước sông Mekong vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, xuống dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử.

Đoạn từ Chiang Saen ở phía Bắc của Thái Lan đến Luang Prabang, Vientiane (Lào) và Neak Luong (Campuchia), mực nước sông Mekong đều đang ở dưới mức thấp kỷ lục của năm 1992. Ở Chiang Saen, mực nước sông hiện tại là 2,1m, thấp hơn 3,02m so với mức trung bình cùng kỳ trong suốt 57 năm qua (từ 1961-2018) và thấp hơn 0,75m so với mức nước tối thiểu từng đo được trong 57 năm đó.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân số một là do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay. Bên cạnh, hiện nay chúng ta đang trong loại năm khô hạn, do đó các đập thủy điện đang làm cho tình hình tồi tệ thêm.

Trong bối cảnh “rất có khả năng mùa nước nổi năm nay không về ĐBSCL thì các đô thị ĐBSCL năm nay ít bị rủi ro hơn”- ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định. Dù vậy, ông cũng lưu ý, các đô thị vẫn có thể ngập do mưa, do hệ thống thoát nước ở đô thị chưa đáp ứng tốt nhu cầu thoát nước. Bên cạnh, năm nay đô thị vẫn có thể ngập do triều từ biển vô.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho hay, những đô thị ven biển (từ QL1 đổ ra biển) vẫn còn rất dễ bị nước triều lên gây ảnh hưởng. Nguyên nhân là do “sức khỏe” ĐBSCL không còn “nguyên vẹn” như xưa nên trở nên rất nhạy cảm với mực nước. Ngày xưa nước lên chan hòa khắp nơi.

Còn bây giờ là nguyên vùng miệt vườn của mình từ Ngã Bảy- Hậu Giang dài lên Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang bị bít hết rồi. Nước chảy trong lòng máng thành ra nước nhích lên chút xíu là lên nhanh lắm, dâng lên thì nước tìm chỗ hở để tràn lên. Chỗ hở là quốc lộ và đô thị. Đó cũng là lý do dẫn đến nghịch lý ruộng vườn thì khô ráo, thành thị thì ngập.

Cần chủ động các phương án

Nằm ven sông Hậu và thường bị ngập nặng vào mùa mưa lũ hàng năm, ông Nguyễn Thành Phương- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TX Bình Minh- cho hay: Những năm gần đây, hệ thống thoát nước của nội ô thị xã được cải tạo, nâng cấp nên “cơ bản có thể thoát nước mưa- giảm thiểu ngập úng”.

Tuy nhiên, triều cường thì có thể gây ngập do hạ tầng không đồng bộ. Cụ thể, do địa hình thấp và nằm sát mé sông nên chống ngập cục bộ chỗ này thì nước tràn chỗ kia- chủ yếu đi đường nhà dân. Do đó, trước mùa mưa lũ hàng năm, các ban ngành hữu quan của thị xã phối hợp các địa phương nâng cấp, gia cố đê bao vùng ven thuộc các phường, các xã.

Ông Trần Văn Tám- Phó Chủ tịch UBND phường Thành Phước (TX Bình Minh)- cho hay: Phường Thành Phước nằm ven sông Hậu, mùa mưa bão hàng năm thường bị ngập nặng- ảnh hưởng đi lại, sinh hoạt và mua bán của người dân.

Theo đó, ngay trước mùa mưa bão, phường đã rà soát, gia cố, khép kín các tuyến đê bao; nạo vét kinh đảm bảo thoát nước và giảm áp lực dòng chảy. “Các giải pháp nhằm góp phần phòng chống sạt lở và ngập úng”- ông Trần Văn Tám nói.

Tại TP Vĩnh Long, ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long- cho biết: Triều cường, hệ thống thoát nước thiếu và yếu là nguyên nhân gây ngập một số tuyến đường của thành phố thời gian qua.

Các tuyến đường Hưng Đạo Vương, đường Lê Văn Tám, đường Hoàng Thái Hiếu… thường xuyên ngập nặng. Trong đó, triều cường gây ngập do nước đi lên từ miệng các cống bị rò rỉ (dù đã có van một chiều) và chủ yếu là do nước tràn từ sông lên đường qua đường nhà dân.

Chẳng hạn, đường Mậu Thân (Phường 3) đa phần là nước tràn, trong khi hệ thống cống thoát chỉ có ở 1 bên đường, lại có kích thước nhỏ nên không đảm bảo lưu lượng thoát nước khi mưa lớn. Hệ thống cống cũ kỹ, xuống cấp không được duy tu, sửa chữa kịp thời trong khi có đến khoảng 70% các cửa cống thoát nước đã bị bít do xây dựng lấn chiếm.

Trước dự báo “có khả năng mùa nước nổi năm nay không về”, ông Ngô Thành Thía nói: Với hệ thống thoát nước chưa đáp ứng thì nếu bỏ qua nguyên nhân nước tràn từ sông lên, chỉ có mưa thôi thì TP Vĩnh Long vẫn có thể bị ngập (do nước mưa thoát không kịp). Do đó, công ty đã chủ động các phương án, chuẩn bị lực lượng và phương tiện chống ngập cho thành phố như hàng năm.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh dự báo như trên, bên cạnh chủ động trong phương án phòng chống ngập úng của các ngành chức năng, các hộ dân cũng cần chủ động các phương án phòng chống hoặc sống chung nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại và không gây ảnh hưởng mua bán, sinh hoạt nếu bị ngập.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU